Trên mạng xã hội, thời gian gần đây, rộ lên thông tin về chất phốtpho chứa trong quặng Apatit (Lào Cai) - nguyên liệu để sản xuất phân bón phức hợp DAP tồn dư ra môi trường, đồng thời trong bã thạch cao có chất cực độc, đặt vấn đề về trách nhiệm của Công ty DAP Đình Vũ trong công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn là thạch cao (gypsum) của nhà máy. Về vấn đề này, Công ty DAP Đình Vũ đã có văn bản giải thích rõ, cho rằng những thông tin trên mạng là thiếu kiểm chứng, chưa chính xác, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Không có bã thạch cao rò rỉ ra bên ngoài
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy phân bón Diamon Photphat (DAP) tại khu Kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng là dự án nhóm A, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đầu tư (tại Quyết định số 626/QĐ-TTg ngày 29.7.2002), với tổng mức đầu tư 172,385 triệu USD, xây dựng trên diện tích đất là 72ha (trong đó 28ha xây dựng nhà máy, 02ha xây dựng cầu cảng và 42ha để chứa bã thải thạch cao phát sinh trong quá trình sản xuất).
Nhà máy chính thức đi vào hoạt động thương mại từ tháng 8.2011, đến nay đã sản xuất và cung cấp cho thị trường trên 1,6 triệu tấn phân bón DAP chất lượng cao, chấm dứt sự lệ thuộc hoàn toàn vào phân bón DAP nhập khẩu từ nước ngoài, góp phần bình ổn giá phân bón trong nước, hạn chế nhập khẩu; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quặng Apatit có sẵn trong nước; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 700 lao động.
1. Để trả lời băn khoăn về chất phốtpho có trong quặng Apatit (Lào Cai) và trong bã thạch cao có cực độc hay không?
Theo tính chất lý hóa, nguyên tố phốtpho có độ hoạt động hóa học cao đối với ôxy trong không khí và các hợp chất chứa ôxy khác, nên trong tự nhiên phốtpho không tồn tại ở dạng đơn chất, mà tồn tại chủ yếu ở dạng muối vô cơ và khoáng vật như quặng apatit. Trong quặng Apatit thành phần phốtpho tồn tại dưới dạng P2O5 (lân) không tan. Để có thể sử dụng làm phân bón, cung cấp thành phần dinh dưỡng lân (P2O5) cho cây trồng, thì phải trải qua quy trình chế biến (quy trình sản xuất phân bón phôtphat). Trên thế giới, cũng như ở Việt Nam có 03 loại phân bón Photphat thông dụng, đó là:
Phân lân nung chảy, phân super phốt phát lân và phân bón Amophot (phân phức hợp DAP và MAP). Quy trình sản xuất phân bón phức hợp DAP (hàm lượng P2O5: 45-48% và Nitơ: 16-18%) được sản xuất theo phương pháp thủy phân. Để chiết suất P2O5 có trong quặng apatit, tương tự như với sản xuất Super Lân, là thực hiện phản ứng giữa quặng apatit với axit Sulfuric. Nhưng với kỹ thuật cao hơn, là thông qua quá trình lọc, rửa, hút chân không để loại bỏ bã thạch cao (CaSO4.2H2O). Phần dinh dưỡng P2O5 thu được dưới dạng H3PO4, sau đó đem đi thực hiện phản ứng trung hòa với Amôniắc (NH3) để tạo thành sản phẩm phân bón phức hợp Diamoni Photphat (DAP).
