QUYẾT ĐỊNH PHẠT…TÙ MÙ
Năm 2009, chỉ riêng 19 tỉnh thành phía Nam đã có trên 400 mẫu phân bón bị phạt hành chính vì kém chất lượng. Bên cạnh những quyết định phạt được người vi phạm “tâm phục, khẩu phục” thì cũng có rất nhiều quyết định phạt thuộc diện tù mù mà người bị phạt vì không muốn “đấu tranh – tránh đâu” nên cứ nộp phạt cho yên chuyện.
Đơn cử một vài ví dụ: Mẫu phân bón NPK 16.16.8.13S của XN Phân bón Chánh Hưng bị Quản lý thị trường Long An phạt với kết quả phân tích đạt: NPK - 15,8. 15,9. 8,2. 13,2 S, hoặc mẫu NPK 20.0.20 của Cty Bình Điền cũng bị phạt khi kết quả phân tích đạt: NPK – 19,8.1,2.23, mẫu NPK – 20.10.6 của Cty Phân bón Hóa Sinh cũng bị phạt với kết quả phân tích đạt: NPK – 19,7.13,16.7,8, mẫu NPK – 16.16.8.13 S của Tập đoàn Quốc tế Năm Sao cũng bị phạt với kết quả phân tích đạt NPK: 16,7.15,5.10.12,8S…
Việc áp dụng mức phạt của một số địa phương không hiểu căn cứ vào đâu, còn trên văn bản quyết định 100 của Bộ NN- PTNT ban hành ngày 15/10/2008 vẫn còn hiệu lực thì mức sai số được phép của 1 yếu tố là ≤3%, tổng hợp cả 3 yếu tố NPK là ≤5%.
Một số DN khi nhận được quyết định xử phạt oan đã có ý kiến nhưng được xoa dịu “đã lỡ ra quyết định rồi thì cứ nộp phạt đi, lần sau châm chước”.
“THẢ GÀ RA ĐUỔI”
Việc quá tải, bất cập trong công tác thanh tra, lấy mẫu, phân tích (NNVN số ra ngày 25/5/2010) có nguyên nhân từ việc “thả gà ra đuổi” qua việc cấp phép SX phân bón quá dễ dàng, lấy hậu kiểm làm chính. Quy định hiện hành cho phép thành lập cơ sở SX phân bón NPK nếu “có thiết bị phù hợp” nhưng thế nào là phù hợp thì không có một văn bản nào hướng dẫn, chính vì vậy nhiều Cty phân bón NPK ở Bình Dương, Đồng Nai được thành lập, SX được cả những sản phẩm cao cấp như là NPK – 16.16.8.13S, NPK – 20.20.15 mà thiết bị chỉ là một bộ chảo quay cỡ nhỏ được tút lại từ hàng thanh lý của những Cty lớn hoặc máy trộn bê tông.
Quy định cũng cho phép các cơ sở có thể không cần phòng phân tích, kiểm nghiệm, mà chỉ cần đi thuê. Với các cơ sở SX nhỏ, một lô hàng chỉ 10-20 T, thời gian gửi mẫu phân tích mất khoảng 10 ngày. Chắc không có một cơ sở nào có kiên nhẫn làm vậy, mà việc ký hợp đồng thuê kiểm nghiệm chỉ mang tính đối phó.
Với phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh cũng không có điều khoản nào quy định phải có kho bãi để xử lý, ủ men, phòng nhân giống vi sinh vật… Bởi vậy, ngoại trừ mấy Cty lớn thì sản phẩm của những Cty nhỏ chỉ là mua than bùn về trộn vôi, xay nhuyễn rồi đóng bao. Việc than bùn không qua xử lý, hoạt hóa chẳng khác nào melamin trong sữa, có thể qua mặt được các phòng phân tích nhưng chẳng có lợi lộc gì, thậm chí có hại cho cây trồng.
CHỈ PHẠT NẶNG, CÓ XUÔI?
Trên văn bản, Nghị định 15/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động SXKDPB có hiệu lực từ ngày 13/4/2010 nhưng Cục Hóa chất- Bộ Công thương mới tổ chức 2 cuộc họp phổ biến ở Hà Nội và TPHCM với thành phần tham dự rất “lác đác” với tinh thần “vừa phổ biến vừa nghe góp ý để chỉnh sửa, soạn thông tư hướng dẫn”, trong lúc quan điểm của Bộ NN- PTNT thì cần chờ hướng dẫn của một thông tư liên Bộ.
Trong lúc 2 Bộ chủ quản đang lúng túng thì lực lượng quản lý thị trường một số địa phương đã áp dụng ngay, những cuộc mặc cả mức phạt đã tăng sức nóng. Các DN hiện nay đang rỉ tai nhau – Giống như giao thông, phải chạy để người ta không lấy mẫu, còn khi đã lấy mẫu phân tích thì thế nào cũng “dính”.
Với giao thông, vừa qua Hà Nội và TPHCM được áp dụng thí điểm mức phạt tăng nặng. Ghi nhận qua 1 tuần cho thấy, việc áp dụng mức phạt mới có giảm được nạn ùn tắc giao thông, tuy nhiên không giảm được số vụ tai nạn. Tương tự, muốn dẹp được nạn phân giả, phân kém chất lượng thì phải có một hạ tầng kỹ thuật và quản lý tốt. Trên con đường lưu thông phân bón hiện nay có quá nhiều người, người đi xe hơi bạc tỷ cùng chen lấn với ba gác, xích lô, xe thồ, xe đạp. Nếu có những quy chuẩn để cho các nhóm người đó có sân chơi riêng, giảm mật độ, không chen lấn nhau cùng với việc minh bạch áp dụng những mức phạt xứng đáng thì mới mong hạn chế dần vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng.
MỘT SỐ PHÂN BÓN QUÁ TỆ
1) Cty Phân bón Nông nghiệp (Thủ Dầu Một – Bình Dương)
Sản phẩm | Kiểm tra tại | Chất lượng công bố | Chất lượng phân tích |
NPK | Lâm Đồng | N-P-K: 14-8-6 | N-P-K: 10,7-2,4-4,8 |
NPK + TE | Long An | N-P-K-SiO2: 30-1-0-23 | N-P-K-SiO2: 25,3-0-0-25 |
Bến Tre | N-P-K-SiO2: 30-1-0-23 | N-P-K-SiO2: 26,6-1,8-0,063 |
2) Cty Việt Tranh Đề (Quận 1- TP HCM)
Phân lân IndoGuano | An Giang | P2O5: 16% | 2,5% |
Vĩnh Long | P2O5: 16% | 13,3% |
3) Cty Phân bón Lạc Hồng (Thủ Dầu Một – Bình Dương)
NPK | Bà rịa Vũng tàu | N-P-K: 16-16-8-13S | N-P-K: 15,5-8,06-6,7 |
NPK+TE | Bà rịa Vũng tàu | N-P-K: 20-20-15+TE | N-P-K: 14,5-9,9-17,3 |
Long An | N-P-K: 20-20-15+TE | N-P-K: 18-10,8-10,4 |