Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu việc điều chỉnh thuế xuất khẩu phân bón phải đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 376/TB-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về một số nội dung dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan (dự thảo Nghị định).
Qua báo cáo của Bộ NN-PTNT, Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ,... đại diện các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, quá trình xây dựng dự thảo Nghị định có phát sinh vướng mắc đến nay chưa được các cơ quan thống nhất, trong đó nổi cộm là vấn đề thuế xuất khẩu phân bón.
Trong đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương bổ sung, làm rõ các đánh giá tác động tổng thể, qua đó, thống nhất việc điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu các mặt hàng phân bón, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân, không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phù hợp, xác đáng để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định theo quy định, trình Chính phủ trước ngày 22 tháng 12 năm nay. Về hiệu lực thi hành của dự thảo Nghị định, bảo đảm thực hiện đúng theo cam kết quốc tế trong ASEAN, đồng bộ với các Nghị định về Biểu thuế thực hiện Hiệp định thương mại tự do và đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, trong tháng 10/2022, Bộ Tài chính đề xuất phương án điều chỉnh mức thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón. Cụ thể, đối với các mặt hàng phân bón (urê, phân lân, super lân, DAP, MAP... ) quy định mức thuế xuất khẩu 5%, riêng phân NPK được đề xuất áp mức thuế xuất khẩu 0%.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc không áp thuế xuất khẩu căn cứ vào tỷ lệ tài nguyên khoáng sản, năng lượng như hiện hành rất ưu việt bởi vừa giúp giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan, vừa góp phần giữ lại nguồn phân bón cho nhu cầu sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao, có thể tăng ngân sách từ nguồn phân bón xuất khẩu.
Hiệp hội này cũng cho rằng, đề xuất áp thuế xuất khẩu 5% chỉ ảnh hưởng đến nhóm phân bón NPK (hiện nay đang dư thừa công suất thiết kế), không ảnh hưởng đến phân ure, lân nung chảy vì các loại phân này hiện vẫn đang chịu thuế xuất khẩu 5% do có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng trên 51% giá thành sản phẩm.
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 11/2022, xuất khẩu phân bón đạt trên 94.000 tấn, tương đương 56 triệu USD, giảm 41% về lượng và giảm 36,5% về giá trị so với tháng 10.
Lũy kế 11 tháng năm 2022, xuất khẩu phân bón đạt gần 1,6 triệu tấn với kim ngạch hơn 1 tỷ USD, tăng 34% về lượng và gấp 2,2 lần về kim ngạch so với cùng kỳ. Đây cũng là mức xuất khẩu cao nhất của ngành phân bón đạt được cho đến thời điểm hiện tại.
Tại thị trường trong nước, những tuần gần đây giá nhiều loại phân urê như đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ… giảm từ 30.000 - 50.000 đồng/bao 50kg so với cách nay khoảng 1 tháng. Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL, giá đạm Cà Mau đang bán ở mức 710.000 - 750.000 đồng/bao.
Trong khi đó, giá urê Phú Mỹ, urê Hà Bắc và một số loại urê nhập khẩu từ Trung Quốc dao động 700.000 - 740.000 đồng/bao. Theo chủ nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp, giá urê giảm do nguồn cung dồi dào và sức tiêu thụ chậm. Không chỉ urê, giá một số loại phân DAP, NPK và kali cũng giảm 10.000 - 20.000 đồng/bao.