Nhiều dự án thua lỗ đấu giá nhiều lần không có người mua hoặc vướng mắc hồ sơ pháp lý đất đai, theo Bộ Tài chính.
Tại buổi họp báo chuyên đề kết quả cơ cấu lại, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước năm 2018, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2018 có 23 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hoá với tổng giá trị hơn 31.700 tỷ đồng, riêng giá trị vốn nhà nước 16.700 tỷ đồng.
Có 28 doanh nghiệp bán cổ phần lần đầu trong năm 2018 với giá trị cổ phần bán ra là 13.950 tỷ đồng, thu về xấp xỉ 22.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp cổ phần hoá mới đạt một phần nửa kế hoạch năm đã được đề ra từ năm 2017.
Theo đại diện Bộ Tài chính, tiến độ triển khai cổ phần hóa trong năm 2018 còn chậm, chưa đạt kế hoạch. Nhiều đơn vị có số lượng doanh nghiệp phải cổ phần hóa lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch và chưa báo cáo về việc điều chỉnh tiến độ.
Tình hình thoái vốn trong năm 2018 cũng gặp tình trạng tương tự khi chỉ thực hiện được một phần ba kế hoạch, với 57 đơn vị.Các doanh nghiệp đã thoái 8.640 tỷ đồng, thu về hơn 19.600 tỷ đồng. Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái xấp xỉ 6.600 tỷ đồng, thu về gần 15.900 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho rằng việc thoái vốn nhà nước còn chậm do các đơn vị đạt kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả. Bên cạnh đó, trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động... bị kéo dài, đặc biệt là ở những dự án bị thua lỗ.
"Như dự án nhà máy bột giấy Phương Nam đấu giá 3-4 lần không có người mua. Hay ở dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà nước muốn bán cả doanh nghiệp nhưng phải xử lý các vấn đề tồn tại về tranh chấp pháp lý giữa nhà thầu, chủ đầu tư mới bán được. Rõ ràng các vấn đề này là yếu tố khách quan, không thể xử lý một sớm, một chiều dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa", ông Tiến nói.