Trong điều kiện nguồn nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trồng trọt hạn chế thì việc quản lý, bảo đảm chất lượng phân bón trên thị trường là rất khó khăn. Do đó, việc quản lý phân bón theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện sản xuất kinh doanh là cần thiết.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Luật Trồng trọt tại kỳ họp thứ 5, Quối hội Khóa XIV chiều 21/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ rõ thực tiễn quan hệ xã hội đòi hỏi phải điều chỉnh bằng pháp luật trong lĩnh vực trồng trọt.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Dự thảo Luật Trồng trọt có một số điểm mới đáng lưu ý như: bổ sung các nguyên tắc quản lý trong lĩnh vực trồng trọt đảm bảo phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, phát triển thị trường quốc tế trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, doanh nghiệp, nhà nước và lợi ích cộng đồng; Bổ sung và luật hóa công tác xây dựng chiến lược phát triển trong lĩnh vực trồng trọt gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Bổ sung và luật hóa các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư;… Luật hoá các quy định về quản lý phân bón, bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ hơn đối với các phân bón vô cơ hỗn hợp, ưu tiên phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ (không phải khảo nghiệm)….
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trồng trọt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát một số nội dung trong Dự thảo Luật chưa thực sự phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Hải quan, Luật Dự trữ Quốc gia… Quy định rõ hơn lộ trình xây dựng, ban hành đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để kiểm soát được chất lượng giống, chất lượng phân bón; việc bảo tồn, khai thác, sử dụng vật liệu nhân giống cây trồng, đặc biệt là nguồn gen quý hiếm, bản địa đem lại lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trồng trọt;....
Một trong những nội dung trong Dự thảo đó chính là quản lý lĩnh vực phân bón, ông Phan Xuân Dũng cho biết, việc quản lý chất lượng phân bón hết sức phức tạp, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn xảy ra. Trong điều kiện nguồn nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trồng trọt hạn chế thì việc quản lý, bảo đảm chất lượng phân bón trên thị trường là rất khó khăn. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải quản lý điều kiện, quy trình kỹ thuật sản xuất, kinh doanh phân bón; các doanh nghiệp phải đăng ký công nhận lưu hành phân bón khi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, về điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón để quản lý chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng, sản lượng phân bón trên thị trường.
Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định quản lý đối với phân bón là các phụ phẩm trồng trọt (thân, lá cây, rơm rạ…), chất thải chăn nuôi đang được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong nông hộ, trang trại vào Dự thảo Luật.
Về nguyên tắc khảo nghiệm phân bón (Điều 49), Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phân bón đang được hoàn thiện, việc quản lý điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón đang dần ổn định. Do đó, việc khảo nghiệm phân bón nên quy định theo hướng: Chỉ khảo nghiệm đối với một số loại phân bón mà nguyên liệu có chứa các yếu tố có nguy cơ gây độc hại, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cần quy định rõ nội dung, một số chỉ tiêu chính cần khảo nghiệm đối với phân bón; quy định giá trần, giá sàn đối với chi phí khảo nghiệm.
Dự thảo Luật gồm 7 Chương và 82 Điều nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng…
Nguồn: Báo Công Thương