Tình hình thị trường
Theo Báo cáo tổng kết thị trường mới đây của Hiệp hội phân bón thế giới (IFA), năm 2023 và nửa đầu năm 2024 thị trường phân bón trên thế giới đã duy trì ổn định trong bối cảnh những bất ổn diễn ra trên các thị trường hàng hóa toàn cầu. Ngành sản xuất phân bón tiếp tục chịu tác động của những rủi ro toàn cầu, từ các rủi ro địa chính trị, kinh tế, môi trường đến những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các quốc gia.
Những động lực kinh tế vĩ mô tiếp tục có ảnh hưởng lớn trong khi lạm phát và lãi suất ngân hàng ở mức cao làm giảm sức mua của các nhà sản xuất cũng như người sử dụng phân bón. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2024 giá phân bón đã giảm đáng kể so với 18 tháng trước. Xu hướng này đã hỗ trợ sự phục hồi của tiêu thụ phân bón trong năm tài chính 2023 sau 2 năm suy giảm, đặc biệt đối với phân lân và phân kali.
Những tháng đầu năm 2024, nhiều rối loạn trong hoạt động thương mại và vận tải hàng hóa toàn cầu đã tiếp tục diễn ra, từ sự thay đổi các tuyến đường xuất khẩu ở Nga và Belarut cho đến những sự cố ở Biển Đỏ và mực nước thấp trong Kênh đào Panama, tất cả những yếu tố đó đã làm cho việc vận chuyển phân bón trên thế giới trở nên khó khăn hơn. Tuy sau đó phần lớn những vấn đề trên đã được giải quyết, nhưng những rủi ro và chi phí bảo hiểm vẫn là những yếu tố lớn mà các nhà kinh doanh phân bón phải cân nhắc. Mặt khác, xu hướng giảm phát thải cacbon vẫn tiếp tục với những kế hoạch đầu tư vào sản xuất amoniăc phát thải thấp. Tuy nhiên, một số chậm trễ đã xảy ra trong những dự án cần gọi vốn hoặc phải dựa vào sự hỗ trợ của các chính phủ.
Năm 2024 là năm diễn ra những thay đổi chính trị quan trọng, gần 2 tỉ người ở 70 nước trên thế giới đã tham gia các cuộc bầu cử cấp quốc gia. Nhiều đề tài được đưa ra tranh luận trong các cuộc bầu cử, một số đề tài trong số đó sẽ có tác động đến ngành sản xuất phân bón, ví dụ những đề tài về chính sách đối ngoại, an ninh lương thực, trợ cấp nông nghiệp, giảm phát thải CO2.
Nguồn cung phân bón
Trong năm 2023, nguồn cung phân bón đã tăng ở các mức độ khác nhau trên khắp thế giới. Sản lượng phân đạm đã phá vỡ xu hướng của năm trước và tăng cao lên mức kỷ lục, trong khi đó sản lượng phân lân và phân kali cũng hồi phục một phần từ những biến cố đầy thách thức trong năm 2022.
Tổng sản lượng amoniăc toàn cầu năm 2023 ước đạt 185,6 triệu tấn, tăng 2% so với năm trước. Tổng sản lượng urê năm 2023 ước tính tăng mạnh lên 195,5 triệu tấn, cao hơn 6% so với năm trước.
Sản lượng phân bón cao được quan sát thấy ở những quốc gia gần đây đã diễn ra chu kỳ đầu tư vào những nhà máy mới, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, châu Phi (Ai Cập, Nigiêria), Mỹ và Nga. Trong khi đó, sản lượng phân bón tại châu âu không tăng, sản lượng amoniăc giảm 2% so với năm 2022 mặc dù giá nguyên liệu khí thiên nhiên giảm. Tại Trung Âu, sản lượng urê năm 2023 giảm 26% so với năm 2022. Tại khu vực châu Mỹ La tinh, mặc dù một số nhà máy sản xuất amoniăc tại Vênêxuêla đã được khởi động lại nhưng sản lượng toàn khu vực vẫn giảm 11% do các vấn đề về nguồn cung khí gas và các cuộc đình công đã diễn ra. Các vấn đề về nguồn cung khí gas cũng xảy ra tại Trinidad, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Mêhicô, Brunei, Băng-la-đét, Pakistan.
Sản xuất phân đạm tại Nga đã hồi phục mạnh trong năm 2023 khi các tuyến đường xuất khẩu mở cửa trở lại và các biện pháp trừng phạt được làm rõ. Tuy nhiên, thương mại amoniăc vẫn tiếp tục gặp nhiều trở ngại do đường ống dẫn kết nối các nhà sản xuất Nga với vùng Biển Đen tiếp tục bị đóng. Các kế hoạch đầu tư đang được thực hiện nhằm xây dựng các cảng thay thế tại Biển Ban-tích và Biển Taman, nhưng xuất khẩu amoniăc từ Nga vẫn giảm mạnh, chỉ đạt 0,5 triệu tấn trong năm 2023, giảm gần 70% so với năm 2022 (1,8 triệu tấn). Mức giảm này đã không được bù đắp hoàn toàn bằng lượng xuất khẩu cao hơn từ Tây Á và Bắc Mỹ, vì vậy ước tính tổng khối lượng thương mại amoniăc toàn cầu năm 2023 đã giảm 8%.
Tổng sản lượng axit phốtphoric toàn cầu năm 2023 ước tính tăng 1% so với năm trước, đạt 85 triệu tấn, trong khi đó tổng sản lượng MAP+DAP ước tính tăng 3%, đạt 64,3 triệu tấn. Tuy đã hồi phục một phần, tổng sản lượng MAP+DAP toàn cầu đã giảm trong 3 năm trước đó và không trở về được mức sản lượng năm 2020. Sản lượng thấp hơn tại châu Phi (Marốc) đã được bù đắp bằng sản lượng cao hơn tại Trung Quốc và Tây Á (Arập Xê-út, Gioocđani, Irắc). Sự tăng trưởng của sản lượng MAP+DAP tại Trung Quốc năm 2023 được hỗ trợ nhờ những thay đổi về công suất, những nhà máy mới đã được đưa vào vận hành trong khi các nhà máy cũ và sản xuất cầm chừng bị đóng cửa vĩnh viễn, khiến cho các nhà máy đang hoạt động phải tăng công suất để đáp ứng nhu cầu đang hồi phục.
Sản lượng phân Kali MOP toàn cầu năm 2023 ước tính tăng 13%, đạt 69,3 triệu tấn. Khu vực Đông Âu và Trung Á (EECA) là động lực lớn nhất cho sự hồi phục này nhờ sản lượng cao hơn của Belarut và Nga. Hơn nữa, sản lượng MOP tại Lào tăng 67% trong năm 2023 so với năm trước, đủ để bù đắp sự suy giảm sản lượng nội địa của Trung Quốc.
Sau khi giảm mạnh trong năm 2022 do chịu tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, xuất khẩu MOP từ Belarut trong năm 2023 đã hồi phục 82%, đạt 8,2 triệu tấn.
Năm 2023, các tuyến đường mới đến các thị trường xuất khẩu đã được mở ra, thay thế cho những tuyến đường cũ đi qua Litva, nơi trước đó phần lớn hàng MOP xuất khẩu của Belarut đã đi qua. Nhờ các cảng ở Nga, Belarut đã tăng xuất khẩu bằng đường sắt đến Trung Quốc và các thị trường có cảng biển. Cảng của Nga tại Murmansk đang thực hiện một chương trình đầu tư quan trọng, mở ra tuyến đường tương lai cho xuất khẩu phân bón của Belarut.
Xu hướng đầu tư và mở rộng công suất
Thời gian qua, chu kỳ đầu tư trong sản xuất phân bón đã thay đổi theo 2 cách chính như sau:
1. Giá phân bón thấp hơn làm suy yếu các dự định đầu tư tạo lập công suất mới.
2. Sản xuất phân bón đang trở nên ngày càng thân thiện môi trường hơn, được hỗ trợ bằng sự chuyển đổi năng lượng, khiến cho chi phí của các dự án tăng lên.
