Vậy là chỉ sau thời gian ngắn đưa vào thực hiện, Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lí phân bón do Bộ Công Thương chủ trì sẽ phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế trong thời gian tới đúng như cảnh báo của nhiều chuyên gia, nhà quản lí, doanh nghiệp ngay từ khi Nghị định này mới chỉ là dự thảo.
Bài học lịch sử
Nếu tính cả Nghị định sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lí phân bón trong thời gian sắp tới, đây sẽ là lần thứ 4 ngành phân bón phải thay đổi các quy định, điều khoản, chế tài trong công tác quản lí nhà nước. Trước đó, Nghị định 113 về quản lí phân bón ban hành năm 2003 và Nghị định 191 sửa đổi Nghị định 113 năm 2007 đều có tuổi thọ vô cùng ngắn ngủi.
Nhìn chung, không thể phủ nhận vai trò của các Nghị định 202, 191, 113, song cả 3 Nghị định trên đều có những hạn chế, sai sót mang tính hệ thống mà nguyên nhân dù chủ quan hay khách quan đều khiến cả doanh nghiệp và cơ quan quản lí vô cùng mệt mỏi.
Nếu như Nghị định 113 và 191 phạm phải sai lầm khi ban hành quá nhiều danh mục sản phẩm phân bón (hàng nghìn sản phẩm) đến mức vượt tầm kiểm soát khiến thị trường bát nháo phân NPK giả, nhái thì Nghị định 202 lại đưa phân NPK, phân trung vi lượng vào diện phải quản lí hợp chuẩn hợp quy khi chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn dẫn đến tình trạng đánh trống bỏ dùi.
Có lần chúng tôi hỏi một vị cán bộ quản lí nhà nước về phân bón là tại sao lại đưa chất cải tạo đất trở thành phân bón trung vi lượng thì vị này trả lời là trên thị trường thực tế có mua bán hàng hóa này nên đưa vào cho dễ bề quản lí. Nhưng khi tôi hỏi tiếp là quản lí phân trung vi lượng bằng công cụ, giải pháp nào thì không thấy vị này trả lời được.
Quá trình đi thực tế chúng tôi nhận thấy, ở mỗi giai đoạn ngành phân bón lại có những lỗ hổng, bất cập khác nhau, nguyên nhân không hiểu do trình độ, năng lực cán bộ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hạn chế hay cố tình tạo “đục nước để béo cò” nên các doanh nghiệp có mục đích, ý đồ làm ăn gian dối đều có cửa để sống.
Ví dụ điển hình nhất là khi Nghị định 202 ra đời và có hiệu lực, trên thị trường xuất hiện nhan nhản phân bón trung vi lượng, phân bón khác nhập nhèm, đội lốt phân lân bán với giá rất cao gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Nguyên nhân do trong Nghị định 202 chỉ quy định chung chung là phân trung vi lượng khi chứa các thành phần canxi, magie, silic,… nhưng không quy định hàm lượng tối thiểu phải bao nhiêu %, phương pháp lấy mẫu, tiêu chuẩn, quy chuẩn thử để biết hữu hiệu như thế nào, thế nào là dinh dưỡng, thế nào chỉ là % tổng số…
Do đó, nhiều doanh nghiệp phân bón nghiền đá vôi, cát, cao lanh, đất sét… ra thành bột đóng bao đề là phân trung vi lượng đem bán, song cơ quan quản lí nhà nước không làm gì được bởi nếu đem phân tích hàm lượng canxi, silic tổng số không những đạt mà còn vượt số liệu trên bao bì, do trong đá vôi và cát hàm lượng hai nguyên tố này rất cao, lên tới 70 - 90%, nhưng cây trồng không thể hấp thụ được vì nó đang ở dạng trơ.
Nếu sản xuất phân bón đơn giản như vậy, nhà nước ta không phải chi hàng trăm triệu USD để xây dựng các nhà máy sản xuất phân bón trong nhiều thập kỷ qua.
Quản lý không quá khó
Thực tế, trên thế giới hầu như nước nào cũng có nhà máy sản xuất phân bón, quy mô, sản lượng thậm chí lớn hơn Việt Nam gấp cả chục, trăm lần, nhưng không nơi nào rối rắm, phức tạp như nước ta. Qua đó mới thấy, nguyên nhân chủ yếu vẫn do chế tài quản lí chưa thực sự phù hợp và kín kẽ.
Theo ông Hoàng Văn Tại, Tổng Giám đốc Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển, về mặt kỹ thuật, chỉ cần phân loại và định nghĩa chuẩn xác các loại phân bón là cơ bản giải quyết được khâu quản lí. Mặc dù có thời điểm danh mục sản phẩm phân bón tại Việt Nam lên tới 5.000 - 6.000 loại, nghe có vẻ thấy nhiều, nhưng thực tế phân bón trên thế giới hay tại Việt Nam cũng chỉ có vài ba chủng loại chính.
