Xu hướng phục hồi trên thị trường phân bón toàn cầu

10:46 SA @ Thứ Hai - 06 Tháng Giêng, 2025

Theo kết quả đánh giá mới đây của Hiệp hội phân bón thế giới (IFA), tổng lượng tiêu thụ phân bón toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch COVID-19 và đã vượt lượng tiêu thụ năm 2020.

Sau khi giảm 2 năm liên tiếp, tổng lượng tiêu thụ phân bón toàn cầu (N+P2 O5 +K2O) trong năm 2023 đã tăng 4% và ước tính tăng 3% trong năm tài chính 2024. Tổng khối lượng tiêu thụ ước đạt 203,7 triệu tấn chất dinh dưỡng trong năm tài chính 2024, tăng nhẹ so với năm tài chính 2020. Sự phục hồi này có thể được giải thích chủ yếu nhờ giá phân bón giảm sau khi đạt đỉnh vào tháng 5/2022. Trong nửa sau năm 2022 và nửa đầu năm 2023, giá phân bón đã giảm đáng kể đối với nông dân trồng ngũ cốc (trừ lúa gạo) và cây trồng lấy dầu, sau đó giữ ổn định vào nửa sau năm 2023. Trong quý I/2024, giá phân đạm và phân lân đối với nông dân trồng ngũ cốc giảm xuống thấp hơn so với đầu năm 2023, nhưng giá phân kali còn giảm thấp hơn nữa, đặc biệt đối với nông dân trồng cây lấy dầu.

Do những thay đổi về tỷ giá hối đoái, chi phí vận chuyển và các quy định trong nước nên mặc dù giá phân bón toàn cầu thể hiện xu hướng giảm nhưng giá trên thị trường quốc tế không phải lúc nào cũng phản ánh mức giá mà người nông dân phải trả trên thực tế. Hơn nữa, tại nhiều quốc gia lãi suất vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của người nông dân và năng lực mua vật tư nông nghiệp đầu vào.

Sự hồi phục của thị trường tiêu thụ phân bón toàn cầu đã diễn ra trong bối cảnh của hiện tượng El Nino mạnh vào thời gian từ giữa năm 2023 đến tháng 4/2024. Hiện tượng khí hậu này đã ảnh hưởng đáng kể đến vụ mùa 2023/2024 ở các nước Nam Bán cầu, kể cả những nơi đã thu hoạch trong nửa đầu năm 2024. Thời tiết khô hạn nghiêm trọng đã gây thiệt hại cho vụ mùa ngũ cốc và cây lấy dầu ở miền Trung tây Braxin và khu vực nam châu Phi cũng như vụ mùa lúa và cọ dừa ở Đông Nam Á. El Nino cũng mang những trận mưa mong đợi đến Ac-hen-ti-na và miền Nam Braxin. Ở Bắc Bán cầu, thời tiết mùa xuân nhìn chung thuận lợi cho cây trồng mùa đông và các đợt gieo hạt mới trong quý II/2024, nhưng tình hình ở miền Bắc châu Âu phức tạp hơn.

Những dự báo sơ bộ của Bộ Nông nghiệp Mỹ tháng 5/2024 cho thấy diện tích trồng ngũ cốc tại Mỹ ổn định trong vụ mùa 2024/2025, trong khi đó diện tích trồng lúa tăng nhẹ, bù trừ cho diện tích trồng ngô giảm. Trái lại, diện tích trồng đậu nành được dự báo sẽ tăng năm thứ 4 liên tiếp. Kết quả là tỷ lệ tồn kho/ tiêu thụ đậu nành được cải thiện, trong khi đó tỷ lệ tồn kho/ tiêu thụ ngô thắt chặt. Cuối tháng 5/2024, xác suất xảy ra hiện tượng La Nina lại tăng đối với nửa sau năm 2024, chỉ 1 năm sau khi hiện tượng này đã xảy ra 3 năm liên tiếp.

Sự suy giảm và sự phục hồi sau đó của lượng tiêu thụ phân bón trên thị trường toàn cầu đã không phân chia đều cho 3 chất dinh dưỡng chính. Lượng tiêu thụ K2O giảm 6,2 triệu tấn (-15%) trong thời gian 2020-2021, tiếp theo là P2 O5 giảm 4,2 triệu tấn (-9%) và N giảm 2,7 triệu tấn (-2%). Dự kiến, động lực cho sự phục hồi trên thị trường là N với mức tăng 5,5 triệu tấn (+5%), trong khi đó K2O tăng 5,4 triệu tấn (+16%) và P2O5 tăng 3,3 triệu tấn (+7%). Kết quả là trong năm tài chính 2024 tiêu thụ N sẽ tăng 2% so với năm 2020, còn tiêu thụ P2 O5 và K2O vẫn giảm 2%.

Động lực tăng trưởng là châu Mỹ La tinh và Đông Á

Trải qua 4 năm từ mức đỉnh tiêu thụ phân bón toàn cầu lần trước cho đến mức đỉnh tiêu thụ lần sau, tiêu thụ phân bón ở châu Mỹ La tinh và Đông Á ước tính tăng thêm mỗi khu vực hơn 2 triệu tấn. Trái lại, lượng tiêu thụ phân bón tại Tây - Trung Âu và Nam Á ước tính giảm 2 triệu tấn và 1,1 triệu tấn tương ứng. Trong số các khu vực với lượng tiêu thụ phân bón thấp hơn, châu Phi ước tính tăng tiêu thụ thêm 0,5 triệu tấn, nhưng lượng tiêu thụ tại châu Đại Dương và khu vực Đông Âu - Trung Á giảm 0,6 và 0,4 triệu tấn tương ứng. Tại Bắc Mỹ và Tây Á, lượng tiêu thụ mỗi khu vực được dự báo sẽ tăng dưới 200 nghìn tấn.

