Công nghiệp hóa dược Việt Nam trong "cuộc đua" với nước ngoài

02:36 CH @ Thứ Sáu - 05 Tháng Mười Một, 2010

Hiện nay, cả nước ta vẫn phải nhập khẩu từ 80- 85% nguyên liệu để sản xuất thuốc, mặc dù chúng ta đã sản xuất được hơn 50% thuốc tính theo giá trị nhưng đó là các loại thuốc thông thường.

Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) bên lề hội nghị triển khai Chương trình hóa dược đến năm 2020 về thực trạng và những khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất hóa dược trong nước đang vướng phải.

* Xin ông cho biết tình hình sản xuất hóa dược trong nước hiện nay và những khó khăn trong ngành hóa dược mà các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải đối mặt?

Về tình hình sản xuất trong nước, hiện nay tại Việt Nam mới chỉ có Công ty cổ phần Dược phẩm Mekophar là đơn vị sản xuất nguyên liệu kháng sinh duy nhất trong cả nước, sản phẩm là amxilin và ampecilin. Một số các loại đơn giản khác như Vitamin C, chúng ta vẫn chưa có nhà máy sản xuất Vitamin C và mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 700 tấn Vitamin C. Chưa kể tới các loại thuốc đặc trị, như chúng ta phải nhập khẩu hoàn toàn các loại hóa chất đặc trị ung thư, thuốc tim mạch với giá rất đắt. Trong khi nước ta có nhiều loại cây chứa các hoạt chất hoặc các tiền chất chống ung thư như cây thông đỏ, cây dừa cạn, cây trinh nữ hoàng cung… Tuy nhiên, chúng ta chưa khai thác được tiềm năng của nguồn nguyên liệu này mà chỉ dừng lại ở nghiên cứu và điều chế quy mô nhỏ.

Phải thừa nhận một thực tế là xét về quy mô, ngành công nghiệp hóa dược nước ta còn tương đối nhỏ bé và nghèo nàn về chủng loại sản phẩm, chưa sản xuất được các nguyên liệu chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu bào chế các loại thuốc. Theo số liệu của ngành dược và Bộ Y tế thì các công ty dược Việt Nam chủ yếu thực hiện bào chế gia công, còn hầu như các nguyên liệu hóa dược đều phải nhập khẩu từ 80-85%. Đội ngũ nghiên cứu hóa dược ngày càng mai một và bây giờ mới bắt đầu đào tạo lại.

Việc cạnh tranh với thuốc ngoại cũng đặt ra một thách thức không nhỏ. Đa phần người Việt Nam vẫn có tâm lý chuộng dùng sản phẩm thuốc của nước ngoài. Trong cuộc đua này, các doanh nghiệp sản xuất hóa dược và dược phẩm của Việt Nam rất khó để chiếm ưu thế. Vì tất cả các sản phẩm cũng như nguyên liệu làm thuốc tân dược trên thị trường Việt Nam với sự tham gia đầy đủ của các nước như Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc… những nước có ngành công nghiệp hóa dược, công nghiệp dược phát triển với giá thành rất cạnh tranh. Với một thị trường đã chật kín như vậy, để chen chân vào là một điều rất khó.

Như vậy, giải quyết tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt thế nào, thưa ông?

Theo tôi việc đầu tiên là tự sản phẩm dược phẩm, hóa dược của Việt Nam ngày càng phải tốt lên, nếu không ngang tầm được với sản phẩm nước ngoài thì chất lượng cũng phải xấp xỉ thì mới khuyến khích được người tiêu dùng. Thứ hai, cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, thậm chí có thể dùng cả những biện pháp mang tính hành chính. Năm 2009, Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã phối hợp ký kết hợp tác trong lĩnh vực dược và hóa dược trong đó có đề nghị các doanh nghiệp trong ngành dược nói riêng và trong ngành y tế nói chung phải dùng các sản phẩm dược và hóa dược do Việt Nam sản xuất. Nếu các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng dược phẩm trong nước sẽ được hưởng một số chính sách ưu đãi của nhà nước như về thuế, đất đai, chuyển giao công nghệ thì đây cũng là cú hích để tạo điều kiện cho người dân Việt Nam sử dụng sản phẩm trong nước nhiều hơn.

Theo báo cáo, các nhiệm vụ khoa học- công nghệ thuộc chương trình hóa dược trong 3 năm đầu hoạt động mới chỉ dừng lại ở các đề tài, hiếm dự án sản xuất thử nghiệm. Một số dự án thử nghiệm phải bỏ dở và hoàn trả lại kinh phí cho Nhà nước. Nguyên nhân vì đâu, thưa ông?

Khó khăn lớn nhất phải kể đến chính là cơ chế chính sách như vấn đề tài chính. Nhiều thủ tục gây không ít khó khăn cho các đơn vị nghiên cứu đặc biệt là doanh nghiệp. Tôi lấy ví dụ, thường các đề tài được xây dựng dự toán cách đây một hoặc hai năm, nhưng khi đi vào thực hiện thì phải đối mặt với tình trạng trượt giá, ngoại tệ tăng cao, giá nguyên vật liệu thiết bị vượt xa so với dự toán ban đầu nhưng chưa có một chủ trương hay chính sách cụ thể nào để gỡ khó cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có những kiến nghị cụ thể với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ để tháo gỡkhó khăn này. Bên cạnh đó, việc phối hợp với các bộ, ngành, kết hợp giữa nhà nghiên cứu và nhà sản xuất cũng chưa chặt chẽ và hiệu quả.

Hóa dược Việt Nam và thế giới vẫn còn một khoảng cách lớn, làm thế nào để thu hẹp khoảng cách này lại, thưa ông?

Theo tôi, một trong số đó là sử dụng các kết quả nghiên cứu của Chương trình nghiên cứu khoa học- công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược. Một hướng nữa mà chúng tôi cũng rất ủng hộ đó là tìm kiếm hợp tác liên doanh với nước ngoài thông qua các dự án hoặc ban điều hành chương trình. Tất cả các con đường để phát triển ngành công nghiệp hóa dược cũng như công nghiệp dược của Việt Nam đều được ủng hộ.

Công tác tư vấn trong ngành hóa dược vẫn là một thách thức lớn với Việt Nam, hướng đi sắp tới cho công tác này như thế nào?

Nhìn chung công tác tư vấn trong ngành hóa chất của Việt Nam là yếu, thường các dự án hóa chất đều phải thuê nước ngoài. Tìm được đơn vị trong nước có khả năng tư vấn về xây dựng phòng thí nghiệm chuyên ngành hóa dược là không khả thi. Do đó chúng tôi có đưa ra hai biện pháp. Đó là ký kết tư vấn với một công ty của nước ngoài, điều này sẽ không dễ dàng vì kinh phí hạn hẹp. Thứ hai, chúng ta có thể thành lập hội đồng tư vấn gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý Hội đồng tư vấn này sẽ đưa ra một đầu bài, trên cơ sở đó sẽ tuyển chọn đơn vị thực hiện chức năng xây dựng và quản lý phòng Thí nghiệm chuyên ngành hoá dược, tôi cho rằng cách làm này sẽ khả thi hơn.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: