Ngày 09 tháng 8 năm 2010, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến công tác tháng 7 năm 2010. Cuộc họp đã đánh giá hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 7, 7 tháng năm 2010 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho 5 tháng còn lại trong năm 2010.
Tham dự cuộc họp giao ban trực tuyến có lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, cơ quan đại diện của Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện một số Sở Công Thương và đại diện các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty trực thuộc Bộ.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 ước đạt 68,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng 6 và tăng 12,3% so với tháng 7/2009. Tính chung 7 tháng ước đạt 434,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ.
Tháng 7, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 5,8 tỷ USD, giảm 8,2% so với tháng 6 chủ yếu do mặt hàng đá quý và kim loại quý giảm 97,3%; dầu thô giảm 34,7%. Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,27 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ, trong đó. Loại trừ yếu tố xuất khẩu vàng, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng tăng 22,6% so với cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 7 ước đạt 6,95 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng 6. Xét theo nhóm hàng nhập khẩu: nhóm hàng cần thiết nhập khẩu ước đạt 5,73 tỷ USD, giảm 1,1%; nhóm hàng cần phải kiểm soát ước đạt 0,78 tỷ USD, giảm 3,1%; nhóm hàng hạn chế nhập khẩu ước đạt 0,44 tỷ USD, giảm 4,1%. Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 45,7 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 19,45 tỷ USD, tăng 46,4% . Xét theo nhóm hàng, nhóm cần thiết nhập khẩu ước đạt 37,1 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ; nhóm cần phải kiểm soát ước đạt 5,61 tỷ USD, tăng 56%; nhóm hạn chế nhập khẩu ước đạt 3 tỷ USD, tăng 15%.
Ước nhập siêu tháng 7 là 1,15 tỷ USD, chiếm 19,8% kim ngạch xuất khẩu. Tính đến 7 tháng ước 7,4 tỷ USD, bằng 19,45% kim ngạch xuất khẩu. Nếu loại trừ yếu tố xuất khẩu vàng, nhập siêu 7 tháng đầu năm là 9,35 tỷ USD, chiếm 24,4%.
Như vậy, tính đến nay, tình hình xuất nhập khẩu đạt được mục tiêu về tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng như kiểm soát nhập siêu.
Trong tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 28 với sự tham gia của các Bộ trưởng 10 nước thành viên ASEAN và các nước đối tác. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chuẩn bị nội dung và tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43; chủ trì tham dự Hội nghị Ủy ban đàm phán Thương mại và Hội nghị quan chức kinh tế cao cấp (SEOM 3/41) tại Thái Lan và Brunei.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ tăng cường đôn đốc đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Các Tập đoàn, Tổng công ty chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất khẩu; khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng và máy móc, nguyên, phụ liệu có thể thay thế hàng nhập khẩu. Trong các tháng tới, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, nhất là các công trình nguồn điện, lưới điện, các dự án tăng cường năng lực sản xuất hàng xuất khẩu. Đặc biệt, cần tăng cường các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mở rộng thị trường, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất, xuất nhập khẩu, hợp tác quốc tế; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới.
Trong tháng 8, Bộ Công Thương sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tại Đà Nẵng, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị cho Hội nghị này nối tiếp thành công của Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN vừa qua. Để góp phần bình ổn thị trường và hạn chế nhập siêu, Bộ trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, đặc biệt là đưa hàng Việt về nông thôn và các khu công nghiệp, đảm bảo cung ứng tốt những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm, v.v... Bên cạnh đó cần triển khai các công tác phối hợp với Liên minh Hợp tác xã trong việc tiêu thụ hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp. Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan quản lý thị trường phối hợp với các Sở Công Thương và các địa phương tăng cường kiểm soát thị trường, đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường.