"/>
Bộ Tài chính vừa tiếp nhận đề án giá điện cho năm 2011 do Bộ Công Thương chuyển sang. Cơ quan này đang tiến hành thẩm định và đánh giá tác động của các phương án giá tới chỉ số CPI và các nhóm các mặt hàng khác.
Nguồn tin có thẩm quyền từ Bộ Tài chính chỉ xác nhận rằng cơ quan này đã tiếp nhận các phương án giá từ Bộ Công Thương chuyển sang. Tuy nhiên, các mức tăng, giảm ra sao, thời điểm nào áp dụng chưa được tiết lộ, với lý do điện là mặt hàng nhạy cảm, nếu không công bố, tính toán thận trọng sẽ gây tâm lý không tốt cho người tiêu dùng. Đồng thời, nhiều nhóm mặt hàng hóa khác sẽ mượn cớ này để "té nước theo mưa".
Trả lời VnExpress.net, nguồn tin này khẳng định: "Giá điện sẽ tăng, vấn đề là thời điểm nào thích hợp để điều chỉnh". Ông này cho biết, bất cứ đề xuất nào liên quan đến việc điều chỉnh giá cả đều được tính toán thận trọng trên cơ sở chi phí đầu vào, khả năng tác động đến các mặt hàng khác, và sức chịu đựng của người tiêu dùng.
Theo quy định, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) sẽ xây dựng phương án giá căn cứ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương sẽ kiểm soát và đề xuất các mức tăng giảm. Bộ Tài chính là đơn vị thẩm định và đánh giá tác động việc tăng giá tới các ngành hàng và người tiêu dùng.
Trên thực tế, ngay từ cuối tháng 12/2010, Bộ Tài chính trong phương hướng nhiệm vụ của mình đã "nói gần nói xa" chuyện tăng giá bán lẻ điện năm 2011.
Hồi tháng 3/2010, giá bán lẻ điện đã có một đợt điều chỉnh. Theo đó, giá bán điện sinh hoạt tăng bình quân 6,8% so với năm 2009 và lên mức 1.037 đồng mỗi kWh. Mức tăng này được xây dựng trên cơ sở giá than năm 2010. Trong đó, than cám loại 5 tăng 28%, từ 405.500 đồng lên 520.000 đồng một tấn và than cám loại 4B từ 442.000 đồng lên 648.000 đồng một tấn, tăng 47%.
Tại thời điểm xây dựng phương án giá điện, mức tăng cao nhất được Liên bộ Tài chính - Công Thương và Tập đoàn Điện lực VN đề cập là 10,7%. Sau đó, Chính phủ quyết định lấy mức hợp lý và ít ảnh hưởng hơn là tăng trung bình 6,8%, áp dụng từ 1/3.