Từng có thời, phân bón DAP Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam. Điều này dẫn đến cảnh thị trường phân bón bị phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, trong khi những nhà máy DAP trong nước vốn sinh sau đẻ muộn lại phải “sống dở chết dở”, gánh trên mình các khoản lỗ lớn. Để cứu sản xuất trong nước, biện pháp tự vệ đã được đưa ra.
Phân bón DAP Trung Quốc tràn vào
Cuối năm 2014, Nhà máy sản xuất phân bón cao cấp DAP số 2 Lào Cai, công suất 330 nghìn tấn/năm, chính thức ra lò mẻ sản phẩm đầu tiên. Cùng với nhà máy DAP số 1 Đình Vũ - Hải Phòng đã hoạt động từ năm 2011, công suất của hai nhà máy này vào khoảng 660 nghìn tấn, đáp ứng 70-80% nhu cầu trong nước.
Trước đó, phân bón DAP Việt Nam 100% phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, chủ yếu là từ thị trường Trung Quốc, sau có thêm Hàn Quốc và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Sự ra đời của những nhà máy sản xuất phân bón DAP của Việt Nam được cho là khá muộn màng. Bởi theo một chuyên gia về phân bón, hầu hết các nhà máy DAP trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc, được đầu tư từ rất lâu, cách đây hàng chục năm trời, cùng thời với Đạm Hà Bắc của Việt Nam. Đến nay, các nhà máy ấy đều đã hết khấu hao máy móc, do đó chi phí và giá thành sản xuất của DAP Trung Quốc rẻ hơn Việt Nam rất nhiều.
Cho nên, không khó hiểu khi phân bón DAP Trung Quốc thừa sức đánh bật phân bón DAP “made in Việt Nam”. Phân bón DAP giá rẻ của thế giới, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc, tràn vào Việt Nam rất nhiều qua đường tiểu ngạch biên giới phía Bắc, mỗi năm gần 1 triệu tấn.
“Đó là chưa kể chính sách thuế của Trung Quốc rất linh hoạt, khi vụ mùa bên họ hết, họ sẵn sàng trợ giá vận tải, bến bãi, thuế phí tối đa để doanh nghiệp trong nước xuất khẩu được hàng ra nước ngoài. Ngược lại, khi trong nước khan hiếm phân bón, họ sẵn sàng điều chỉnh áp thuế nhập khẩu rất cao để doanh nghiệp không bán được hàng đi”, vị chuyên gia về phân bón này bình luận.
Xây dựng nhà máy hàng nghìn tỷ, nhưng lại mở toang cánh cửa cho DAP Trung Quốc chính là một trong các nguyên nhân khiến 2 nhà máy này lâm cảnh khó khăn, thua lỗ.
Đặc biệt, Luật Thuế 71 ra đời chuyển phân bón từ mặt hàng chịu thuế VAT đầu ra 5% sang mặt hàng không chịu thuế VAT nên không được khấu trừ thuế VAT đầu vào mỗi năm cả chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Điều đó càng khiến các doanh nghiệp này càng thê thảm hơn.
Quá trình bàn phương án giải cứu các dự án thua lỗ của ngành Công Thương, trong đó có các dự án phân bón của Vinachem, Tập đoàn Vinachem cũng đã nhiều lần đề xuất áp thuế tự vệ với các sản phẩm phân bón nhập khẩu.
Bảo vệ sản xuất trong nước: Mỹ cũng làm vậy
Kết quả là, ngày 4/8/2017, sau gần 3 tháng điều tra, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3044/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP. Căn cứ quyết định này, mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 đồng/tấn, có hiệu lực chính thức từ 19/8/2017.
Biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng trong khoảng thời gian không quá 200 ngày kể từ ngày có hiệu lực và chấm dứt hiệu lực sau ngày 6/3/2018; hoặc Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.
Khi chính sách này đưa ra, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Nông sản, bình luận: Đối với nền công nghiệp sản xuất DAP và MAP mới như ở Việt Nam, việc áp dụng mức thuế phòng vệ thương mại đem lại lợi ích lâu dài. Phải bảo vệ được sản xuất trong nước thì sau này các nhà máy DAP mới có điều kiện trở lại phục vụ được cho bà con nông dân một cách tốt hơn.
Việc duy trì các nhà máy DAP trong nước còn có nhiệm vụ quan trọng khác. Đó là phân bón DAP Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc chỉ có 1-2 nhà máy có khả năng xuất khẩu sang Việt Nam. Cho nên nếu Việt Nam không có nhà máy nào thì việc phân bón Trung Quốc có thể quay lại thời kỳ lũng đoạn trước đây.
Thực tế, sau khi áp thuế tự vệ, lập tức hai nhà máy DAP số 1 và số 2 báo lãi. Tuy nhiên số lỗ cộng dồn lại từ trước đến nay vẫn còn khá lớn. Vì thế, các nhà máy DAP có duy trì được hay không phụ thuộc không nhỏ và việc thuế tự vệ với phân bón DAP có được duy trì tiếp tục sau ngày 6/3/2018.
Xét cho cùng, việc bảo vệ sản xuất trong nước không có gì là sai. Các nước trên thế giới đều luôn tìm cách áp dụng các biện pháp này để bảo vệ hàng nội địa. Hàng Việt Nam xuất khẩu chính là mục tiêu của nhiều nước.
Theo thống kê của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), tính đến tháng 10/2017, đã có hơn 120 vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại có liên quan tới hàng xuất khẩu của Việt Nam, gồm 75 vụ việc chống bán phá giá, 10 vụ việc chống trợ cấp, 22 vụ việc tự vệ và 17 vụ việc lẩn tránh thuế.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, việc đánh thuế cao lên với với phân bón nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến người nông dân vì giá phân bón đội lên. Cho nên, việc áp thuế nên có thời gian và lộ trình cụ thể, đến khi các doanh nghiệp trong nước hoạt động ổn định, có lãi, nhà nước thu hồi vốn đầu tư xong cần có lộ trình giảm thuế dần. Điều này vừa giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước cạnh tranh sòng phẳng với nhau, vừa giúp người nông dân có thể được hưởng lợi.
Về điều tra phòng vệ thương mại thì Hoa Kỳ là nước điều tra chống bán phá giá nhiều nhất với Việt Nam (13 vụ), tiếp đó là Ấn Độ (11 vụ), Úc (7 vụ), EU, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ (6 vụ). Hoa Kỳ đồng thời là nước có tỷ lệ áp thuế chống bán phá giá cao nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng bị điều tra chủ yếu là sắt, thép, sợi, da giày, các sản phẩm cao su,...
Đối với chống trợ cấp, Hoa Kỳ tiếp tục là nước điều tra nhiều nhất với Việt Nam (05 vụ), tiếp đó là Canada, Úc (2 vụ) và EU (1 vụ). Đối với biện pháp tự vệ, chủ yếu do Thổ Nhĩ Kỳ (06 vụ), Philippines (5 vụ), Ấn Độ (4 vụ), Hoa Kỳ (2).
Nguồn: Vietnamnet.vn