11 triệu tấn là số lượng phân bón mà Việt Nam tiêu thụ mỗi năm, trong đó, có khoảng 40% phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của phân bón ngoại nhập, để không phải “thua” ngay trên sân nhà, việc đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng, sản lượng là yêu cầu cấp bách của ngành phân bón hiện nay.
Nghiên cứu và ứng dụng phân bón thế hệ mới
Hiện mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 930.000 tấn phân bón, trong khi lượng nhập khẩu là hơn 4 triệu tấn. Con số này sẽ chưa dừng lại nếu những khó khăn, tồn tại của ngành phân bón trong nước không sớm được tháo gỡ. Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, việc phụ thuộc vào nguồn phân bón ngoại nhập sẽ rất rủi ro. Do đó, việc cấp bách hiện nay của ngành phân bón nước ta là phải nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm bằng những giải pháp cụ thể.
Nhiều doanh nghiệp phân bón đã chủ động xây dựng kế hoạch ổn định sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, tăng tính cạnh tranh sản phẩm, hạn chế các tác động bất lợi từ sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường trong nước. Đơn cử như Công ty CP Phân bón Bình Điền đã tập trung đổi mới công nghệ, sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, cạnh tranh với hàng nhập khẩu, thậm chí còn đẩy mạnh xuất khẩu NPK sang thị trường truyền thống Campuchia. Với 5 nhà máy sản xuất phân phức hợp NPK công suất thiết kế lên 975.000 tấn/năm, đặt tại các thị trường chính trên cả nước. Về chất lượng sản phẩm, hầu hết các nhà máy của Bình Điền đều được trang bị công nghệ urê hóa lỏng, tạo ra sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, hạt cứng chắc. Năm 2018, Bình Điền đứng đầu về thị phần tiêu thụ trong phân khúc NPK, chiếm 15,3% tổng lượng tiêu thụ cả nước.
Theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa, Bình Điền đã ứng dụng công nghệ mới để nghiên cứu và sản xuất phân bón thế hệ mới giúp tăng hiệu quả và năng suất của sản xuất nông nghiệp. Chính nhờ các nhóm, loại phân bón thế hệ mới với các tính năng và hiệu lực hữu ích đã góp phần giảm lượng sử dụng các loại phân bón, tiết kiệm vật tư đầu vào, tăng chất lượng nông sản, bảo tồn độ phì đất và hạn chế ô nhiễm đất nông nghiệp, ô nhiễm nguồn và hạn chế tác hại của hiệu ứng nhà kính.
Công ty CP Phân bón Bình Điền đã ứng dụng công nghệ mới để sản xuất phân đạm hạt vàng 46 A+ bằng chế phẩm N-(n-Butyl) Thiophosphoric triamide (NBTP). Chính hoạt chất có tên thương mại Agrotain sẽ ức chế men Urease phân hủy đạm bằng chất N-(n-Butyl) Thiophosphoric triamide. Trong tương lai gần, Bình Điền sẽ có thêm phân Ure đen (Ure + axit hữu cơ + TE).
Phân bón chuyên dụng cho từng loại cây, vùng canh tác
Ngoài nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã tập trung nghiên cứu và sản xuất thành công các sản phẩm phân bón chuyên dùng cho từng loại cây, vùng canh tác chuyên biệt như nghiên cứu bộ phân bón đặc chủng cho cây hồ tiêu, phân bón chuyên dùng hiệu quả cao cho cây có múi ở đồng bằng sông Cửu Long; một số loại phân bón hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất rau hữu cơ ở vùng chuyên canh rau TP Hồ Chí Minh…
Với nhận thức rằng hiệu lực của phân bón phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm đất đai, đặc tính cây trồng và các thành phần, tính chất trong sản phẩm, Công ty đã, đang và tiếp tục tập trung cao độ các nguồn lực cho công tác nghiên cứu về đất đai, dinh dưỡng, cây trồng và nghiên cứu nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm cũng như kết hợp khảo nghiệm trên đồng ruộng từ đó đưa ra thị trường nhiều sản phẩm phù hợp và hiệu quả hơn đối với cây trồng.
Trong những năm qua, Bình Điền đã kết hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, trạm nghiên cứu chuyên vùng, các trung tâm khuyến nông của các tỉnh trong cả nước và các nhà khoa học trong, ngoài nước thực hiện hàng chục công trình nghiên cứu quy mô, hàng trăm thí nghiệm và hàng ngàn mô hình trình diễn phân bón trên hầu hết các loại đất và cây trồng ở Việt Nam cũng như nước ngoài. Với Hội đồng cố vấn khoa học kỹ thuật gồm các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học đất, cây trồng và phân bón, các kết quả nghiên cứu này đã được đúc kết để sản xuất ra hàng chục loại phân bón Đầu Trâu chuyên dùng với hàm lượng các chất đa, trung, vi lượng phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của từng cây trồng, trên từng vùng đất. Nâng cao hàm lượng chất xám trong từng sản phẩm là bí quyết làm tăng hiệu lực của phân bón Đầu Trâu so với các loại phân bón khác.
Và sự kiên trì trong đầu tư nghiên cứu và sáng tạo đã đem đến thành quả cao cho Công ty CP Phân bón Bình Điền. Các dòng sản phẩm chính của Công ty: NPK, NPK+TE, phân chuyên dùng, phân hữu cơ (khoáng hữu cơ và hữu cơ sinh học), phân bón lá và các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học Đầu Trâu cao cấp, hiện đang phát huy vai trò của mình khá hiệu quả và là xu hướng tất yếu, phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại.
Trong bối cảnh thị trường phân bón cạnh tranh rất khốc liệt và phức tạp, yếu tố dẫn đến thành công cho doanh nghiệp chính là sản xuất ra các sản phẩm chất lượng tốt, hiệu quả cao gắn với bảo đảm môi trường... Việc các doanh nghiệp sản xuất phân bón đưa hoạt động sáng tạo khoa học - kỹ thuật đi vào chiều sâu đã góp phần thiết thực phát triển toàn diện, bền vững của doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.
Nguồn: Daibieunhandan.vn