Xử lý phân bón giả: Chờ nghị định mới!

08:11 SA @ Thứ Tư - 25 Tháng Tư, 2012

Theo Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), trung bình mỗi năm có khoảng trên 300 vụ vi phạm về chất lượng, giả nhãn hiệu liên quan đến mặt hàng phân bón.

- Loại nào bị làm giả nhiều nhất?

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, phân bón không có trong danh mục được phép lưu thông vẫn rất đáng báo động ở các địa phương. Vấn nạn này đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất của bà con nông dân, làm rối thị trường và ảnh hưởng đến uy tín của một số doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Hàng loạt các vụ vi phạm nghiêm trọng về phân bón giả liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây. Mới đây nhất, ngày 28/3/2012, cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đã tịch thu 1,15 tấn phân kali giả tại cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Huỳnh Gia, huyện Hòa Bình. Mẫu phân giả được gửi đi kiểm định chất lượng tại hai cơ sở cho kết quả hàm lượng kali chỉ đạt 0,138 - 0,3% (trong khi trên bao bì ghi hàm lượng kali đến 60%). Loại phân bón trên được giới thiệu là phân kali, có xuất xứ từ Canada, ngoài bao bì in rõ đơn vị nhập khẩu là Công ty Tân Tạo TP.Hồ Chí Minh. Phân bón trên chỉ là muối được nhuộm màu. Hàng giả bán buôn với giá gần 600.000 đồng/bao.

Ông Lê Quốc Phong - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiêm Tổng giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền cảnh báo - gần đây, nạn làm giả phân kali xuất hiện rất nhiều, bởi mặt hàng kali dễ làm giả, chỉ cần mua gạch non về nghiền trộn với muối và màu thàh hàng bán ra thị trường.

Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam - Nguyễn Hạc Thúy cho biết thêm: Tại Tây Nguyên, một số thương nhân lợi dụng hạn hán, thiếu nước đã lấy nước lã đóng thùng 5lít cho vào một ít urê bán cho nông dân và quảng cáo là urê nước với giá bán 50.000 đồng/bình.

Sớm hoàn thiện Nghị định Quản lý sản xuất kinh doanh phân bón

Cục Trồng trọt đã phối hợp với các đơn vị khác trong Bộ NN&PTNT, như Trung tâm Khuyến nông, Vụ Khoa học công nghệ…cùng các trường, các viện trong và ngoài Bộ đào tạo, hướng dẫn và định hướng cho người nông dân sử dụng phân bón làm sao cho hiệu quả nhất, sử dụng phân bón theo phương pháp “4 đúng”, nhằm nâng cao hiệu suất trong sử dụng. Đồng thời, hướng dẫn bà con nhận biết phân bón kém chất lượng, phân bón gây ra những tác hại không cần thiết đối với quá trình sinh trưởng phát triển của cây trồng. Những thông tin trên đều thông qua hệ thống khuyến nông, các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp tập huấn, đào tạo. Tuy nhiên, những thông tin đó cũng chưa thể đến hết với nông dân. Vì vậy, có nhiều nơi, người nông dân vì ham rẻ hoặc vì mua phân bón ở những địa chỉ không rõ ràng hay quá tin vào những lời hướng dẫn, giới thiệu của các đơn vị sản xuất kinh doanh nên cứ mua về sử dụng. Chỉ đến vụ thu hoạch mới phát hiện ra đó là phân bón kém chất lượng.

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Bộ NN&PTNT đang thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ xây dựng Nghị định Quản lý sản xuất kinh doanh phân bón. Điểm mấu chốt của nghị định là quy định sản xuất kinh doanh phân bón là một mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện. Mặt hàng này phải được quản lý theo nhóm 2 (tức là nhóm phải quản lý theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia). Bên cạnh đó, Bộ này cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Nghị định 15 về xử phạt hành chính trong sản xuất kinh doanh mặt hàng phân bón. Nghị định mới được kỳ vọng sẽ giúp lập lại trật tự cho ngành phân bón, từ đó kiểm soát giá cả và chất lượng tốt hơn. Nghị định 15 hiện nay chưa đủ mạnh để răn đe và xử phạt những hành vi vi phạm. Mức xử phạt trong sản xuất kinh doanh phân bón quá thấp, chỉ 40-50 triệu đồng/vụ vi phạm, khiến đối tượng thường xuyên tái phạm.

Dự kiến đến quý IV/2012, Nghị định Quản lý sản xuất kinh doanh phân bón mới ra đời. Như vậy, hiện tại việc xử lý phân bón giả vẫn phải thực hiện theo Nghị định 15. Nghị định cũ thì không đủ mạnh, Nghị định mới thì đang vẫn phải chờ. Đây chính là bài toán khó trong công tác xử lý triệt để tận gốc vấn đề phân bón giả đang "hoành hành" hiện nay.

Nguồn: