Bộ tài chính hiện đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định biểu thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng phân bón, tuy nhiên hiện còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đề xuất này.
Theo đó, dự thảo dự kiến trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón (trừ mặt hàng phân bón hữu cơ), không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.
Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón (trừ mặt hàng phân bón hữu cơ), không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.
Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón.
Theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành, mặt hàng phân bón có khung thuế suất thuế xuất khẩu từ 0% đến 40%. Cụ thể, mặt hàng phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng, nếu dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất thuế xuất khẩu là 0% và từ 51% trở lên thì thuế suất là 5%.
Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đề xuất này. Trong khi các nông hộ trông chờ việc giá phân bón trong nước hạ nhiệt nhờ chính sách tăng thuế xuất khẩu thì phần lớn doanh nghiệp sản xuất phân bón lo ngại doanh thu ảnh hưởng nếu quyết định này được thông qua.
Bởi trên thực tế, giá các loại phân bón trong và ngoài nước đều đang tăng mạnh trong năm 2022 do xu hướng cắt giảm xuất khẩu của Trung Quốc và Nga vẫn còn đang diễn ra do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 và chiến tranh với Ukraine. Lệnh cấm vận của các nước phương Tây áp đặt lên Nga cũng ảnh hưởng nhiều đến giá của các mặt hàng phân bón do thiếu nguồn cung và dự trữ phân bón, điều này có thể tiếp diễn cho đến gần cuối năm 2022. Nhờ những yếu tố vĩ mô này mà trọng lượng xuất khẩu phân bón của các doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh và được hưởng lợi khá nhiều.
Theo đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), năng lực sản xuất phân bón trong nước của các doanh nghiệp hiện nay ước tính ở mức 33 triệu tấn, trong đó tiêu thụ cho nông nghiệp chỉ 12 triệu tấn. Như vậy công suất dư thừa lên tới khoảng 20 triệu tấn, trong khi giá bán xuất khẩu cho thị trường thế giới rất tốt, thuận lợi.
Mặt khác, do đặc thù của phân bón là có tính thời vụ rất cao, sản lượng cao thấp theo mùa vụ; còn sản xuất thì lại phải ổn định, liên tục. Cho nên trong những thời điểm nhu cầu trong nước thấp, doanh nghiệp phải thực hiện xuất khẩu.
Nếu không xuất khẩu hoặc bị hạn chế xuất khẩu, “đó là một sự lãng phí về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, không kích thích tăng trưởng tại các đơn vị”.
Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, yếu tố quyết định đến biến động giá phân bón ở thị trường trong nước là phụ thuộc vào giá bán phân bón thế giới, mối quan hệ cung - cầu, cùng yếu tố đặc thù của phân bón là mùa vụ và chi phí để sản xuất phân bón.
Thời gian qua, giá phân bón thế giới đã tăng cao lên mức kỷ lục, trong khi chi phí nguyên nhiên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển cũng tăng mạnh, doanh nghiệp buộc phải đẩy giá bán để bù lại chi phí. Mặt khác, nguồn cung thế giới hạn chế trong khi nhu cầu phân bón hầu như được giữ ổn định cũng đẩy giá phân bón tăng lên.
Lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng nhận định, diễn biến phức tạp của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đã khiến giá dầu tăng cao, dẫn đến giá các nguyên liệu đầu vào chính của các sản phẩm phân bón tăng đột biến, đặc biệt là lưu huỳnh (S) và ammoniac (NH3). Các chi phí đầu vào có tác động mạnh, đã đẩy giá thành sản xuất phân bón DAP, Ure, NPK tăng rất cao dẫn đến giá bán cao.
“Tuy giá phân bón trong nước vẫn đang cao hơn so với thời gian trước đây nhưng vẫn còn rẻ hơn rất nhiều so với mặt bằng chung thế giới, khi giá thế giới đang neo ở mức rất cao. Giá urê tại Việt Nam so với thế giới hiện đang chênh nhau khoảng 5 triệu đồng/tấn”, ông Bùi Thế Chuyên cho biết, nhấn mạnh điều này cho thấy giá phân bón cao không phải do yếu tố mức thuế suất của một số mặt hàng phân bón xuất khẩu ở mức thuế suất 0%.
Trong khi đó, đại diện Phân bón Bình Điền cũng khẳng định “việc áp dụng thuế xuất khẩu 0% hoặc 5% dành cho phân bón NPK không có sự khác biệt trong thủ tục hành chính về xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm, do tỷ lệ này trong sản phẩm NPK rất thấp chưa có sản phẩm nào vượt tỷ lệ 51%”.
Có cách nhìn khác, ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinacam cho rằng, khi giá bán nội địa tăng hơn mức giá biến đổi được duyệt đến 20-30% thì bắt đầu áp thuế suất xuất khẩu (ví dụ 5%), nhưng nếu thị trường tăng giá đến 50%, 70%, 100%… thì mức thuế xuất khẩu sẽ tăng lũy tiến lên 10%, 30%, 50%…, thậm chí đến 100% để bảo đảm nguồn cung, hạ nhiệt giá phân bón tại thị trường nội địa.
Ngược lại, khi giá trong nước sát chi phí biến đổi, nguy cơ nhà sản xuất lỗ thì thuế nhập khẩu lập tức được kích hoạt theo chiều ngược lại và thuế xuất khẩu tự động bị triệt tiêu. Như vậy sẽ tránh được biến động thị trường và tác động tiêu cực đối với người nông dân.
Chuyên gia nông nghiệp, GS.TS Võ Tòng Xuân thậm chí cho biết, giá phân bón tăng là thách thức vô cùng lớn với người nông dân, song cũng là cơ hội để họ thay đổi tư duy, từ bỏ việc lạm dụng phân bón để tăng năng suất.
Người nông dân không quyết định được giá lúa, phân bón nhưng có thể giảm chi phí, năng suất giảm, về tổng thể lợi ích vẫn đảm bảo do thúc đẩy những xu hướng sản xuất phân hữu cơ, nông sản sạch, nuôi vịt, cá trên ruộng lúa, nuôi trồng thuận thiên phát triển. Ông cũng nói, để giảm phụ thuộc phân bón, người nông dân trồng lúa trước mắt cần giảm lượng giống gieo sạ, vừa tiết kiệm giống lại không làm giảm năng suất.