"/>"/>

DN xuất nhập khẩu cần thận trọng khi ký kết hợp đồng

01:57 CH @ Thứ Ba - 02 Tháng Mười, 2012

Chuyên gia Nguyễn Gia Hảo cho rằng, nguyên nhân các hợp đồng bị phá vỡ là trước khi ký hợp đồng, DN thực hiện việc điều tra công ty và điều tra thị trường chưa tốt. Thường thì DN chỉ điều tra thị trường hàng hóa mà không điều tra thị trường vận tải, thị trường tiền tệ… Thậm chí, khi ký hợp đồng cũng không biết pháp nhân là ai.

"Tình hình thế giới trong những năm qua có rất nhiều biến động cả về chính trị lẫn kinh tế. Những biến động đó đã tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), nhất là DN xuất nhập khẩu (XNK). Vì vậy, khi ký kết hợp đồng, DN cần xem xét chặt chẽ để tránh bị tổn thất lớn", ông Nguyễn Văn Sự - Nguyên Phó Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh, Luật sư Công ty Luật LCT cho biết.

Ông Nguyễn Gia Hảo - Chuyên gia tư vấn - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng nhận định: "Trong quá trình tham gia xét xử một số vụ kiện giữa các DN nước ta với nước ngoài và giữa họ với nhau, tôi nghiệm ra rằng 60% các vụ tranh chấp là do ký kết hợp đồng không chặt chẽ, không có các phương án xử lý tranh chấp xảy ra…".

Ông Nguyễn Văn Sự cho rằng, sau khi ký hợp đồng, một bên đối tác muốn thoái thác nghĩa vụ thực hiện hợp đồng thường viện vào nhiều lý do. Trong đó, lý do "bất khả kháng" thường được áp dụng nhiều nhất. Để hợp thức hóa việc làm trên, họ đơn phương thay đổi giá cả, chất lượng sản phẩm… nếu "phía bên kia" không đồng ý thì họ không tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Điển hình như trường hợp của Công ty CP Vina vừa khởi kiện ra tòa án, yêu cầu đối tác là Công ty Keytra (DN Thụy Sĩ) phải bồi thường thiệt hại số tiền hơn 43,6 tỷ đồng do hợp đồng bị phá vỡ. Theo đó, Công ty CP Vina ký hợp đồng với công ty Keytra mua 25.000 tấn phân urê với giá 239USD/tấn, xuất xứ hàng hóa từ Nga hoặc Ucraina. Thực hiện hợp đồng, Công ty Vina tiến hành mở L/C tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho lô hàng theo đúng quy định của hợp đồng. Tuy nhiên, gần đến ngày giao hàng, Công ty Vina nhận được thông báo của Công ty Keytra là Keytra trong tình trạng bất khả kháng đối với hợp đồng mua bán phân bón. Lý do là nguồn khí thiên nhiên cho công nghiệp phân bón từ Nga cung cấp cho Ucraina bị ngưng.

Do đó, Keytra không thể cung cấp urê theo hợp đồng đã ký với Vina. Không chấp nhận lý do trên, Công ty Vina yêu cầu đối tác phải nhanh chóng tìm nguồn phân urê của Nga để cung cấp cho Vina theo như hợp đồng. Thế nhưng, sau đó Keytra trả lời là nhà cung cấp phân urê đang trong quá trình khởi động sản xuất trở lại và đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng từ 239 USD/tấn ban đầu lên 345 USD/tấn. Nếu không đồng ý, Keytra sẽ hủy hợp đồng.

Trong khi đó, Vina đã ký hợp đồng với các DN trong nước để bán urê với giá 250 USD/tấn và đã nhận một phần ứng trước của khách hàng. Vina không thể điều chỉnh giá với các DN trong nước nên không thể chấp nhận đề nghị tăng giá của Keytra. Keytra tuyên bố hủy hợp đồng mua bán phân bón với Vina theo điều khoản "bất khả kháng" của hợp đồng. Hậu quả là Vina đã phải bồi thường hợp đồng thiệt hại cho khách hàng trong nước do hợp đồng với đối tác nước ngoài bị phá vỡ.

Ông Nguyễn Gia Hảo cho rằng, nguyên nhân các hợp đồng bị phá vỡ là trước khi ký hợp đồng, DN thực hiện việc điều tra công ty và điều tra thị trường chưa tốt. Thường thì DN chỉ điều tra thị trường hàng hóa mà không điều tra thị trường vận tải, thị trường tiền tệ… Thậm chí, khi ký hợp đồng cũng không biết pháp nhân là ai. Điều kiện thanh toán cũng có nhiều "vấn đề".

Ông Tô Bình Minh - Giám đốc Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC) tại TP Hồ Chí Minh nhận xét: Nhiều DN cho rằng các chi tiết nhỏ trong hợp đồng là không quan trọng nhưng đó là sơ hở của DN. Vì vậy, để tránh rủi ro, ông Minh khuyên các DN cần lưu ý về việc mua bảo hiểm. Nếu không thì đối tác chỉ mua bảo hiểm ở mức tối thiểu hoặc mua bảo hiểm của công ty bảo hiểm nào có giá tốt nhất cho họ mà không cần quan tâm tới uy tín, khả năng tài chính của công ty bảo hiểm đó. Phải mua cả bảo hiểm vận chuyển và bảo hiểm hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Sự cũng khuyến cáo DN, đối tác thường lợi dụng những sơ hở trong hợp đồng để đưa ra điều khoản "bất khả kháng". Vì vậy, khi xây dựng hợp đồng, các DN cần nghiên cứu kỹ, nhất là điều khoản "bất khả kháng" để tránh bị tổn thất.

Tại Việt Nam hiện tồn tại song song hai thể thức giải quyết là giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và giải quyết tranh chấp bằng TAND. Riêng số vụ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chiếm số lượng khá lớn. Từ đầu năm đến nay, VIAC đã thụ lý và đưa ra giải quyết 35 vụ tranh chấp (năm 2010: 63 vụ; 2011: 83 vụ). Trong đó, loại tranh chấp về XNK chiếm đa số.