Phân kali là động lực tăng trưởng cho tiêu thụ phân bón tại châu Mỹ La tinh nhưng cũng là nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm tiêu thụ ở Nam Á, trong khi đó phân lân chiếm phần lớn lượng gia tăng tiêu thụ phân bón tại Đông Á. Tại các quốc gia Tây - Trung Âu, lượng tiêu thụ cả 3 loại chất dinh dưỡng dự kiến sẽ giảm.

Châu Mỹ La-tinh: Tiêu thụ phân bón năm 2023 phục hồi một phần trong bối cảnh hiện tượng La Nina

Lượng tiêu thụ phân bón tại châu Mỹ La-tinh trong thời gian 2020-2024 dự kiến tăng 8%, chủ yếu phản ánh sự gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian giữa các vụ mùa 2020/2021 và 2024/2025, sản lượng đậu nành tại Nam Mỹ dự kiến tăng 18%, sản lượng ngô tăng 25%, phần lớn là nhờ gia tăng diện tích gieo trồng. Tại Braxin, thị trường phân bón lớn nhất khu vực, diện tích gieo trồng đậu nành, mía đường và bông đã tăng trong vụ mùa 2023-2024. Tại Achentina, dự kiến diện tích gieo trồng và sản lượng thu hoạch ngũ cốc phục hồi mạnh sau 3 lần liên tiếp xảy ra hiện tượng La Nina. Tại Mê-hi-cô, sự hỗ trợ của chính phủ đối với phân bón (urê và DAP) đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhờ đó giúp giảm bớt tác động của giá phân bón cao trên thị trường quốc tế.

Trung Quốc: Tiêu thụ phân đạm phục hồi một phần

Trung Quốc chiếm 24% lượng tiêu thụ phân bón toàn cầu trong năm tài chính 2023 và 75% lượng tiêu thụ tại Đông Á. Mới đây Trung Quốc đã trải qua sự đảo ngược xu hướng sử dụng phân bón. Tiêu thụ phân đạm tại đây giảm đều trong thời gian 2014-2021, với mức giảm trung bình 4%, nguyên nhân là do chính sách của chính phủ đối với việc giảm tiêu thụ quá nhiều phân bón. Tuy nhiên, từ năm tài chính 2021 mức tiêu thụ đã trở lại xu hướng tăng trưởng nhờ sự tập trung vào an ninh lương thực trong nước và trợ cấp nông nghiệp của chính phủ.

Sau khi giảm trong năm tài chính 2021, tiêu thụ K2O tại Trung Quốc cũng đã hồi phục, được hỗ trợ nhờ giá phân kali giảm và sự tăng trưởng tiếp trong sản xuất hoa quả cũng như rau xanh. Song song với đó, chính phủ Trung Quốc đã tiếp tục yêu cầu tăng cường hiệu quả sử dụng phân bón.

Ấn Độ: Sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ đối với phân đạm và phân lân

Khu vực Nam Á đã giảm tiêu thụ phân bón trong thời gian 2020-2024, trong đó Ấn Độ đóng vai trò chính và chiếm đến 80% lượng tiêu thụ của cả khu vực. Sự suy giảm tiêu thụ này chủ yếu là do tiêu thụ K2O thấp hơn. Từ năm 2022, chính phủ Ấn Độ đã tăng hỗ trợ cho các loại phân lân thông qua Chương trình trợ giá theo loại phân bón với mục đích giảm tác động của sự tăng giá phân bón trên thị trường quốc tế. Chính phủ cũng tiếp tục trợ giá urê với quy định về giá bán lẻ tối đa thấp hơn nhiều giá quốc tế. Trong khi đó, phân kali chỉ được trợ giá ở mức tối thiểu. Kết quả là tiêu thụ hai loại phân đạm và phân lân năm 2024 dự kiến sẽ quay trở lại mức của năm 2020, nhưng tiêu thụphân kali sẽ thấp hơn.

Tây Âu và Trung Âu: Tiêu thụ phân bón chưa hồi phục hoàn toàn

Khu vực Tây - Trung Âu dự kiến sẽ giảm tiêu thụ phân bón ở mức 12% hoặc 2 triệu tấn trong thời gian 2020 - 2024. Tiêu thụ P2 O5 và K2O bị ảnh hưởng một phần, với mức giảm 17% (0,5 triệu tấn) và 22% (0,7 triệu tấn) tương ứng. Tiêu thụ N dự kiến chỉ giảm 7% (0,8 triệu tấn). Nhiều nông dân trong khu vực ưu tiên sử dụng phân đạm để duy trì sản lượng thu hoạch, nhưng lại giảm tiêu thụ P2 O5 và K. Nông dân trong khu vực này đang phải đứng trước những hoàn cảnh khó khăn trong những năm gần đây: Ngoài giá vật tư đầu vào cao, thời tiết trong khu vực đã dao động mạnh, mưa quá nhiều (Bắc Âu) hoặc quá ít (Nam Âu). Sau đợt khô hạn nặng trong năm 2022 là thời tiết bất ổn trong năm 2023 và nhiều mưa vào đầu năm 2024.

Ngoài ra, các quy định về sử dụng phân đạm đã được thực hiện mới đây tại một số nước tiêu thụ hàng đầu trong khu vực và đang được thảo luận ở những nước khác. Việc mở rộng diện tích gieo trồng hữu cơ cũng tiếp tục góp phần làm giảm tiêu thụ phân bón vô cơ. 

Nguồn: