Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, nếu chỉ nhìn từ góc độ áp thuế giá trị giá tăng (VAT) 5% đối với mặt hàng phân bón, như vậy người dân phải chịu thêm 5% vào giá bán có vẻ hợp lý. Nhưng sau khi phân tích, khi áp dụng thuế suất 5% sẽ làm giảm giá thành xuống khoảng trên dưới 5%.
Vừa qua, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, Chính phủ đề nghị áp thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón và máy móc thiết bị nông nghiệp.
Tại Phiên họp, phát biểu cho ý kiến về dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, nếu chỉ nhìn từ góc độ áp thuế giá trị giá tăng 5% đối với mặt hàng phân bón, như vậy người dân phải chịu thêm 5% vào giá bán có vẻ hợp lý. Nhưng sau khi phân tích, khi áp dụng thuế suất 5% sẽ làm giảm giá thành xuống khoảng trên dưới 5%.
Việc áp dụng thuế suất 5% sẽ có các tác động nhất định đến giá bán phân bón trên thị trường, làm tăng giá thành phân bón nhập khẩu (hiện chỉ chiếm 26,7% thị phần); đồng thời, làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước (hiện đang chiếm 73% thị phần). Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%). Các doanh nghiệp trong nước có dư địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi.
Ngoài ra, phân bón hiện là sản phẩm bình ổn giá nên trong trường hợp cần thiết, khi có biến động lớn về giá trên thị trường, thì các cơ quan quản lý Nhà nước có thể thực hiện các biện pháp quản lý cần thiết để bình ổn ở mức hợp lý.
Chi phí sử dụng phân bón ước giảm 453 tỷ đồng, ngân sách tăng 1.541 tỷ đồng
Theo phân tích của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nếu áp thuế VAT 5% với phân bón, người nông dân sử dụng chủ yếu phân bón trong nước, giá bán các loại phân bón giữ nguyên hoặc giảm, sẽ giúp chi phí sử dụng phân bón trong nước ước giảm 453 tỷ đồng, đồng thời thu ngân sách Nhà nước sẽ tăng thêm 1.541 tỷ đồng.
Mới đây, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng có công văn kiến nghị áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón. Nội dung này gửi đến Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.
Kiến nghị của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chuyển phân bón sang mặt hàng chịu thuế VAT 5% được đưa ra dựa trên kết quả tọa đàm giữa Tổng hội với các chuyên gia đầu ngành của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Hội Tư vấn thuế Việt Nam và cũng là kết quả phân tích định lượng cụ thể của dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC).
Theo Tổng hội, việc phân tích định lượng dựa trên nghiên cứu của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, đại diện của các chủng loại phân bón (đạm ure, DAP, lân, NPK). Theo phân tích, với người nông dân sử dụng chủ yếu phân bón trong nước, giá bán các loại phân bón giữ nguyên hoặc giảm, sẽ giúp chi phí sử dụng phân bón trong nước ước giảm 453 tỷ đồng.
Đối với doanh nghiệp sản xuất ure, định lượng tác động của việc áp thuế VAT 5% với mặt hàng phân bón nói chung sẽ làm giá bán sản phẩm ure giảm khoảng 2% do doanh nghiệp sản xuất phân ure sẽ được khấu trừ VAT đầu vào lên tới 9,3%.
Bên cạnh đó, với doanh nghiệp sản xuất phân DAP, giá bán thành phẩm sẽ giảm 1,13% do được khấu trừ thuế VAT đầu vào ở mức 8,1%. Với doanh nghiệp sản xuất phân lân, giá bán thành phẩm sẽ giảm 0,87%, do được khấu trừ thuế VAT đầu vào 7,7%. Riêng giá bán sản phẩm NPK có thể tăng ở mức không đáng kể, khoảng 0,09% hoặc giữ nguyên.
Ngoài ra, việc áp thuế VAT đầu ra giúp giảm áp lực khi đầu tư, sửa chữa máy móc thiết bị, đầu tư công nghệ mới, xanh hóa sản xuất do doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào.
Với những doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, giá bán sản phẩm có thể tăng 5%. Nguyên nhân là do thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm phân bón đang áp dụng ở mức 0% nên sẽ không có thuế đầu vào để khấu trừ.
Đối với Nhà nước, nếu áp thuế VAT 5% với mặt hàng phân bón, thu ngân sách Nhà nước sẽ tăng thêm 1.541 tỷ đồng, do thu thuế VAT đầu ra của phân bón lên tới 6.225 tỷ đồng.