Góp ý với Bộ Công Thương về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã phản ứng về hàng loạt yêu cầu vô lý trong điều kiện sản xuất phân bón quy định trong khoản 9 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 8 Nghị định 202/2013/NĐ-CP.
Điều kiện sản xuất phân bón: Hàng loạt yêu cầu “vô lý”
Theo quy định tại Dự thảo nghị định sửa đổi thì để được cấp phép sản xuất phân bón, trong các điều kiện DN phải đáp ứng có 4 điều kiện sau: Có địa điểm sản xuất phân bón được cơ quan có thẩm quyền cho phép (khoản 1); Có danh mục máy thiết bị, có hóa đơn mua bán máy thiết bị để chứng minh nguồn gốc (khoản 3); Có bản kê khai loại nguyên liệu, phụ gia đầu vào tương ứng với từng loại phân bón sản xuất, phù hợp với công nghệ sản xuất, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng về nguyên liệu và phụ gia (khoản 6)....
“Đẻ” thêm “giấy phép con”?
Về điều kiện có địa điểm sản xuất phân bón được cơ quan có thẩm quyền cho phép, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, yêu cầu chấp thuận/cho phép về địa điểm sản xuất về bản chất là một loại giấy phép (giấy phép con). Theo pháp luật về đầu tư thì quy định về giấy phép phải bao gồm các nội dung cụ thể về điều kiện cấp phép, trình tự, thủ tục cấp phép.
Trong khi đó, Nghị định lại không có bất kỳ quy định nào về vấn đề này, cụ thể như trình tự, thủ tục nào để được chấp thuận về địa điểm sản xuất? Hồ sơ bao gồm những gì? Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hay từ chối dựa trên tiêu chí nào? Cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này cụ thể là cơ quan nào?....
“Việc thiếu vắng những quy định này không chỉ không bảo đảm yêu cầu của Luật Đầu tư mà còn có nguy cơ lớn tạo dư địa tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN” – văn bản của VCCI gửi Bộ Công Thương nêu rõ.
Hơn nữa, bản thân điều kiện phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về địa điểm sản xuất là chưa hợp lý. Nếu việc cho phép này liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất phân bón gây ra, thì chính sách nên đi theo hướng, quy hoạch về địa điểm sản xuất phân bón ở địa phương và DN chỉ cần xây dựng nhà máy sản xuất phân bón phù hợp với quy hoạch là có thể được cấp phép mà không cần phải trải qua một bước “xin phép” cơ quan có thẩm quyền về địa điểm sản xuất nữa.
Chính vì thế, VCCI đề nghị xem xét bỏ quy định điều kiện này để hạn chế tình trạng “xin – cho”, phát sinh những giấy phép con bất hợp lý, gây khó khăn cho DN.
Quy định thiếu rõ ràng
Đó là nhận định của các chuyên gia về điều kiện “có danh mục máy thiết bị, có hóa đơn mua bán máy thiết bị để chứng minh nguồn gốc”. “Không rõ mục tiêu quản lý nhà nước đối với quy định này là gì? Các máy thiết bị và quy trình công nghệ phải có nguồn gốc như thế nào thì mới đủ điều kiện để được cấp phép?” – các chuyên gia pháp luật của VCCI nói.
Nếu điều kiện này là để bảo đảm máy móc thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng (không sử dụng các loại máy móc cũ nát, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm…) thì đây là quy định không cần thiết, bởi vấn đề này đã được kiểm soát bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đang có (trong các văn bản pháp luật liên quan tới tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật), và cả các quy định khác trong Dự thảo này (ví dụ quy định “máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh theo quy định” tại khoản 3 Điều 8 được sửa đổi).
Hơn nữa, vấn đề về nguồn gốc của máy móc thiết bị hoàn toàn không liên quan gì tới vấn đề về chất lượng máy móc thiết bị nói trên. Cơ quan có thẩm quyền cũng không có căn cứ gì để từ chối máy móc thiết bị vì lý do nguồn gốc (đặc biệt, nếu nguồn gốc này là nước xuất xứ thì vấn đề này thậm chí có thể vi phạm các nguyên tắc chính sách trong thương mại như tối huệ quốc, đối xử quốc gia trong hội nhập).
Vì thế, đây là điều kiện bị yêu cầu hủy bỏ.
Quy định vừa thiếu, vừa thừa
Điều kiện khác cũng bị cộng đồng DN phản ứng, đề nghị hủy bỏ là để được cấp phép sản xuất phân bón, DN phải xuất trình “bản kê khai loại nguyên liệu, phụ gia đầu vào tương ứng với từng loại phân bón sản xuất, phù hợp với công nghệ sản xuất. Có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng về nguyên liệu và phụ gia”. Theo các DN, điều kiện này chưa hợp lý, bởi đây là các vấn đề của sản xuất, tại thời điểm xin cấp phép (tức là chưa có giấy phép, chưa bắt đầu sản xuất) DN không thể kê khai chi tiết tất cả các yếu tố này (đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ cụ thể).
Kể cả, nếu có kê khai dự kiến nguyên phụ liệu đầu vào thì trong quá trình sản xuất những yếu tố này có thể sẽ thay đổi, biến động, vì vậy dù có buộc kê khai thì quy định này cũng sẽ không mang lại hiệu quả quản lý nào cho Nhà nước, nhất là cơ quan quản lý Nhà nước không thể buộc DN sau đó phải kinh doanh theo đúng các vấn đề kê khai, bởi như vậy sẽ là can thiệp vào quyết định kinh doanh của DN, vi phạm quy định về tôn trọng quyền tự quyết của chủ thể kinh doanh quy định trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Hơn nữa, nếu mục tiêu của quy định này là nhằm quản lý chất lượng của phân bón thì quy định hiện tại đã đủ để kiểm soát được sản phẩm phân bón. Bởi, phân bón được xếp vào sản phẩm nhóm 2, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường DN phải công bố hợp quy, đồng nghĩa với việc các sản phẩm được lưu thông trên thị trường đều phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng theo quy định.
Doanh nghiệp có cần phải có phòng thử nghiệm?
Một điều kiện khác được dự thảo đưa ra hai phương án để lựa chọn. Phương án 1, có phòng thử nghiệm, phân tích được công nhận hoặc có thỏa thuận với tổ chức thử nghiệm, phân tích được chỉ định hoặc công nhận và đã đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm, phân tích theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa để quản lý chất lượng. Đến tháng 12/2017, các tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải có phòng thử nghiệm, phân tích được công nhận để đánh giá các chỉ tiêu phân bón do mình sản xuất.
Phương án 2, tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón có chỉ tiêu dinh dưỡng đa lượng phải có phòng thử nghiệm phân tích được các chỉ tiêu dinh dưỡng đa lượng của phân bón do mình sản xuất, sử dụng phương pháp thử phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ sở. Đối với các chỉ tiêu chất lượng khác, tổ chức, cá nhân phải có phòng thử nghiệm, phân tích hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định có phạm vi phép thử được chỉ định phù hợp để quản lý chất lượng sản phẩm.
Như đã phản ánh ở trên, phân bón trước khi đưa ra thị trường DN sẽ bắt buộc phải công bố hợp quy, có nghĩa là các chỉ tiêu phân bón sẽ được phân tích đánh giá bởi phòng thử nghiệm, phân tích được công nhận. Hiện nay, pháp luật cho phép các tổ chức chứng nhận sự phù hợp thực hiện hoạt động chứng nhận hợp quy, do đó, DN không cần thiết phải có phòng thử nghiệm, phân tích riêng mà có thể sử dụng dịch vụ do các tổ chức chứng nhận sự phù hợp cung cấp.
Thậm chí, do thị trường các dịch vụ này hiện nay là tương đối mở, cạnh tranh cao (nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ), không cần thiết phải có thỏa thuận trước giữa người sản xuất phân bón với các tổ chức chứng nhận sự phù hợp, phòng thử nghiệm…, và bất kỳ khi nào có nhu cầu người sản xuất đều có thể có được dịch vụ này.
“Như vậy giải pháp tốt nhất là bỏ điều kiện này. Nếu có lý do giải trình thuyết phục về việc cần giữ điều kiện này thì phương án 1 là phù hợp hơn trong 02 phương án, tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu “đến tháng 12/2017, các tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải có phòng thử nghiệm, phân tích được công nhận để đánh giá các chỉ tiêu phân bón do mình sản xuất” – VCCI góp ý.
Nguồn: baophapluat.vn