Phân bón kém chất lượng, giá rẻ đang len lỏi về nhiều nơi, phổ biến nhất là những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, làm rối loạn thị trường vật tư nông nghiệp, gây thiệt hại cho bà con nông dân.
Nhiều sản phẩm phân bón kém chất lượng
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), thời gian vừa qua, tình trạng phân bón kém chất lượng, phân bón không có trong danh mục đã xuất hiện ở các địa phương. “Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả đang là vấn đề nổi cộm hiện nay, gây tâm lý lo lắng cho nông dân”, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá.
Thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có trên 500 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, điều kiện sản xuất không đảm bảo và các sai phạm chủ yếu ở khối DN nhỏ này. Điều này đã gây thiệt hại cho bà con nông dân và ảnh hưởng đến uy tín của một số doanh nghiệp làm ăn chân chính. Điển hình như trường hợp Công ty Cổ phần Đầu tư Khoa học Kỹ thuật Việt Pháp có trụ sở tại huyện Thanh Trì - Hà Nội bị phát hiện với hơn 60 tấn NPK nhái sản phẩm của công ty Supe Phốt phát Lâm Thao và một số nhãn hàng uy tín bằng phương tiện chế biến không bảo đảm; Công ty TNHH Thiên Phú Nông ở huyện Củ Chi, TP.HCM bị phát hiện sản xuất phân bón NPK 16-16-8-1, 3S và NPK 20-20-15+TE kém chất lượng; Công ty TNHH sinh học HPH (đường Hà Huy Giáp, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM sản xuất phân bón lá nhưng chưa được đưa vào danh mục phân bón...
Thừa nhận tình trạng phân bón kém chất lượng trôi nổi trên thị trường là khó tránh khỏi, lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng “với những nhãn mác phân bón không có trong danh mục, dù có làm chặt chẽ đến đâu cũng khó có thể triệt tiêu. Mục tiêu của chúng ta là giảm và hạn chế thiệt hại đối với bà con nông dân”.
Sở dĩ phân bón kém chất lượng vẫn tồn tại vì nhiều nơi, người nông dân do ham rẻ hay quá tin vào những lời hướng dẫn, giới thiệu của các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón; hoặc vẫn có thói quen mua ở những địa chỉ không rõ ràng - các doanh nghiệp và đại lý vật tư nông nghiệp lợi dụng điều này để bắt tay lừa nông dân.
Để giúp nông dân sử dụng hiệu quả phân bón trong sản xuất, ngành nông nghiệp đã đưa ra những khuyến cáo cho bà con nông dân. Cục Trồng trọt đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ NN&PTNT thông qua hệ thống khuyến nông, qua các phương tiện thông tin đại chúng để hướng dẫn, định hướng cho nông dân sử dụng phân bón đúng phương pháp để nâng cao hiệu quả trong sử dụng; cách nhận biết phân bón kém chất lượng, gây hại đối với quá trình sinh trưởng phát triển của cây trồng...
Thắt chặt quản lý, nâng cao chất lượng
Theo ông Phạm Đồng Quảng, quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón hiện nay còn thấp và không cụ thể đối với doanh nghiệp. Việc cấp phép đăng ký sản xuất, kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư ở địa phương cũng khá đơn giản. Chính điều này tạo “đất” cho doanh nghiệp làm ăn bát nháo hoành hành, gây thiệt hại cho nông dân.
Trước tình hình này, Cục Trồng trọt cho biết đang tiến hành phân loại, đánh giá tổng thể các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này. “Song song với việc phân loại đánh giá, cơ quan chuyên ngành phải kiểm tra các cơ sở này thường xuyên hơn để phát hiện sớm các cơ sở vi phạm, ngăn ngừa tình trạng hoạt động chui, ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng sản xuất kinh doanh phân bón kém chất lượng, giải pháp về lâu dài là phải có những chế tài thực sự mạnh. Bởi, hiện nay, theo đánh giá của các cơ quan quản lý, mức xử phạt trong sản xuất kinh doanh phân bón còn quá thấp. “Chỉ phạt 40-50 triệu đồng/vụ vi phạm nên đối tượng thường xuyên tái phạm. Muốn răn đe được thì cần có các chế tài xử phạt thật nghiêm, thật nặng đối với những hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng, ví dụ như thu hồi giấy phép đăng kí kinh doanh”, lãnh đạo Cục Trồng trọt nêu đề xuất.
Hiện nay, đã có Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 xác định rõ những điều kiện, quy định để quản lý các đơn vị sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp nói chung, phân bón nói riêng từ đó có cơ sở kiểm tra, giám sát các đơn vị từ sản xuất đến kinh doanh phân bón. Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đồng thời tìm phương thức quản lý để hạn chế việc phân bón kém chất lượng tồn tại trên thị trường. Cụ thể, theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Nghị định quản lý sản xuất kinh doanh phân bón. Điểm mấu chốt của Nghị định này là quy định phân bón là một mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện, phải được quản lý theo nhóm 2 (tức là nhóm phải quản lý theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia). Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Nghị định 15/2010/NĐ-CP ngày 1/3/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất kinh doanh phân bón. Cục Trồng trọt và Tổng cục Hóa chất đang phối hợp sửa đổi theo hướng cụ thể hóa, nâng cao tiêu chí điều kiện sản xuất và kinh doanh phân bón.