Doanh nghiệp phân bón “mong” được đóng thuế VAT

10:17 SA @ Thứ Ba - 17 Tháng Mười Một, 2020

Theo các chuyên gia, Luật thuế 71 đang làm giá thành phân bón sản xuất trong nước cao hơn giá thế giới 15 USD/tấn, nếu được khấu trừ thuế VAT sẽ kéo giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu.

Từ năm 2015 trở về trước, sản xuất phân bón thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu ra đã giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước có thể cạnh tranh “sòng phẳng” với phân bón nhập khẩu.

Doanh nghiệp phân bón “khổ” vì chính sách thuế!

Tuy nhiên, từ khi Luật số 71/2014/QH13 (Luật 71) ra đời thì phân bón là mặt hàng không chịu thuế VAT nên các doanh nghiệp sản xuất không được khấu trừ, hoàn thuế VAT hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế VAT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón, bắt buộc họ đưa vào giá bán sản phẩm khiến phân bón sản xuất trong nước khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu không chịu thuế.

Do vậy, Bộ Tài Chính đang dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế VAT để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phân bón. Theo đó, chuyển sản xuất phân bón sang đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất 5%.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HOSE - Đạm Cà Mau) cho biết, theo Luật số 71 phân bón sản xuất không được khấu trừ thuế VAT, trong khi mục tiêu của doanh nghiệp là bảo tồn phát triển vốn nên phải hạch toán toàn bộ chi phí này vào chi phí sản xuất làm cho giá thành sản phẩm tăng khoảng 8% và cao hơn giá thế giới khoảng 15 USD/tấn. Vì vậy, đã làm mất lợi thế so với phân bón nhập khẩu vì không bị rào cản thuế và khó xuất khẩu.

“Nếu bây giờ cho phân bón sản xuất trong nước chịu thuế VAT đầu vào 5% như đề suất của Bộ Tài Chính thì theo Luật thuế VAT sẽ được khấu trừ lại 5%, 3% phần còn lại sẽ được cộng vào giá bán, như vậy sẽ giúp cho phân bón sản xuất trong nước cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu. Đó là nói chung, còn riêng với Đạm Cà Mau thì rõ ràng thị trường đang dư cung. Nhu cầu urea trong nước khoảng 1,8 triệu tấn/năm, trong khi năng lực sản xuất của các nhà máy như: Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình, Hà Bắc khoảng 2,4 triệu tấn/năm, bình quân dư ra khoảng 600.000 tấn/năm, chưa kể nhập khẩu.

Chính vì vậy, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần có sự cạnh tranh công bằng với phân bón nhập khẩu, nếu nói hỗ trợ nông dân theo kiểu không chịu thuế và thuế bằng 0% thì 2 vấn đề này khác nhau hoàn toàn. Vì thuế bằng 0% có nghĩa là tất cả hàng hoá, dịch vụ … đầu vào đều được trừ, còn không chịu thuế có nghĩa là không được khấu trừ gì hết và phải cộng hết vào giá bán. Trước đây, rất nhiều đại biểu Quốc hội thông qua Luật thuế 71 vì nghĩ như thế là hỗ trợ nông dân”, bà Hiền chia sẻ.
Cơ hội “vàng” xuất khẩu phân bón

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón tháng 10/2020 đạt 39 ngàn tấn, trị giá 39 triệu USD. Cộng dồn 10 tháng xuất khẩu phân bón đạt gần 100.000 tấn, với kim ngạch là 291 triệu USD, tăng 40,9% về lượng và tăng 26,7% về giá trị so với cùng kỳ 2019.
Lý giải về sự tăng trưởng ấn tượng này theo bà Hiền, đó là nhờ các yếu tố như: giá khí mua để sản xuất phân bón tiệm tiến theo giá dầu nên giá thành rất cạnh tranh. Thứ hai, lũ lụt ở Trung Quốc làm cho các mỏ than của các nhà máy sản xuất urea từ Than ở phía Tây Nam Trung Quốc (giáp với Việt Nam) bị ngập sâu trong nước phải đóng cửa.

Bên cạnh đó, xảy ra chiến tranh thương mại Ấn - Trung Quốc nên Ấn Độ không mua urea của Trung Quốc, trong khi mỗi năm nước này mở thầu nhập khẩu khoảng 32 triệu tấn phân bón. Nắm bắt cơ hội “ngàn năm có một” Đạm Cà Mau tranh thủ xuất khẩu, vì vào năm 2019 do giá thành cao nên Đạm Cà Mau không thể xuất khẩu được.

Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm 2020, Đạm Cà Mau đã xuất khẩu được khoảng 140 nghìn tấn urea, với giá bán dao động từ 230 USD - 260 USD/ tấn, với biên lợi nhuận trên dưới 10 USD/tấn. Các thị trường của Đạm Cà Mau là những nước thuộc khu vực châu Á, điều kiện địa lý gần phí vận chuyển thấp, như Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh, Lào và Campuchia.

11/11/2020, Đạm Cà Mau chính thức cán mốc sản lượng sản xuất 800,19 nghìn tấn ure quy đổi và về đích sớm 51 ngày so với kế hoạch. Dự kiến đạt kỷ lục 895,15 nghìn tấn urea quy đổi vào ngày 17/12 tới, nâng tổng sản lượng cả năm là 922 nghìn tấn. Ghi tên Top 10 nhà máy có hiệu quả hoạt động tốt nhất thế giới do Nhà bản quyền Haldor Topsoe đánh giá.

Theo các chuyên gia, Luật thuế 71 đang làm giá thành phân bón sản xuất trong nước cao hơn giá thế giới 15 USD/tấn, nếu được khấu trừ thuế VAT sẽ kéo giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu, từ đó giúp phân bón trong nước phát triển tiến đến đẩy mạnh xuất khẩu. Khi đó, không chỉ tiết kiệm lượng lớn ngoại tệ nhập khẩu phân bón mà còn mang ngoại tệ về từ việc xuất khẩu phân bón, tạo sân chơi bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu mà nguồn thu ngân sách lại không bị giảm.

Nguồn: Nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/