"/>
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực - Đinh Quang Tri khẳng định "chắc chắn vào ngày 1/7 tới chưa tăng giá điện". Tuy nhiên, lãnh đạo EVN tiếp tục giữ quan điểm cần có lộ trình điều chỉnh để thu hút đầu tư.
Trước tình hình giá bán than cho điện tăng khoảng 40%, giá dầu nguyên liệu của nhiệt điện cũng tăng khoảng 30% kể từ đầu năm, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán lại chi phí sản xuất để có lộ trình điều chỉnh giá điện.
Trả lời trong trường trình "Đối thoại Chính sách" phát trên VTV1 tối ngày 26/6, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN khẳng định "chắc chắn vào ngày 1/7 tới chưa tăng giá điện". Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn cần điều chỉnh giá điện theo lộ trình và EVN vẫn đang tính toán giá thành sản xuất điện để hàng tháng báo cáo các Bộ.
"Cần nhìn tổng thể và dài hạn là phải từng bước đưa giá điện lên để thu hút đầu tư. Để có được việc đó phải có lộ trình điều chỉnh nhất quán. Mục tiêu không phải đưa ngang bằng khu vực mà phải đảm bảo để nhà đầu tư hoàn vốn", ông Tri nói.
Trả lời cho câu hỏi mức tăng sẽ là bao nhiêu, ông Tri cho biết EVN sẽ tính toán dựa trên mục tiêu đảm bảo đủ điện và cân bằng tài chính của tập đoàn, còn lợi nhuận không phải chỉ tiêu quan trọng nhất của EVN.
Đồng tình với ý kiến của đại diện Tập đoàn Điện lực, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng giá điện hiện nay chưa hợp lý để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. "Với mức 6-7 cent mỗi kWh như hiện nay thì không ai đầu tư, Chính phủ cần nghiên cứu sớm để có giá điện hợp lý, theo tôi chỉ cần mức khoảng 8 cent (1680 đồng)", ông Ngãi nêu ý kiến.
Điều chỉnh giá là khó tránh khỏi, song tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng góp ý, ngành điện cần tạo niềm tin cho người dân là làm ăn đàng hoàng, khó khăn là do gánh vác các nhiệm vụ mà Nhà nước giao.
"Tổng đầu tư ngoài ngành của ngành điện chỉ chiếm 2% thì liệu việc mất 2 đồng trên 100 đồng bỏ ra có ảnh hưởng đến đầu tư hay không thì vấn đề này chưa được ngành điện giải thích rõ. Ngoài ra, còn phải thông tin chi phí đầu vào, suất đầu tư, lương của ngành điện... Lúc này, cần phải minh bạch thông tin để tạo được niềm tin, sự chia sẻ giữa doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý trong mối quan hệ về giá điện", vị này khuyến nghị.
Liên quan đến ý kiến EVN đang độc quyền về giá điện nên mới có thể điều chỉnh thường xuyên, ông Tri lý giải giá điện là do Nhà nước chỉ đạo, EVN không quyết được. Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên cho rằng, tương lai cần trả giá điện về cho thị trường quyết định, không nên để xen lẫn yếu tố xã hội hay chính trị. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, với một nền kinh tế có 70% dân số ở nông thôn thì nên tách được những hộ gia đình khó khăn với những người sử dụng điện lớn để có mức giá phù hợp, đồng thời sử dụng chinh sách giá để người dùng đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm điện.
Đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, nếu duy trì giá điện bao cấp để thỏa hiệp với thị trường méo mó như hiện nay thì sẽ phải trả giá lớn. "Những giá đầu vào quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường đều phi thị trường như giá điện, than, xăng dầu, hoặc lãi suất. Nếu chúng ta không xử lý đồng bộ hệ thống giá này thì sẽ rất nguy hiểm", ông nói. Do đó, theo ông "Phải chăng nên chọn chọc vào giá điện vì đây có sức lan tỏa lớn, kể cả phải trả giá". Ngoài ra, hệ thống lương luôn phản ứng việc tăng giá điện nên cần tạo ra áp lực giá điện để gây áp lực lên cải cách hệ thống lương, vị này cho hay.
Về dự thảo Quyết định của Chính phủ quy định biểu giá bán lẻ điện, trong đó sẽ áp giá điện riêng cho ngành sắt thép và xi măng với mức tăng khoảng 2 - 16%, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng quyết định này sẽ khiến ngành thép mất tính cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Chúng ta đang ở gần những nước muốn thôn tính thị trường, nếu tăng yếu tố đầu vào thì việc tăng giá khó tránh khỏi, sản phẩm trong nước sẽ không còn cạnh tranh được nữa và sẽ nhường cho nước ngoài, ông nói.