Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi năm nhà nước thất thu khoảng 60.000 tỉ đồng, tương đương với khoảng 2,6 tỉ USD do phân bón giả, kém chất lượng gây ra.
Với số lượng doanh nghiệp sản xuất phân bón hùng hậu khoảng 1.000 đơn vị mỗi năm cho sản lượng khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại cùng với khoảng 4 triệu tấn phân bón nhập khẩu, cả nước hiện tiêu thụ khoảng 15 triệu tấn phân bón/năm. Nhưng thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón còn chưa được cấp phép, sử dụng công nghệ thô sơ, đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng.
Chính những bất cập trong khâu sản xuất, phân phối đối với mặt hàng này đã làm cho thị trường phân bón giả, kém chất lượng gây khó khăn cho cơ quan quản lý và cơ quan kiểm tra. Có thời điểm từ con số đăng ký đến con số kiểm tra thực tế là khoảng cách quá xa, cụ thể các doanh nghiệp đăng ký sản xuất phân bón cam kết hàm lượng NPK trên 50% nhưng qua kiểm tra, kiểm nghiệm thực tế hàm lượng này đạt chưa tới 10%, thậm chí có mẫu đạt 0% vì chỉ có đất và xỉ than.
Nhiều đợt kiểm tra của cơ quan chức năng trong nhiều năm qua cho thấy, có những doanh nghiệp bị phạt do vi phạm nhiều lần, nhưng sau một thời gian đóng cửa, sau đợt kiểm tra doanh nghiệp lại thành lập mới và những sản phẩm kém chất lượng, hàng giả lại tiếp tục được đưa ra thị trường.
Từ thực tế trên cho thấy việc lập lại trật tự thị trường phân bón của Việt Nam là rất cần thiết không chỉ làm giảm thất thoát của nhà nước về kinh tế mà còn hạn chế được thiệt hại cho hàng chục triệu hộ nông dân và đặc biệt giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường do phân bón giả, kém chất lượng đem lại.
Trước chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lân thương mại và hàng giả trong tình hình mới, vừa qua Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ năm 2017. Theo đó, cơ quan quản lý này sẽ mở 3 đợt kiểm tra từ 15.3 - 15.4, từ 1.5 đến hết tháng 7 và đợt thứ ba trong tháng 8 đến hết tháng 9.2017. Chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố sẽ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ trên địa bàn; đồng thời phát hiện kiểm tra doanh nghiệp không hoặc chưa được cấp giấy phép sản xuất phân bón nhưng vẫn hoạt động sản xuất. Ngoài ra, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương còn kiểm tra chéo công tác kiểm ta của một số chi cục tại một số địa bàn trọng điểm. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu hoạt động kiểm tra phải tuân thủ đúng qui định của pháp luật. Công tác kiểm tra gắn liền với công tác tuyên truyền, hướng dẫn phổ biến pháp luật đối với các doanh nghiệp đơn vị sản xuất gia công phân bón vô cơ.
Ngành nông nghiệp, hộ nông dân và người dân hy vọng với đợt vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý không chỉ có phân bón vô cơ mà cả phân bón hữu cơ cũng được kiểm soát chặt chẽ, và thị trường phân bón Việt Nam sẽ hoạt động lành mạnh đem lại lợi ích cho các bên.
Nguồn: Báo Lao Động