Phân bón kém chất lượng, nhập nhèm nhãn mác giữa chế phẩm diệt côn trùng như thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên thị trường đang gây thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế cho người nông dân, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp.
Phát hiện nhiều vi phạm
Hằng năm, ước tính cả nước sử dụng trên 11 triệu tấn phân bón. Đứng trước lợi nhuận quá lớn, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu các loại phân bón hữu cơ vo viên, SA về rồi đóng bao ghi nhãn mác nhập nhèm giống như phân vô cơ như DAP, NPK, URE... bán với giá ngang bằng hoặc thấp hơn phân DAP và NPK chính hiệu, làm gia tăng chi phí cho người nông dân trong khi tác dụng của các loại phân bón nhập nhèm không như mong đợi. Nếu chỉ nhìn vào bao bì người nông dân như lạc vào “ma trận” phân bón, do các loại này rất khó phân biệt.
Thuốc BVTV cũng là một trong những vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ cây trồng, ngăn chặn dịch hại, cải thiện năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV không tuân thủ theo khuyến cáo gây hệ lụy rất lớn cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và đe dọa sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Thêm vào đó, những năm gần đây, trên thị trường, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện nhiều loại thuốc diệt côn trùng, chế phẩm diệt côn trùng dùng trong gia dụng và y tế của nhiều công ty thuốc BVTV đăng ký sản xuất nhưng được giới thiệu như một loại thuốc BVTV. Đáng nói, những loại này được bán tràn lan tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp. Điều này đã vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 31, Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Trước bối cảnh phân bón giả, thuốc BVTV kém chất lượng trà trộn vào thị trường ngày càng nhiều, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh, thành phố đã kiên quyết vào cuộc, xử “trảm” các mặt hàng không bảo đảm tiêu chuẩn, kỹ thuật. Như vừa qua, Cục QLTT tỉnh Sơn La đã ban hành quyết định xử phạt 7 triệu đồng 1 cơ sở kinh doanh bày bán các mặt hàng thuốc BVTV không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán và buôn bán thuốc BVTV chung với lương thực, thực phẩm.
Theo QLTT tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc BVTV các loại trải đều trên 8 huyện, thành phố. Qua khảo sát các mặt hàng phụ trợ cho việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cho thấy, giá phân bón đã tăng từ 30-50%; cá biệt có những loại tăng từ 80-200%; thuốc BVTV tăng khoảng từ 10-20%. Khi giá cả các loại phân bón, thuốc BVTV "leo thang", rất dễ xuất hiện các đối tượng “đầu nậu” sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng để trục lợi.
Theo đó, Cục QLTT đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn. Mới đây, lực lượng QLTT tỉnh đã bắt giữ 10 tấn phân bón NPK nhãn hiệu MACROFARM FERTILIZER dấu hiệu nhập lậu. Qua kiểm tra thực tế, lực lượng QLTT tỉnh Đắk Nông nhận định, số phân bón trên không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Chủ cơ sở cũng không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô phân bón này.
Hay mới đây, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra, xử phạt 1 đại lý kinh doanh phân bón giả trên địa bàn huyện Châu Thành với tổng số tiền gần 220 triệu đồng, trị giá tang vật vi phạm gần 100 triệu đồng.
Xử phạt 92 doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Trãi - Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh Đắk Nông cho biết, thời điểm này người dân đang chuẩn bị có nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhiều để chăm sóc cho các loại cây trồng. Kết hợp với việc giá cả tăng mạnh, rất dễ xuất hiện các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường để kiếm lợi nhuận bất chính.
“Thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục QLTT Đắk Nông đang tích cực bám sát địa bàn nhằm kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Qua đó, từng bước bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân”- ông Nguyễn Văn Trãi khẳng định.
Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) vừa ban hành Thông báo số 503/BVTV-TTPC, công bố việc xử phạt 92 doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhập khẩu, sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng.
Cụ thể, có 44 trong số 92 doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm mắc lỗi nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng, 9 cơ sở sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng, 6 cơ sở buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng, 3 cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm nội dung ghi nhãn, 1 cơ sở không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm phân bón, 11 cơ sở nhập khẩu thuốc BVTV không bảo đảm chất lượng, 2 cơ sở sản xuất thuốc BVTV không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở buôn bán thuốc BVTV không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở sản xuất thuốc BVTV vi phạm nội dung ghi nhãn.
Cùng với đó, Cục BVTV dự báo, thời gian tới, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ có những diễn biến phức tạp. Để chủ động đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, thời gian tới, Cục BVTV sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón.
Song song với đó là vận động người dân chủ động tố giác và không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm để góp phần hạn chế các hành vi vi phạm; thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, chất lượng, nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... Đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về phân bón, thuốc BVTV.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi năm ngành nông nghiệp thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Trong đó, có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả.