Cần có giải pháp ổn định thị trường phân bón

03:29 CH @ Thứ Hai - 29 Tháng Mười Một, 2010

Đến hẹn lại lên, cứ vào vụ sản xuất, phân bón lại tăng giá. Bài toán đặt ra là ngành chức năng sớm có giải pháp bình ổn thị trường, giúp nông dân ổn định sản xuất.

Đợt tăng giá này đúng vào lúc nhu cầu phân bón cho vụ đông xuân tăng cao, làm tăng giá thành sản xuất lúa. Ngay từ đầu tháng 11, giá phân bón đã rục rịch tăng. Trong đó, tăng cao nhất là các loại phân bón nhập khẩu như: DAP, urê, kali. Nếu như tuần trước, mỗi bao DAP 50kg có giá 750.000 đồng thì sau 1 tuần đã tăng thêm 50.000 đồng/bao, đạt mức 800.000 đồng. Phân urê từ chỗ chỉ 320.000 đồng hiện lên tới 450.000 đồng/bao. Cá biệt, kali tăng 120.000 đồng/bao, hiện đạt mức 560.000 đồng/bao. Các loại phân NPK sản xuất trong nước tăng ít hơn, nhưng cũng đắt hơn từ 30.000 - 80.000 đồng/bao, tùy loại.

Để đối phó với thực trạng này, nhiều nông dân chọn cách mua một nửa nhu cầu với hy vọng giá sẽ giảm trong thời gian tới. Theo tính toán của bà con, nếu giá lúa đạt mức hơn 6.000 đồng/kg như hiện nay thì họ mới có lời.

Theo nhiều người dân, hiện giá phân bón trên thị trường hoàn toàn bị thả nổi và do các đại lý tự quyết định. Do vậy, giá ở mỗi đại lý, mỗi địa phương có khi chênh nhau tới 1.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn đều khẳng định, nguồn cung phân bón chưa thiếu đến mức báo động và có khả năng đáp ứng đủ cho nhu cầu vụ đông xuân.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, năm 2010, tổng nhu cầu phân bón cả nước khoảng 9,1 triệu tấn, sản xuất trong nước đã đạt trên 6 triệu tấn, đáp ứng được 67% nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, còn lại là nhập khẩu. Hiện sản xuất urê trong nước đã đáp ứng được khoảng 60%, DAP khoảng 15-20%; còn NPK, phân chứa lân đã đủ nhu cầu.

Mới đây, tại một hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối mặt hàng phân bón giai đoạn 2010 - 2020, hầu hết các chuyên gia đều nhận định, việc bình ổn giá phân bón là rất khó, nguyên nhân chính là bởi chúng ta lệ thuộc quá lớn vào nhập khẩu và sự biến động bên ngoài thị trường quốc nội.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, nguyên nhân phân bón tăng là do một số mặt hàng như DAP, kali, NPK của nước ta chưa sản xuất đủ nhu cầu nên không chủ động được trong việc cung ứng cho thị trường. Khi thị trường phân bón nước ngoài khan hàng, tăng giá, phân bón trong nước cũng tăng giá theo.

Nhằm ổn định tình hình phân bón, ông Hà thông tin, Bộ Công Thương đang chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón ngừng tu sửa máy móc, đẩy mạnh sản xuất, giảm chi phí để hạ giá thành. Bộ sẽ ban hành quy hoạch mạng lưới sản xuất và kinh doanh phân bón. Trong bản quy hoạch cũng nhấn mạnh việc giảm đầu mối, giảm trung gian. Nhân rộng mô hình hợp tác xã đứng ra phân phối sản phẩm phân bón như một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã làm. “Theo tôi, việc tăng giá phân bón là do xu thế thị trường, tuy nhiên cần phải tăng theo lộ trình, từng bước để ổn định sản xuất của người nông dân”, ông Hà chia sẻ.

Nguồn: