Tại dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất áp mức thuế xuất khẩu 5% đối với các mặt hàng phân bón. Riêng đối với NPK, do trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu và "hiện dư thừa nhiều" nên đề xuất mức thuế 0%.
Đây là điểm đáng chú ý liên quan đến thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón tại dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện và đang lấy ý kiến thẩm định từ Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian gần đây, cơ quan này nhận được kiến nghị của một số đơn nghị về đề nghị rà soát, xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón trước tình hình các loại phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao.
Theo quy định hiện hành tại Luật thuế Xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13, khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng chịu thuế, trong đó mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.01 đến 31.05 có thuế xuất khẩu từ 0% đến 40% (nhóm có số thứ tự từ 85 đến 89).
Đồng thời, trong Biểu thuế xuất khẩu có nhóm hàng số thứ tự 211 có tên mô tả là: "Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên", hiện có khung thuế suất thuế xuất khẩu từ 5 - 20.
Theo đó, căn cứ quy định của Luật thuế Xuất nhập khẩu, tại Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ, quy định mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất thuế xuất khẩu là 0%.
Đối với mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5%.
Theo Bộ Tài chính, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, tại Công văn số 3662/BTC-CST, Bộ này đã đề xuất quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại Biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.
Riêng đối với phân bón thuộc nhóm 31.01 là phân bón hữu cơ, không sử dụng tài nguyên khoáng sản, dự thảo Nghị định giữ mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0% như hiện hành.
Cũng theo Bộ Tài chính, sau khi gửi xin ý kiến, cơ quan này nhận được kiến nghị của một số đơn vị về thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón.Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã đưa đề xuất về phương án điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón.
Cụ thể, đối với các mặt hàng phân bón (Urê, phân lân, super lân, DAP, MAP... trừ mặt hàng phân bón NPK): Bộ Tài chính đề xuất quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% như đã gửi xin ý kiến.
Riêng đối với phân NPK trong nước, theo Bộ Tài chính, do đã đáp ứng được nhu cầu và hiện dư thừa nhiều phải xuất khẩu nên Bộ này đề xuất quy định mức thuế xuất khẩu 0% để không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Vẫn còn nhiều luồng quan điểm
Trước đó, liên quan dự thảo của Bộ Tài chính, trong văn bản góp ý, Bộ Công Thương đề nghị Bộ này cân nhắc việc áp dụng thuế xuất khẩu cho tất cả chủng loại phân bón do thị trường giá cả, nhu cầu, nguồn cung biến động từng ngày, từng tuần, theo tháng, theo mùa vụ và việc tăng mức thuế xuất khẩu
Theo Bộ Công Thương, việc áp thuế cần tính đến các yếu tố nguyên liệu đầu vào, nguồn cung…; bởi hiện nay, nhu cầu phân bón trong nước đạt khoảng 11 triệu tấn/năm trong khi tổng công suất các nhà máy được cấp phép sản xuất phân bón ước tính đã đạt trên 29 triệu tấn/năm.
Vì vậy các đơn vị đều phải tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Việc hạn chế xuất khẩu có thể dẫn đến tồn đọng nhiều mặt hàng, nhất là các mặt hàng phân bón trong nước đã sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu, tăng chi phí.
Còn theo Hiệp hội Phân bón, ưu điểm của việc không áp thuế xuất khẩu căn cứ vào tỷ lệ tài nguyên khoáng sản, năng lượng như hiện hành sẽ giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan và góp phần giữ lại nguồn phân bón cho nhu cầu sử dụng trong nước; nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao, có thể tăng ngân sách từ nguồn phân bón xuất khẩu.
Hiện nay, một số chủng loại phân bón đã và đang áp dụng thuế xuất khẩu 5% (như phân Ure) hoặc có chủng loại hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu 0% nhưng do không xuất khẩu hoặc xuất khẩu rất ít (như phân lân, super lân, phân DAP, MAP). Trong khi có loại phải nhập khẩu do trong nước sản xuất không đủ nhu cầu (như phân DAP trong nước chỉ đáp ứng 60% nên phải nhập khẩu).
Vì vậy, Hiệp hội Phân bón đề nghị Bộ Tài chính xem xét, đánh giá và đề xuất mức thuế xuất khẩu riêng biệt cho từng loại phân bón, áp dụng thuế xuất khẩu cho những loại trong nước sản xuất cung chưa đủ cầu.
Hiệp hội này cũng cho rằng đề xuất áp thuế xuất khẩu 5% chỉ ảnh hưởng đến nhóm phân bón NPK (hiện nay đang dư thừa công suất thiết kế), không ảnh hưởng đến phân ure, lân nung chảy vì các loại phân này hiện vẫn đang chịu thuế xuất khẩu 5% do có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng trên 51% giá thành sản phẩm.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón Urê, DAP, MAP và phối hợp với các bộ, ngành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, đảm bảo nguồn cung trong nước trong tình hình nguồn cung phân bón khan hiếm như hiện nay.
Theo Bộ Tài chính, hiện tổng công suất của các cơ sở sản xuất phân bón trong nước là 29,25 triệu tấn/năm. Trong trường hợp các nhà máy sản xuất phân bón hoạt động thuận lợi theo công suất thiết kế là có thể đáp ứng nhu cầu phân đạm và phân lân trong nước. Trong khi phân kali do không có mỏ muối kali nên bắt buộc phải dựa vào nhập khẩu. Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 4,54 triệu tấn phân bón, tăng 19,4% về khối lượng, tăng 52,6% về kim ngạch và tăng 27,8% về giá so với năm 2020, với nguồn nhập khẩu chính từ Trung Quốc chiếm 42% kim ngạch. Về xuất khẩu, năm 2021 Việt Nam xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón, tăng 16,4% về khối lượng, tăng 64,2% về kim ngạch và giá tăng 41,2% so với năm 2020. |