Thị trường phân đạm toàn cầu bước vào năm 2024 với triển vọng tích cực. Giá phân bón đã giảm trong năm 2023, nhiều nguồn cung hơn quay trở lại thị trường, nhờ đó các sản phẩm phân bón đã trở nên phù hợp hơn với túi tiền của phần lớn nông dân trên thế giới.
Với những yếu tố như trên, thị trường phân đạm có thể trở nên ổn định hơn, nhu cầu và nguồn cung tiếp tục tăng, giá sẽ tương đối ổn định.
Tuy nhiên, một số yếu tố mới có thể thay đổi mạnh triển vọng thị trường trong năm nay, trong đó bao gồm cuộc chiến ở Trung Đông, xu hướng giá khí thiên nhiên, giá nông sản, các yếu tố thời tiết có thể ảnh hưởng đến quyết định gieo trồng của người nông dân, đánh giá của người nông dân về giá phân bón và sức mua của họ.
Tiêu thụ phân bón hồi phục
Theo ước tính của Hiệp hội Phân bón quốc tế IFA, tiêu thụ phân bón năm 2023 trên toàn thế giới tăng khoảng 4%, đạt 192,5 triệu tấn. Năm 2020, một lượng phân bón ở mức kỷ lục 200,2 triệu tấn đã được tiêu thụ trên toàn cầu.
Sản lượng amoniăc năm 2022 trên thế giới ước tính đã giảm 1%, đạt 182,2 triệu tấn. Giá phân bón tăng cao là lý do chính khiến cho lượng tiêu thụ sụt giảm trong thời gian từ 2020 đến 2022.
Những năm gần đây, tiêu thụ phân bón trên toàn cầu đã giảm do cùng một nguyên nhân - giá phân bón cao ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người nông dân. Ngân hàng Rabobank ước tính, thị trường phân bón năm 2023 ổn định hơn nhiều, lượng tiêu thụ phân bón tăng 3% sau khi đã giảm 7% trong năm 2022 trước đó.
Theo dự báo của Ngân hàng Rabobank, tiêu thụ phân bón năm 2024 sẽ tăng gần 5%. Nhờ giá phân bón giảm, nông dân trên thế giới sẽ có khả năng tăng mua loại vật tư này trong năm 2024.
Ngân hàng Rabobank ước tính, tiêu thụ phân đạm toàn cầu năm 2024 sẽ đạt 108 triệu tấn, trong khi đó sản lượng phân đạm sẽ đạt 109 triệu tấn. Tiêu thụ phân đạm toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2030, nhưng với tốc độ tăng trưởng vừa phải là 1,42%/năm trong thời gian từ 2021 đến 2030.
Nhu cầu phân đạm
Theo ước tính của Ngân hàng Rabobank, lượng tiêu thụ phân đạm năm 2023 tăng 2% sau khi đã giảm 5,9% trong năm 2022. Đây là lượng tiêu thụ thấp hơn so với phân lân và phân kali. Trong năm 2023, tiêu thụ phân lân và phân kali đã tăng 3,9% và 5,0% tương ứng. Tiêu thụ phân lân và phân kali đã giảm từ năm 2021, nhưng sau đó nông dân đã bắt đầu tăng tiêu thụ trở lại.
Ngân hàng Rabobank dự báo tiêu thụ phân đạm trong năm 2024 sẽ tăng 4%, với triển vọng tăng giá trong những tháng đầu năm, trong khi đó giá phân lân và phân kali giữ nguyên không thay đổi.
Hiện tại, giá phân đạm đang ở mức dễ chấp nhận hơn so với phân lân và phân kali. Những mức giá giảm trong năm 2023 và mức giá hiện tại đang dao động xung quanh mức giá trung bình trong lịch sử đối với amoniăc, UAN và urê. Những mức giá thấp này đang hỗ trợ cho nhu cầu phân đạm.
Ảnh hưởng của chiến tranh tại Trung Đông
Một tình huống có thể làm thay đổi sự ổn định tương đối của thị trường phân đạm trong năm 2024 là cuộc chiến tranh giữa Ixraen và phiến quân Hamas đang ảnh hưởng đến thị trường phân bón thế giới.
Khoảng 51% lượng urê xuất khẩu trên toàn cầu bắt nguồn từ khu vực Trung Đông. Hơn nữa, Ixraen là quốc gia sản xuất phân kali lớn thứ tư trên thế giới. Chiến sự gia tăng, kéo theo sự tham gia của các nước láng giềng khác, có thể gây rủi ro cho nguồn cung phân bón toàn cầu.
Nguồn cung và giá amoniăc
Tập đoàn CRU tại New York (Mỹ) cho rằng, nếu quan sát kỹ các dạng phân đạm khác nhau chúng ta thấy rủi ro tăng giá đối với amoniăc sẽ lớn hơn. Nguồn cung urê và UAN cho năm 2024 có vẻ khá tốt, tuy nhiên nguồn cung amoniăc có thể sẽ gặp một số vấn đề.
Gần đây, một nhà máy amoniăc mới đã được khánh thành ở Vùng duyên hải Vịnh Mêhicô của Mỹ, sản lượng của nhà máy đang bắt đầu đi vào thị trường toàn cầu, chủ yếu sẽ cung ứng cho thị trường Bắc Mỹ.
Khí thiên nhiên là một trong những thành phần cơ bản của phân đạm amoni. Trong khi đó, thị trường châu âu vẫn khá nhạy cảm với giá khí thiên nhiên, vì vậy có thể có tác động tiêu cực đến giá amoniăc toàn cầu. Hiện tại, giá khí thiên nhiên ở châu âu đang thấp và chưa có nhiều mối lo về nguồn cung, nhưng mùa đông lạnh hơn có thể khiến cho giá khí thiên nhiên tăng cao, kéo theo những lo ngại về giá phân đạm.