Ngày 14/1, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2010 của ngành công thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định với báo chí trong quý I/2010, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ phương án tăng giá than và điện.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hiện Bộ Công Thương đang hoàn tất các phương án điều chỉnh giá nhiên liệu, trong đó có giá than và giá điện để trình Thủ tướng Chính phủ.
Than và điện đều là 2 mặt hàng chiến lược có liên quan đến không chỉ quyền lợi của tất cả người dân mà còn ảnh hưởng lớn đến sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp nên việc điều chỉnh giá nhất thiết phải tuân thủ theo 3 nguyên tắc.
Đó là theo chỉ đạo của Chính phủ về việc từng bước đưa giá than, điện theo thị trường; điều chỉnh nhưng không được gây xáo trộn và ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân; việc điều chỉnh giá bán than và điện phải dựa trên những tính toán hết sức cụ thể về chi phí giá thành, chi phí sản xuất và lợi nhuận hợp lý.
Theo Quyết định 21 của Thủ tướng Chính phủ, giá điện sẽ dần dần được chuyển sang cơ chế thị trường. Còn việc thực hiện cụ thể phải tính toán hết sức thận trọng bởi bản thân giá điện không chỉ liên quan đến chi phí của ngành điện mà còn liên quan rất nhiều đến giá của các nguyên liệu đầu vào như than, khí, chi phí xây dựng, vận hành.
Về đề xuất tăng giá bán than lên 40% đối với sản xuất điện, Bộ trưởng Hoàng cho rằng việc thực hiện giá than theo cơ chế thị trường cho các hộ tiêu thụ lớn như phân bón, ximăng, giấy, vật liệu xây dựng trong thời gian qua đã từng bước linh hoạt, dần dần, vì vậy không gây xáo trộn lớn.
Riêng với ngành điện, việc duy trì giá than bán cho điện tương đối thấp trong một thời gian dài nên nếu điều chỉnh ngay việc tăng giá than với mức tương đối lớn như đề xuất sẽ gây sự xáo trộn lớn, làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của ngành điện (theo tính toán của Cục Điều tiết Điện lực là 17%), các ngành sản xuất khác và toàn bộ đời sống kinh tế quốc dân.
Vì vậy, theo Bộ trưởng, việc điều chỉnh giá than cho ngành điện cần phải tính toán hết sức cẩn trọng theo 3 nguyên tắc nêu trên.
Tại Hội nghị này, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh đã tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chuyển giá điện theo cơ chế thị trường từ tháng 1/2010 để giá điện tiếp cận theo thị trường nhằm khuyến khích đầu tư vào ngành điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.
Theo ông Thanh, hiện hệ số đàn hồi năng lượng của Việt Nam là 2,42 lần, cao hơn rất nhiều các nước trong khu vực. Điều này cho thấy việc sử dụng điện chưa tiết kiệm và hiệu quả.
Còn Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) Trần Xuân Hòa lại nhấn mạnh nếu giá than bán cho ngành điện tiếp tục dưới giá thành như hiện nay trong khi giá than thế giới tiếp tục tăng lên 30% thì ngành than khó lòng có đủ năng lực để đầu tư tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu 80-100 triệu tấn than sau năm 2025 cho nền kinh tế như chỉ đạo của Chính phủ.
Ông Hòa cũng cho rằng cũng bởi giá than quá rẻ nên các doanh nghiệp hiện vẫn sử dụng các công nghệ lạc hậu khiến định mức tiêu hao than cho ngành ximăng, ngành điện và nhiều ngành sản xuất khác vẫn ở mức cao so với thế giới.
(Theo Vietnam+)