Nhiều ý kiến đề nghị, với các mặt hàng vật tư nông nghiệp là phân bón và thức ăn chăn nuôi nên có sự đối xử về thuế khác nhau. Đối với phân bón nên đưa vào đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.
Nhiều ý kiến tại cuộc hội thảo về chính sách thuế đối với vật tư nông nghiệp (do báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh ngày 7-12) đã chỉ ra những bất hợp lý trong lĩnh vực này.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thùy Dương, Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân), Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) hiện hành quy định một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp như: phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ... thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Do đó, doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mà phải tính vào chi phí sản phẩm. Điều này khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; hàng hóa, dịch vụ trong nước bị bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại; từ đó không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Cùng với đó, Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế GTGT ở khâu nhập khẩu với nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp, trong khi thuế nhập khẩu thì vốn rất thấp hoặc đã được đưa về mức 0%.
“Với các mặt hàng vật tư nông nghiệp là phân bón và thức ăn chăn nuôi nên có sự đối xử về thuế khác nhau. Đối với phân bón nên đưa vào đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%”, TS Dương đề xuất.
Nhiều diễn giả tham gia hội thảo tán thành quan điểm này. PGS-TS Lý Phương Duyên Giảng viên cao cấp Khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) nói thêm, khi đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%, cần lưu ý sửa đổi các quy định về hoàn thuế GTGT cho đồng bộ, tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, song ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT lưu ý, việc áp dụng cần phù hợp từng giai đoạn, từng thời kỳ để không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng quy trình thanh, kiểm tra, giám sát đơn vị kinh doanh buôn bán để chống hàng giả, nhái thương hiệu, bảo vệ nhà sản xuất chân chính. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp về mặt kỹ thuật, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, tận dụng phế phụ phẩm trong nước để bớt chịu ảnh hưởng phân bón nhập khẩu, tránh ảnh hưởng môi trường đất, sinh thái...
Có góc nhìn khác, TS Bùi Thị Mến, Chủ nhiệm bộ môn Thuế - Tài chính công (Học viện Ngân hàng) cho rằng, đề xuất áp thuế GTGT đối với một số vật tư nông nghiệp thay vì không chịu thuế như hiện nay cần được xem xét toàn diện ở các mặt. Theo bà Mến, việc áp dụng thuế (kể cả ở mức thấp) có thể tạo ra cơ chế khấu trừ, hoàn thuế đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật) nhưng cũng có có thể ảnh hưởng làm tăng giá đầu vào của nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân, nông trại và các hợp tác xã nông nghiệp.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 12-2023 khai mạc vào tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị của Chính phủ bổ sung dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.