Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đang khẩn trương chuẩn bị để ngay sau khi Nghị định thay thế Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng phân bón vô cơ được ban hành, sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành bàn giao chức năng quản lý phân bón, đảm bảo công tác quản lý nhà nước liên tục, không bị gián đoạn.
Thực hiện trách nhiệm quản lý chất lượng phân bón vô cơ theo Nghị định 202/2013/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã chỉ định trên 40 tổ chức đủ năng lực thử nghiệm, chứng nhận hợp quy phân bón vô cơ trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố; đã tổ chức tái kiểm tra, đánh giá các tổ chức này và ra quyết định hủy bỏ chỉ định 02 tổ chức vi phạm (Vinacert và Trung tâm Thử nghiệm phân bón Vùng Nam bộ). Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao để rà soát, kiểm tra các tổ chức có hoạt động thử nghiệm đủ năng lực để chỉ định và quản lý hoạt động này.
Kể từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành 15 Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng phân bón vô cơ; 03 dự thảo Quy chuẩn Việt Nam đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và đang tiếp tục tiếp thu ý kiến trước khi ban hành; 07 Quy chuẩn kỹ thuật khác đã hoàn thiện dự thảo, đang trong quá trình xin ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội… Tất cả 25 quy chuẩn nêu trên đến nay đã được Bộ Công Thương chuyển giao sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn thiện, ban hành theo chức năng đầu mối quản lý mới được Chính phủ qui định tại Nghị định số 15/2017/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phân bón vô cơ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan có liên quan, Hiệp hội Phân bón Việt Nam nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP, hiện nghị định này đang trong thời gian chỉnh sửa, trình Chính phủ ban hành. Trong khi chờ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 202/2013/NĐ-CP, Bộ Công Thương vẫn tích cực triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về phân bón nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý. Trong đó, đã ban hành Kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ (Quyết định số 636/QĐ-BCT ngày 01 tháng 3 năm 2017). Đến ngày 08 tháng 9 năm 2017, Bộ Công Thương tiếp tục có Chỉ thị số 10/CT-BCT tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phân bón vô cơ, giao cho Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị thuộc Bộ và đơn vị liên quan quyết liệt triển khai và tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương trước ngày 25 tháng 12 năm 2017.
Theo Nghị định số 15/2017/NĐ-CP, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phân bón để tập trung cơ quan đầu mối. Sau khi Nghị định số 15/2017/NĐ-CP được ban hành, Bộ Công Thương đã tích cực, khẩn trương phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi các nội dung phối hợp công tác và bàn giao hồ sơ, nội dung công việc theo chức năng nhiệm vụ mới. Bộ Công Thương cũng đã chuyển giao hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với chức năng đầu mối quản lý. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy ý kiến thành viên Chính phủ, tiếp thu, chỉnh sửa để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, kể từ ngày 18 tháng 8 năm 2017, Bộ Công Thương đã không còn thực hiện chức năng quản lý phân bón vô cơ theo Nghị định số 98/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Đến nay, Bộ Công Thương đang khẩn trương tổng hợp các nội dung cần thiết để ngay sau khi Nghị định thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP được ban hành sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành việc bàn giao chức năng quản lý để đảm bảo công tác quản lý nhà nước về phân bón vô cơ diễn ra liên tục, không bị gián đoạn./.
Liên quan đến quản lý phân bón, trong năm 2016 và từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra khoảng trên 1.439 doanh nghiệp sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón và xử lý khoảng 600 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 3,2 tỷ đồng, tịch thu, tiêu hủy gần 47.000 kg phân bón vô cơ, 920 bao, 720 chai, 153 gói phân bón vô cơ các loại.
Nguồn: Báo Công Thương