Nam bộ đang phải đối mặt với tình trạng không mua được phân bón, đặc biệt là phân ure. Nguồn cung khan hiếm và thời tiết diễn biến bất thường đã gây khó khăn cho việc vận chuyển phân bón từ nhà máy đến nơi tiêu thụ. Giá phân bón đã tăng nhẹ nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu hàng."/>Nam bộ đang phải đối mặt với tình trạng không mua được phân bón, đặc biệt là phân ure. Nguồn cung khan hiếm và thời tiết diễn biến bất thường đã gây khó khăn cho việc vận chuyển phân bón từ nhà máy đến nơi tiêu thụ. Giá phân bón đã tăng nhẹ nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu hàng."/>

Thị trường phân ure: Giá tăng nhẹ nhưng vẫn thiếu cục bộ

09:17 SA @ Thứ Năm - 28 Tháng Sáu, 2012

Bước vào tháng cao điểm sử dụng phân để bón thúc cho cây trồng, nhiều nông dân ở khu vực Đông Nam bộ đang phải đối mặt với tình trạng không mua được phân bón, đặc biệt là phân ure. Nguồn cung khan hiếm và thời tiết diễn biến bất thường đã gây khó khăn cho việc vận chuyển phân bón từ nhà máy đến nơi tiêu thụ. Giá phân bón đã tăng nhẹ nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu hàng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu phân bón các loại của cả nước trong năm 2012 vào khoảng 9,8 triệu tấn, bao gồm: phân ure 2 triệu tấn, đạm SA 710.000 tấn, phân kali 920.000 tấn, DAP 950.000 tấn, phân NPK 3,5 triệu tấn, phân lân các loại 1,8 triệu tấn. Trong khi đó, khả năng sản xuất trong nước là 7,25 triệu tấn phân bón các loại và chỉ còn phải nhập thêm phân SA, kali, DAP.

Tại thị trường tỉnh Bình Phước, phân ure Phú Mỹ mua tại đại lý có giá 615.000đ/bao, cao hơn đầu tháng 4 là 115.000đ/bao. Chủ đại lý phân bón thuốc trừ sâu Đức Hải (thị trấn Thanh Bình, Bù Đốp, Bình Phước) cho biết: “Phân ure Phú Mỹ giá 615.000đ/bao. Giờ chúng tôi vẫn còn hàng, anh mua nhiều thì Đại lý sẽ chở đến tận nơi giao”. Chúng tôi thắc mắc giá cao thì chủ đại lý giải thích “Giá ở đâu bây giờ cũng vậy hết. Anh mua nhanh thì báo giá, chúng tôi sẽ chở đến tận nơi. Nếu không mai mốt là không còn phân đâu”.

Tuy nhiên, không phải đại lý nào cũng có sẵn phân để bán. Nhiều đại lý tại Đồng Nai, Bình Dương cho biết chỉ còn phân NPK, SA, DAP chứ ure thì không có. Theo lý giải của bà Bảy, chủ một đại lý phân tại Thống Nhất (Đồng Nai), do thời tiết bắt đầu bước vào mùa mưa, nên việc vận chuyển phân gặp khó. Bên cạnh đó, các đại lý cũng không dám lấy nhiều hàng để dự trữ vì vấn đề chi phí quá lớn và lo sợ giá phân bón sẽ giảm.

Việc thiếu phân ure cục bộ tại các tỉnh Đông Nam bộ đã gây nhiều khó khăn cho việc chăm sóc cây trồng của nông dân. Thời gian này là cao điểm sử dụng phân bón để bón thúc cho nhiều loại cây công nghiệp như cao su, điều, tiêu và các loại cây trồng ngắn ngày khác. Nguồn cung không đủ dẫn đến nhiều nông dân không có phân để bón, ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng.

Trong năm 2012, dự báo nguồn phân ure sản xuất ổn định với tổng sản lượng gần 2,6 triệu tấn/năm. Phân DAP sản xuất đủ 50% trong nhu cầu (nhu cầu cả nước khoảng 650-700 ngàn tấn/năm). Phân lân sản xuất gần 1,7 triệu tấn, cân đối đủ 80% nhu cầu và phân kali nhập khẩu khoảng 700.000 tấn/năm. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng thiếu phân, đặc biệt là phân ure ở một số vùng trong thời gian cao điểm.

Phân tích nguyên nhân giá phân bón tăng nhẹ, một chuyên gia trong ngành cho rằng: Nếu tính trên tổng công suất phân ure của các nhà máy đạm: Hà Bắc 200.000 tấn/năm, Phú Mỹ 800.000 tấn/năm, còn lại 2 nhà máy đạm Cà Mau 800.000 tấn/năm và Ninh Bình 560.000 tấn/năm vừa mới đưa vào hoạt động thì sản lượng tạo nguồn cung nhất thời có thể chưa đáp ứng. Ngoài ra, có thể sau 2 tháng đầu năm, tình trạng phân bón bán ra chậm do kết thúc vụ đông xuân, một số doanh nghiệp đã ký xuất khẩu một số lượng hàng nhất định nên nguồn cung trong nước thời điểm này cũng giảm. Thêm một số doanh nghiệp nhập phân ure từ Trung Quốc về đưa vào các tỉnh phía Nam, chi phí vận chuyển cao nên giá bán tăng lên trong dịp này.

Lý giải cho tình trạng thiếu phân bón cục bộ tại một số vùng trong năm nay, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, do các nhà nhập khẩu tiểu ngạch không còn mặn mà với việc tiếp tục nhập khẩu, do vừa hứng chịu cú sốc tồn kho cao và phải bán phá giá thu hồi vốn vào cuối năm 2011 khi không dự báo được chuẩn lịch mùa vụ ở Tây Nam bộ. Ngoài ra, tình trạng này còn do hai nhà máy phân lớn của Việt Nam là Nhà máy Đạm Ninh Bình và Nhà máy Đạm Cà Mau chính thức đi vào sản xuất thương mại nhưng cũng không chuẩn bị kịp nguồn cung ứng ure.

Thời tiết chuyển mưa sớm gây ảnh hưởng khá nhiều đến việc vận chuyển phân bón từ nhà máy đến nơi tiêu thụ. Tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, suốt từ tháng 4 tới nay, việc giao nhận vận chuyển phân bón theo cách thông thường là đóng phân bón vào bao tại kho Nhà máy Đạm Phú Mỹ và vận chuyển bằng xà lan từ cảng Phú Mỹ đi các vùng miền bị ngưng trệ nghiêm trọng khi thời tiết mưa từ 6-7 tiếng/ngày. Theo đó, sản lượng phân bón xuất kho trong mùa mưa sớm năm nay chỉ đạt 1.000 tấn/ngày, so với mức 3.000 tấn/ngày vào thời tiết khô ráo.

Một nguyên nhân khác gây ra tình trạng khan hiếm nguồn ure là do các nhà máy có nhiều hợp đồng xuất khẩu ure sang Thái Lan, Malaysia, Campuchia… nên dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cục bộ một thời gian. Tình trạng trên còn do phía Trung Quốc không khuyến khích xuất khẩu phân bón nên giá phân bón thế giới cũng tăng lên theo.

Trước tình hình này, nhiều công ty lớn đã vào cuộc nhằm sớm cung ứng đủ lượng phân cho nông dân. Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho biết, trong tháng 6, PVFCCo dự kiến cung ứng khoảng 70.000 tấn đạm Phú Mỹ và hơn 60.000 tấn đạm Cà Mau. Hiện, PVFCCo đang tăng cường chuyển hàng về các vùng miền nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu mùa vụ, góp phần hạ nhiệt thị trường. Nhiều nhà máy phân bón đã thay đổi phương thức đóng gói phân bón. Đạm Phú Mỹ đã áp dụng hình thức sử dụng container đóng tại kho thay cho hình thức đóng bao và vận chuyển bằng sà lan đi các vùng miền để đảm bảo đạt sản lượng xuất kho khoảng 2.500 tấn/ngày.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng đang xem xét để mua 200.000 tấn ure nhằm cung ứng cho thị trường, góp phần hạ nhiệt giá phân.

Với những động thái như trên, hi vọng trong thời gian tới, lượng phân bón cung ứng sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ đó, giá phân sẽ đi vào ổn định, nông dân sẽ yên tâm sản xuất.

Nguồn: