Ngay từ khi xây dựng gói hỗ trợ doanh nghiệp (DN), các nhà điều hành đều hy vọng, một chính sách tín dụng hợp lý kết hợp với miễn giảm thuế cho DN sẽ góp phần hạ giá thành sản phẩm, cải thiện sức mua, thúc đẩy giải phóng hàng tồn kho.
Các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế như hạ lãi suất, giãn thời hạn nộp thuế, giảm hoặc miễn một số loại phí… đã được thực hiện từ nhiều tháng qua. Thế nhưng, ngoài lãi vay đã hạ, DN vẫn "cõng" thêm các chi phí đầu vào khác ở mức cao.
Chỉ số hàng tồn kho giảm, chưa phải tín hiệu vui
Thông tin về chính sách miễn, giãn, giảm thuế vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện, Tổng cục Thuế đã hoàn thành giãn thuế GTGT tháng 4, 5, 6. Cụ thể, số thuế GTGT đã giãn 11.000 tỷ đồng, có gần 100.000 lượt DN được hưởng chính sách này, góp phần giảm hàng tồn kho từ 36% xuống 24%. Bên cạnh đó, các tỉnh đã giãn thu tiền sử dụng đất khoảng 1.600 tỷ đồng trên tổng số gần 9.000 tỷ đồng cả năm 2012. Tuy nhiên, con số này là rất ít so với tổng số 553.000 DN đang kê khai thuế hiện nay. Nguyên nhân do số DN nhỏ và vừa chiếm tới 90% tổng số DN nhưng quy định về tiêu chí, điều kiện xếp loại các DN này không còn hợp lý, khiến nhiều DN không đủ điều kiện tiếp cận. Về chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1 đã thực hiện khoảng 3.600 tỷ đồng.
Trên thực tế, theo các chuyên gia kinh tế, chỉ số hàng tồn kho giảm nhưng chưa hẳn là tín hiệu vui. Không loại trừ trường hợp nhiều DN chấp nhận lỗ để giảm giá bán, thậm chí bán phá giá để phá sản, giải thể. Tại nhiều DN, hàng tồn kho tuy có giảm nhưng DN vẫn đang phải hoạt động cầm chừng, thu hẹp hoạt động, hàng hóa sản xuất thêm trong nhiều tháng qua không nhiều và doanh thu có được cũng chủ yếu từ những hàng hóa đã được sản xuất, tồn đọng từ cuối năm ngoái. Ông Nguyễn Thành Đồng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép VSC - Posco (VPS) cho biết, sáu tháng qua, công ty sản xuất hơn 72.500 tấn, giảm 39%; tiêu thụ gần 81.500 tấn, giảm 27% so cùng kỳ năm trước, không đạt kế hoạch. Do tiêu thụ chậm, DN buộc phải tiết giảm sản xuất để tránh tồn kho lớn.
Gánh nặng càng nặng thêm
Ông Lê Quốc Phong, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền chia sẻ: “Chủ trương miễn, giảm, giãn thuế là hợp lý trong giai đoạn hiện nay, nhằm hỗ trợ cho các DN vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, DN chưa kịp mừng thì thời gian qua điện, than, xăng, dầu, gas, nước... liên tục tăng giá, tăng cao khiến việc hỗ trợ thuế cho DN gần như mất tác dụng".Đại diện DN sản xuất giấy Anh Huy (quận Hoàng Mai) nhẩm tính, với giá điện cũ, bình quân mỗi tháng đã phải trả khoảng 3 tỷ đồng tiền điện. Khi giá điện tăng thêm 5%, hàng tháng công ty phải trả thêm hơn 150 triệu đồng, chi phí quá lớn trong bối cảnh DN đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, phí kiểm nghiệm hàng hóa trước khi xuất khẩu hiện tăng 1,5 - 2 lần so với một năm trước. Loại phí này cũng đang đè nặng trên vai người chăn nuôi. Thêm vào đó, phí bảo vệ môi trường đánh vào túi PE làm thủy sản xuất khẩu tăng chi phí 0,1 USD/kg. VASEP cho biết, so với cách đây hai năm, chi phí xuất khẩu thủy sản hiện tăng tới 30%. Chưa kể viện phí, giá thuốc tăng, chi phí của DN trong việc hỗ trợ đời sống của nhân viên cũng phải tăng lên, việc giãn, giảm hỗ trợ thuế so với những phần đang tăng kể trên là khó để giảm được giá.Hiện nay, vấn đề đầu ra cho sản phẩm vẫn là vấn đề lớn của nhiều DN. Tuy nhiên, giá thành đầu vào sản xuất liên tục tăng thời gian gần đây càng khiến DN khó tăng trưởng sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cách điều hành giá đang cản trở việc hỗ trợ và cứu DN, không chỉ đè nặng hơn lên vai DN, mà nó còn bóp nghẹt dần sức mua của người dân.