Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, nhu cầu tiêu thụ hóa chất cơ bản từ các thị trường xuất khẩu của Việt Nam như Trung Quốc và Mỹ dự báo suy giảm đến hết năm 2023.
Điều này khiến giới phân tích nhận định kém lạc quan về hoạt động của doanh nghiệp hóa chất trong thời gian tới.
Phốt pho vàng là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho chất bán dẫn, trong khi đó suy thoái kinh tế kéo theo nhu cầu đối với hàng điện tử và chất bán dẫn giảm, nhu cầu tiêu thu phốt pho vàng cũng giảm theo.
Tổ chức World Semiconductor Trade Statistics dự báo thị trường chất bán dẫn toàn cầu giảm 4% vào năm 2023. Trên cơ sở này, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vndirect ước tính, nhu cầu toàn cầu về phốt pho vàng sẽ giảm 15% vào năm 2023.
Về giá phốt pho vàng đã đạt đỉnh kể từ quý 2/2022 nên dự kiến dao động trong khoảng 4.500-5.000 USD/tấnvào năm 2023.
Dữ liệu của Sàn giao dịch hàng hoá Sunsirs, tính tới ngày 8/3/2023, giá phốt pho vàng thế giới đang giao dịch ở vùng 30.750 nhân dân tệ/tấn, giảm 22,3% so với đỉnh cuối tháng 5/2022 (39.561 nhân dân tệ/tấn) và vẫn tiếp tục xu hướng giảm.
Như Công ty hóa chất cơ bản miền Nam dự kiến sẽ giảm giá bán, đồng thời giảm sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng trong năm 2023, ước tính kết quả kinh doanh mảng này cũng giảm 25% so với năm 2022.
Bên cạnh nhu cầu phốt pho vàng toàn cầu chậm lại vào năm 2023, nhu cầu tiêu thụ một hóa chất cơ bản khác là xút được dự báo cũng chậm lại sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại.
Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng Trung Quốc là quốc gia có công suất sản xuất xút lớn nhất thế giới và sẽ tăng sản lượng xuất khẩu xút sau khi mở cửa trở lại.
Trong khi đó, khả năng sản xuất nội địa chỉ đáp ứng 40- 50% nhu cầu. Sản phẩm xút nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn và cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nội địa.
Theo ghi nhận BVSC, năng lực sản xuất xút toàn cầu chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á, chiếm khoảng 62% công suất sản xuất toàn cầu; trong đó, năng lực sản xuất của Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm khoảng 44% tổng công suất toàn cầu.
Năm 2020, Trung Quốc đã xuất khẩu 1,2 triệu tấn xút, và Việt Nam thuộc Top 10 quốc gia nhập khẩu hóa chất này từ Trung Quốc.
Cùng với đó, sản phẩm xút nội địa chịu áp lực cạnh tranh về giá từ Trung Quốc do thiếu nguyên liệu đầu vào là muối công nghiệp khi chiếm 30% giá thành sản xuất. Nguồn cung muối công nghiệp ở Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng do thời tiết khí hậu thất thường nên sản lượng không ổn định, hạt muối lẫn nhiều tạp chất, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn cho sản xuất hóa chất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra hạn ngạch nhập khẩu muối 80.000 tấn/năm từ năm 2021 để khắc phục tình trạng thiếu muối công nghiệp, trong khi đó Việt Nam nhập khẩu trung bình 400.000-600.000 tấn muối/năm.
Cụ thể, Việt Nam hiện phải nhập khẩu muối công nghiệp từ Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Pakistan với khoảng 70% tổng hạn ngạch nhập khẩu muối.
Theo quan sát của BVSC, doanh nghiệp sản xuất hóa chất trong nước đang phải nhập khẩu phần lớn muối công nghiệp ngoài hạn ngạch với mức thuế suất cao ở mức 60%.
Trong khi đó, hợp đồng giá thường được ký trước 3 tháng nên lợi nhuận ròng của doanh nghiệp hóa chất dự báo bị ảnh hưởng tiêu cực và đi lùi trong năm 2023, nhất là cạnh tranh về giá với các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc ngày càng lớn.
Cùng với đó, khả năng chi phí điện cao hơn trong năm 2023 cũng đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp hóa chất khi chi phí điện năng chiếm 20-30% tổng chi phí sản xuất các loại hóa chất cơ bản.
Chuyên viên phân tích của Vndirect Nguyễn Đức Hảo nhận định, ngành điện Việt Nam sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện nhanh chóng trong giai đoạn 2022-2030 sau mức tăng trưởng GDP dự kiến sẽ cao trong giai đoạn này.
Theo kịch bản phụ tải cao trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, nhu cầu điện sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép cao dự báo là 9,2% trong năm 2023-2030.
Với luận điểm này, Vndirect cho rằng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp hóa chất sẽ giảm trong năm 2023 do chi phí điện tăng và giá bán trung bình thấp hơn.
Tuy vậy, trong dài hạn, doanh nghiệp hóa chất vẫn có yếu tố tăng trưởng nhờ câu chuyện riêng. Như Tập đoàn hóa chất Đức Giang, việc hoàn thành giai đoạn 1 của dự án Chlor-alkali-vinyl (CAV) trong năm 2024 sẽ trở thành động lực tăng trưởng doanh thu chính, đóng góp 25% doanh thu hàng năm.
Tổng Công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã chứng khoán DPM) cũng cho biết, PVFCCo vừa xuất khẩu 19.000 tấn ure Phú Mỹ sang Indonesia. Trong những năm gần đây, PVFCCo chú trọng phát triển thị trường xuất khẩu với số lượng hàng năm tăng cao.
Sản phẩm phân bón của PVFCCo đã được ghi nhận trên bản đồ kinh doanh phân bón quốc tế với các thị trường lớn, khó tính như Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Phillipines…Riêng năm 2022 vừa qua, sản lượng phân đạm ure xuất khẩu của PVFCCo ước đạt trên 190.000 tấn, cao nhất từ trước tới nay.
Trên thị trường niêm yết, đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 3, cổ phiếu DGC của Tập đoàn hóa chất Đức Giang có giá 51.300 đồng, cổ phiếu CSV của Công ty hóa chất cơ bản miền Nam có giá 27.400 đồng, HVT của Công ty hóa chất Việt Trì có giá 49.700 đồng, cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí có giá 33.300 đồng./.