Tại nhà máy DAP Đình Vũ, Hải Phòng thì tổng dư lượng P2O5 còn lẫn trong bã thạch cao là không nhiều, chỉ còn < 1,0% (theo thiết kế của nhà cung cấp bản quyền công nghệ Prayon - Vương quốc Bỉ, thì dư lượng nay là <1,4%) và chỉ số pH>2,2. Trong đó, phốtpho trong bã thải chủ yếu tồn tại ở dạng Ca3(PO4)2 không tan (quặng Apatit chưa phản ứng hết) và lượng nhỏ ở dạng P2O5 hòa tan (phân lân) sẽ được tận thu. Khi chất đống tại bãi chứa, nước mưa chảy qua bã thạch cao, rửa trôi hết phần nước róc có chứa dư lượng P2O5 hòa tan (chủ yếu tồn tại ở dạng PO43) chảy về hồ chứa. Nước róc này được bơm thu hồi trở lại dây chuyền sản xuất để sử dụng lại, nhằm tận thu phần dư lượng P2O5 còn tồn dư trong bã thải thạch cao. Tuyệt đối không có P2O5 phát sinh rò rỉ ra bên ngoài.
Theo quyết định phê duyệt Dự án, Công ty DAP đã được UBND thành phố Hải Phòng quy hoạch và cấp cho 42 ha đất tại khu Kinh tế Đình Vũ, để chứa phần bã thạch cao cho cả đời dự án này. Trong đó, có 13ha là bãi chứa tạm thời và phần còn lại là bãi chứa lâu dài.
Như vậy, thông tin cho rằng bã thải thạch cao của Công ty DAP có chứa chất phốtpho cực độc, là thông tin không chính xác, chưa có căn cứ khoa học.
2. Về thông tin có “phóng xạ trong bã thải thạch cao”?
Từ khi mới đi vào hoạt động, Công ty DAP cũng đã mời đơn vị có chức năng là Trung tâm không phá hủy thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và công nghệ) đã tiến hành đo đạc, quan trắc về chất phóng xạ đối với khu vực bãi chứa thạch cao, cũng như khu vực bãi chứa quặng apatit. Kết quả đo đạc nhiều lần đều không phát hiện có yếu tố phóng xạ.
Về phần bã thạch cao, Trung tâm công nghệ xử lý môi trường thuộc Bộ Tư lệnh Hóa học đã thử nghiệm mẫu vào tháng 4.2016, cho kết quả trị số hoạt động phóng xạ an toàn (có kết quả thử nghiệm đính kèm).
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty DAP luôn tuân thủ đúng những nội dung cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Theo đó, Công ty đã và đang thực hiện đúng: “Thiết kế và xây dựng bãi chứa gyps theo các tiêu chuẩn kỹ thuật thích hợp, để giảm thiểu khả năng rò rỉ và nước chảy tràn từ bãi chứa gyps; có giải pháp ứng cứu và xử lý khi xảy ra rò rỉ, thực hiện việc tuần hoàn, tái sử dụng nước từ bãi gyps cho sản xuất; trồng xây xanh xung quanh bãi chứa”. Nhiều năm qua, đã có nhiều đoàn thanh, kiểm tra của các bộ, cơ quan quản lý của Trung ương và địa phương về công tác chấp hành Luật Môi trường đã về làm việc tại Công ty, đều đã ghi nhận.
Để xử lý triệt để bã thạch cao, Công ty DAP Đình Vũ đã ký Biên bản thỏa thuận với TCty Công nghiệp Ximăng Việt Nam (VICEM) về hợp tác nghiên cứu, xây dựng dự án chế biến phụ gia ximăng từ bã thải thạch cao, thay thế dần thạch cao nhập khẩu. Sản phẩm thạch cao nhân tạo chế biến từ bã thải thạch cao của Công ty DAP cũng đã được đưa vào sản xuất ở quy mô công nghiệp tại 05 nhà máy, là Ximăng Hải Phòng, Hoàng Thạch, Bút Sơn, Tam Điệp (thuộc VICEM) và Ximăng Nghi Sơn. Ngoài ra, DAP Đình Vũ đã tích cực làm việc với Viện Vật liệu Xây dựng và một số đối tác khác, để tìm thêm các phương án tích cực nhất, quyết liệt nhất, nhanh chóng giảm thiểu khối lượng bã thải lưu trữ tại bãi chứa; góp phần tạo cảnh quan, môi trường trong khu vực.