Đó là phân đa lượng đạm, lân, kali, DAP, MOP; phân NPK; phân hữu cơ và phân trung vi lượng. Trong phân đa lượng, đạm có mấy loại gồm: đạm urê, SA, canxi nitrat, amon nitrat và đạm trong phân phức hợp DAP; với lân có 3 dòng chính là lân nung chảy, lân super và lân trong phân phức hợp DAP; riêng kali, có hai loại là kali clorua và kunfat kali có nguồn gốc từ khai mỏ tự nhiên qua tinh chế.
Hiện nhóm phân đa lượng là mặt hàng dễ quản lí nhất vì đều có chỉ tiêu, thông số kỹ thuật rất rõ ràng. Mặt khác, để tạo ra được phân đa lượng chi phí đầu tư nhà máy, dây chuyền lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng nên không nhiều đơn vị đủ năng lực tài chính để sản xuất.
Với phân NPK, đây thực tế là nhóm sản phẩm phân phối trộn (3 hạt, 1 hạt ép viên, 1 hạt công nghệ hóa lỏng, lò cao) từ các nguyên liệu đầu vào là phân đa lượng kết hợp một số phân bón trung vi lượng. Theo quy định, tổng hàm lượng dinh dưỡng của phân bón NPK phải 18% dinh dưỡng trở lên khi đem cộng 3 thành phần chính là N-P-K...
Việc quản lí nhóm sản phẩm này không quá khó bởi cứ chiếu theo số liệu doanh nghiệp công bố trên bao bì, đem sản phẩm đi phân tích nếu không đúng hàm lượng tiến hành xử phạt, tái phạm nhiều lần rút giấy phép.
Mặt hàng phức tạp và khó quản lí nhất hiện nay lại chính là phân trung vi lượng, phân bón khác và phân hữu cơ. Khó là bởi Việt Nam chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn để phân tích được hàm lượng dinh dưỡng trung, vi lượng hữu hiệu. Trong khi dây chuyền sản xuất phân trung vi lượng lại quá đơn giản (chỉ cần máy nghiền, máy đóng bao), không phức tạp như nhà máy phân đạm, phân lân hay DAP. Do đó, khi tiến hành sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 202 phải đặc biệt chú ý các quy định quản lí nhóm sản phẩm này.
Là đơn vị ủng hộ việc giao một đầu mối quản lí nhà nước về phân bón, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy nhấn mạnh, việc sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 202 sắp tới phải gắn cả trách nhiệm của lãnh đạo và chính quyền sở tại nơi nhà máy phân bón hoạt động. Tại cấp tỉnh, thành phố nên thành lập liên ngành NN-PTNT, Công Thương để có sự thống nhất khi tiến hành thanh, kiểm tra, xử lí về phân bón tránh chồng chéo gây phiền hà doanh nghiệp. Tiếp theo, cần kiện toàn, hoàn chỉnh hệ thống khảo nghiệm, phân tích, chứng nhận phân bón nhằm hạn chế khiếu nại, oan sai.
Đặc biệt, theo ông Thúy cần tăng chế tài và mức xử phạt, đồng thời ra quân kiểm tra trên diện rộng các nhà máy sản xuất phân bón và mạnh dạn, cương quyết rút giấy phép những doanh nghiệp cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, cần sự tham gia nhiều hơn nữa của những đơn vị độc lập, tổ chức xã hội, Bộ KH-CN (phân tích, chứng nhận, khảo nghiệm) trong hoạt động giám sát và đóng góp ý kiến.
+ Việc Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn số 2000/VPCP-NN ngày 7/3/2017, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lí phân bón trên tinh thần giao Bộ NN-PTNT là đơn vị chịu trách nhiệm quản lí nhà nước, chúng tôi cho rằng đây chính là thời cơ vàng để thực hiện cuộc cải tổ mang tính cách mạng với lĩnh vực quá nhiều tai tiếng này.
+ Khi nghe tin quản lí nhà nước về phân bón lại giao về Bộ NN-PTNT, trao đổi với chúng tôi đa phần các doanh nghiệp phân bón lo lắng hơn là vui mừng. Bởi việc thay đổi cơ quan quản lí trước đây khiến họ gặp rất nhiều phiền phức, tốn kém khi phải làm các thủ tục chuyển đổi từ danh mục sang tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nay các doanh nghiệp rất sợ bị yêu cầu làm lại các thủ tục đã phải vất vả hoàn thiện cách đây không lâu nên kiến nghị Nghị định mới cần phải có tính kế thừa hợp lí.
Nguồn: nongnghiep.vn