Động lực cho đầu tư mở rộng công suất sản xuất phân đạm vẫn là khả năng tiếp cận các nguồn nguyên liệu và ưu thế cạnh tranh của ngành sản xuất này. Phần lớn các kế hoạch đầu tư mở công suất phân đạm trong 5 năm tới đều được đặt tại các khu vực chi phí thấp với nguồn khí thiên nhiên dồi dào, ví dụ Nga, và tại các quốc gia có sự hỗ trợ mạnh cho các hoạt động giảm phát thải cacbon, ví dụ Mỹ, nơi mà Đạo luật giảm lạm phát đã mở đầu cho làn sóng đầu tư vào sản xuất amoniăc kết hợp thu giữ, sử dụng và lưu trữ CO2.
Trung Quốc tiếp tục vận hành phần lớn ngành sản xuất phân đạm của mình dựa trên nguyên liệu than. Trọng tâm của ngành là cải thiện hiệu quả sản xuất và nâng cấp công nghệ, không phải là chuyển đổi từ nguyên liệu than sang khí thiên nhiên hoặc các nguồn năng lượng tái tạo.
IFA dự báo công suất amoniăc toàn cầu sẽ tăng 8% trong thời gian 2023 đến 2028, tức là từ 192 triệu tấn lên 207 triệu tấn. Ngoài khu vực Trung Âu, tất cả các khu vực khác đều được dự báo sẽ tăng công suất sản xuất amoniăc, trong đó đáng chú ý là Trung Quốc (+4%), Ấn Độ (+4%), Tây Á (+14%), châu Phi (+11%) và EECA (+11%). Dự kiến Mỹ cũng sẽ tăng đáng kể công suất amoniăc (+11%) trong 5 năm tới trên cơ sở những ưu đãi thuế đã được đưa ra trong Đạo luật giảm lạm phát năm 2022.
Nhiều công ty tiếp tục đầu tư vào những dự án mở rộng công suất sản xuất amoniăc theo phương pháp điện hóa (NH3 xanh), tuy nhiên số lượng các dự án sẽ đi vào vận hành trong 5 năm tới sẽ không lớn. IFA dự báo các nhà máy NH3 xanh với công suất tổng cộng 2,8 triệu tấn N sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2028, tương đương 1% công suất amoniăc toàn cầu. Những nhà máy NH3 xanh với công suất tổng cộng lớn hơn nhiều được dự báo sẽ đi vào vận hành trong 5 năm tiếp theo. IFA cho biết, một số kế hoạch đầu tư vào các nhà máy với tổng công suất gần 120 triệu tấn N đang được xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng.
Trên toàn cầu, công suất axit phốtphoric được dự báo sẽ tăng 10% trong thời gian 5 năm 2023-2028, đạt 70,6 triệu tấn P2O3. Dựa trên các kế hoạch đầu tư quy mô lớn đang được thực hiện, giai đoạn tăng trưởng công suất quan trọng nhất dự kiến sẽ là thời gian 2026-2027. Các chương trình mở rộng công suất chủ yếu sẽ đến từ các nhà sản xuất hiện tại ở Marốc và Arập Xê-út, trong khi đó các chương trình mở rộng công suất với quy mô nhỏ hơn sẽ được thực hiện tại Ấn Độ, Braxin và Ai Cập.
Công suất phân kali năm 2028 được dự báo sẽ đạt 76 triệu tấn K2O, tăng 19% so với năm 2023. Cả hai nước Lào và Nga sẽ là những quốc gia đóng góp chính vào sự tăng trưởng này cho đến năm 2026. Làn sóng mở rộng công suất thứ hai dự kiến sẽ diễn ra từ năm 2027, khi đó các mỏ được đầu tư mới sẽ bắt đầu đi vào vận hành ở Canađa, Belarut và Nga.