Bộ Công Thương cho biết đang hoàn tất các quy định về việc yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất phân bón phải duy trì một lượng hàng dự trữ bắt buộc.
Những quy định này nhằm đối phó với tình trạng mỗi khi vào mùa vụ thì thị trường phân bón lại có hiện tượng giá tăng đột biến, nguồn cung thiếu hụt.
Các doanh nghiệp dự trữ mặt hàng này sẽ được nhận hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các ưu đãi về tín dụng, thuế, đầu tư kho bãi, tiếp cận nguồn cung ngoại tệ...
Đồng thời, các doanh nghiệp này phải tăng cường năng lực hệ thống phân phối để đảm bảo sản xuất và lưu thông thông suốt, đặc biệt là mạng lưới phân phối trực tiếp cho nông dân nhằm tăng cường kiểm soát giá bán trong hệ thống, hạn chế trung gian.
Thời gian qua, giiá phân bón nhập khẩu tăng cao đã kéo giá phân bón sản xuất trong nước tăng theo.Bên cạnh đó, do giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón như lưu huỳnh, SA, quặng Apatit... tăng cũng đẩy giá thành sản xuất phân bón trong nước tăng lên.
Chính những nguyên nhân này đã đẩy giá phân bón 10-15% trong vòng một tháng, cá biệt các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh hơn cả, tới 17%. Cụ thể, giá phân ure Phú Mỹ vào giữa tháng 2 là 9.000 đồng/kg thì đến giữa tháng 3 đã lên tới 10.500 đồng/kg (tăng tương đương 17%), lân Lâm Thao từ 4.200 đồng/kg lên 4.700 đồng/kg. Các loại phân bón khác như DAP Trung Quốc, NPK Pháp cũng đều có mức tăng 1.000 đồng/kg. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và thu nhập của nông dân vì chi phí vật tư nông nghiệp mỗi ngày một tăng.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, tổng lượng phân bón sản xuất trong nước đạt khoảng 6,2 triệu tấn, đáp ứng 68% nhu cầu, cả nước vẫn phải nhập khẩu 2,6 triệu tấn phân bón./.