Doanh nghiệp sản xuất, phân phối mặt hàng phân bón sẽ được hỗ trợ về tài chính, thuế đầu tư kho bãi, ngoại tệ... để dự trữ nguồn phân đạm, điều tiết thị trường và thiết lập mạng lưới bán trực tiếp cho nông dân.
Ba Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Công thương và Tài Chính cùng đưa ra bản thảo nhiều chính sách sát thực nhằm ổn định giá mặt hàng phân đạm trong nước. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, nếu bình ổn được mặt hàng phân bón ở mức giá như hiện nay, cùng với việc ổn định giá đầu ra của các mặt hàng nông sản, thì nông dân sẽ có lời.
Theo Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn), lượng phân bón sản xuất trong nước hiện mới đáp ứng được khoảng 6,2 triệu tấn, nên mỗi năm phải nhập tới 2,6 triệu tấn phân bón các loại mới đáp ứng nhu cầu. Dự kiến trong năm nay, cả nước vẫn phải nhập khoảng 810.000 tấn ure, 600.000 tấn SA, 700.000 tấn kali, 440.000 tấn DAP. Theo Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, do phụ thuộc quá lớn vào nguồn nhập khẩu, nên nếu doanh nghiệp không làm tốt công tác dự báo thị trường, thì gánh nặng giá sẽ đè lên nông dân. Cả nước chỉ có số ít doanh nghiệp lớn về phân bón, nếu các “anh cả” này chịu bắt tay nhau thì không những điều tiết được thị trường mà còn chống được nạn phân bón giả, kém chất lượng... Giáo sư Hùng cũng đề nghị doanh nghiệp công bố các ngưỡng giá cụ thể trong từng vùng, nhằm tránh việc các đại lý cấp thấp gian lận về giá.
Theo tính toán của ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương), do có tính mùa vụ cao, lại chịu tác động của thời tiết, nên mặt hàng phân bón thường rơi vào tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ. Ông An dẫn chứng, thời điểm quý II/2010, giá phân bón trong nước tăng chậm hơn giá phân bón thế giới, nên không khuyến khích hoạt động nhập khẩu, đã gây ra tình trạng khan hiếm, đẩy giá phân trong nước lên cao. Chẳng hạn như mặt hàng phân urê giữa năm ngoái chỉ có khoảng 6.500 - 7.000 đồng một kg, nay thì ở mức 9.000 - 10.000 đồng.
Ông An cho biết, sẽ trình Chính phủ ban hành quyết định yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón duy trì một lượng hàng dự trữ bắt buộc để có nguồn cung ứng kịp thời khi thị trường có hiện tượng tăng giá đột biến, nguồn cung thiếu hụt, nhằm nhanh chóng ổn định thị trường. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn sẽ được ưu đãi về tín dụng, thuế, đầu tư kho bãi, tiếp cận ngoại tệ... Biện pháp trước mắt là khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành các đợt bán hàng trực tiếp tới nông dân với giá hợp lý.
Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình của các nhà phân phối. Đại diện một nhà phân phối phân đạm cấp 1, bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Thu Dung (Bến Tre) cho rằng, các đại lý cấp 1 hoàn toàn ủng hộ hình thức phân phối tận tay nông dân, vì bán qua đại lý cấp 2 – 3 thường xuyên rơi vào tình trạng chậm thu hồi vốn. Tuy nhiên, bà Dung cho rằng, cần có cơ chế ràng buộc mua bán trực tiếp với nông dân. Vì không ít trường hợp doanh nghiệp bán hàng cho nông dân nhưng tới mùa thu hoạch vẫn không thu được nợ.