Điện, than, xăng dầu đồng loạt xin tăng giá

01:28 CH @ Thứ Tư - 12 Tháng Giêng, 2011

Những “ông lớn” như điện, than và xăng dầu vừa có kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Công thương để xin phép tăng giá. Lý do là mới mức giá cũ, việc sản xuất kinh doanh của họ đang lỗ nặng.

Trong buổi họp tổng kết ngành công thương năm 2010, cả Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Cty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đều đồng loạt lên tiếng kêu về việc cả hai ngành này đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí lỗ nặng trong năm 2010.

Cụ thể, TGĐ TKV Trần Xuân Hoà cho biết, năm 2010, ngành than đã nỗ lực hết sức để cung ứng đủ cho sản xuất kinh doanh, cho các ngành khác và đảm bảo XK. Thế nhưng giá bán than cho điện, giá bán than cho xi măng và một số ngành khác hiện thấp hơn nhiều so với giá XK. Theo ông Hòa thì thời gian qua, chỉ vì bán than dưới giá thành cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mà TKV đã phải bù lỗ khoảng 3.000 tỷ đồng. Và nếu năm 2011 này, chỉ sản xuất ít, lại không được tăng giá thì ngành than sẽ lỗ tới 5.800 tỷ đồng. Vì vậy, TKV kiến nghị Chính phủ cho phép tập đoàn này tăng giá bán trong năm nay. Trước đó, hồi tháng 11 năm 2010, TKV đã có văn bản đề xuất việc tăng giá bán than vào 4 hộ tiêu thụ lớn là điện, xi măng, giấy, phân bón kể từ đầu năm 2011.

Không riêng gì than, xăng dầu cũng đã lên tiếng kêu lỗ khi lãnh đạo DN cho hay, ở thời điểm này, kinh doanh xăng, dầu lỗ khoảng 2.400 đồng mỗi lít. Năm 2010, 2 lần điều chỉnh tỷ giá khiến Petrolimex lỗ hơn 700 tỷ đồng. Vị lãnh đạo Petrolimex kiến nghị, nếu không áp dụng kinh doanh xăng dầu theo giá thị trường thì áp lực bù lỗ cho xăng dầu là rất lớn.

Chưa hết, ngay sau khi các “ông lớn” là than và xăng dầu cùng lên tiếng kêu lỗ và nhấp nhổm đòi tăng giá thì ngày 10/1/2011, trong cuộc tổng kết năm 2010 của EVN, tập đoàn này cũng kêu lỗ và lập tức đưa ra kiến nghị cần tăng giá bán điện theo cơ chế thị trường.

Ngoài những lý do như EVN đã từng đưa ra là hạn hán, mùa khô khiến nước về các hồ thuỷ điện thiếu, lãnh đạo EVN còn đưa ra một lý do nhằm thuyết phục cho mục đích tăng giá của mình, đó là: EVN đang phải sản xuất và mua điện từ các nguồn có giá cao, trong khi giá bán điện chưa được điều chỉnh đã và đang gây sức ép rất lớn. Cụ thể, theo ông Đào Văn Hưng - Chủ tịch hội đồng thành viên EVN, năm 2010 vừa qua, tổng cộng ngành điện đã lỗ khoảng 8.000 tỷ đồng do phải huy động nguồn điện giá cao vào mùa khô để giảm thiếu hụt điện năng do các nhà máy thủy điện thiếu nước. Ngoài khoản lỗ lớn đó, EVN còn đang cõng thêm gánh nặng trên 10.000 tỷ đồng do các khoản nợ, các nghĩa vụ tài chính... tăng do tỷ giá thay đổi. Tổng các khoản này lên tới 24.000 tỷ đồng. Và để huy động được vốn, cũng như để bù lỗ cho năm qua, theo EVN thì tăng giá điện là “biện pháp tốt nhất và mang tính khả thi nhất”.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, dù ngành điện kêu thiếu điện, kinh doanh lỗ vốn, song ngành này vẫn chưa có giải pháp phù hợp để phát triển lưới điện, đầu tư các công trình hiệu quả cũng như đề nghị các đơn vị sản xuất kinh doanh sử dụng tiết kiệm. Còn việc than, xăng dầu và một số ngành công nghiệp quan trọng đang xin phép tăng giá đầu ra, Chính phủ sẽ xem xét và có quyết sách phù hợp, trên cơ sở cân nhắc các yếu tố lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Như vậy, có thể thấy rằng, lý do để tăng giá than, giá điện, hay giá xăng dầu mà các “ông lớn” đưa ra nhìn qua thì có thể thấy hợp lý, vì ai cũng có cái lý của mình. Song, nhiều ý kiến cho rằng, liệu khi giá điện, than, xăng dầu… đã tăng, người dân có được hưởng quyền lợi xứng đáng với những đồng tiền mình bỏ ra hay không? Bởi nhìn lại trong năm vừa qua, những hệ luỵ từ việc tăng giá của các ngành đã khiến đời sống người dân khốn khó. Chỉ riêng với “tính đỏng đảnh” của “ông nhà đèn” khi để xảy ra tình trạng thiếu điện triền miên, thì liệu việc tăng giá có thực sự làm khách hàng thỏa mãn?

Nguồn: