Giá cao su vẫn đứng ở mức tương đối cao so với năm 2009, trung bình 6 tháng đầu năm đạt khoảng 2.752 USD/tấn, tăng 89% so cùng kỳ năm trước.
Theo bộ Công thương, từ giữa tháng 6.2010 đến nay, Trung Quốc bắt đầu nới lỏng chính sách nhập khẩu cao su biên mậu, do đó lượng cao su xuất khẩu sang thị trường này dần dần hồi phục.
Tháng 6, sản lượng cao su Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 35.000 tấn so với tháng năm, ước đạt 55.000 tấn, trị giá 157 triệu USD, giảm 19,8% về lượng nhưng tăng 55,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2009. Giá cao su vẫn đứng ở mức tương đối cao so với năm 2009, trung bình 6 tháng đầu năm đạt khoảng 2.752 USD/tấn, tăng 89% so cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu thị trường, Trung Quốc vẫn là đối tác nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 63,6% trong tổng sản lượng 231.000 tấn của 6 tháng. Các thị trường lớn kế tiếp như Đài Loan, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ, Malaysia chỉ có thị phần khoảng 3-5%.
Thị trường châu Âu cũng chỉ chiếm khoảng 10 – 12% thị phần, chủ yếu gồm các chủng loại cao su cao cấp và chất lượng tốt để sản xuất sản phẩm cao cấp. Việc giảm nhu cầu xe và lốp xe ở châu Âu do tác động của khủng hoảng nợ, bộ Công thương nhìn nhận là không ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Ngoài ra, bộ Công thương cũng đánh giá việc xuất khẩu cao su sang Trung Quốc theo đường chính ngạch có kèm giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên số lượng cao su xuất theo đường này thấp, chỉ chiếm 20%. Vì vậy, hình thức mậu biên vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc.