Chính sách miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các doanh nghiệp phân bón được kỳ vọng giúp nông dân được tiếp cận với nguồn phân bón giá rẻ, chất lượng. Nhưng khi áp dụng vào thực tế, việc miễn thuế lại có tác dụng ngược: Doanh nghiệp phải đóng thuế nhiều hơn, giá phân bón cao hơn và cả nông dân, doanh nghiệp đều không được lợi. Nhiều đơn vị kiến nghị sửa đổi quy định này để được nộp thuế.
Doanh nghiệp và người dân đều chịu thiệt
Trong những năm qua, Chính phủ có chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. Đây là một trong những chủ trương quan trọng giúp Chính phủ điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế năm 2014 (Luật 71) tưởng chừng sẽ giúp người nông dân mua được phân bón rẻ hơn, nhưng thực tế hơn 4 năm qua lại gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như nông dân cả nước.
Cụ thể, dù doanh nghiệp không phải chịu thuế GTGT, nhưng sẽ phải chịu toàn bộ thuế đầu vào. Vì thuế đầu vào luôn cao hơn, nên chi phí đó doanh nghiệp sẽ phải hạch toán vào chi phí sản xuất, giá thành sẽ đội lên, sản phẩm không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu và đặc biệt là người nông dân không được hưởng giá bán thấp nhất. Theo Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Đình Hạc Thúy, số liệu mà Hiệp hội Phân bón thu thập được, sau khi Luật 71 có hiệu lực, giá trung bình các loại phân đạm tăng 6,7 - 7%, supe lân tăng 5,9 - 6,2%, DAP tăng 7,0 - 7,3%, NPK tăng 5,0 - 5,5%, lân nung chảy tăng 6,0 - 7,0%.
Miễn thuế - tưởng như có lợi lại làm cho doanh nghiệp phân bón chịu thêm nhiều sức ép từ cải thiện năng lực cạnh tranh và không có tác dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Việc toàn bộ thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp không được khấu trừ, dẫn đến chi phí sản xuất tăng lên rất nhiều, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước không những không thể đầu tư mở rộng sản xuất mà còn phát sinh thiệt hại về tài chính. Nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải cắt giảm công suất và giảm giá sản phẩm tối đa để cạnh tranh. Tại nhiều doanh nghiệp đang xây dựng nhà xưởng, đổi mới, nâng cấp dây chuyền thiết bị, công nghệ... phân bón có giá bán bình quân tăng 8 - 9% bởi không được khấu trừ thuế GTGT với nguyên vật liệu đầu vào, máy móc thiết bị...
Cũng theo ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Luật 71 còn trở thành rào cản lớn trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về chiến lược phát triển phân bón và phân bón hữu cơ công nghệ cao trong nước. Trong khi doanh nghiệp trong nước giảm lợi nhuận để kìm giá phân bón thì lượng phân bón nhập khẩu tăng dần từng năm, nguyên nhân là giá các mặt hàng phân bón trên thế giới đều giảm bởi giá nguyên liệu đang ở mức thấp, giá than, giá khí đều thấp, khiến giá phân bón nhập khẩu giảm trung bình 10 - 20% (urê giảm 21,25%, DAP giảm 15%, kali giảm 10%...). Thêm nữa, phân bón nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do (thuế nhập khẩu giảm xuống chỉ còn 11%, thuế GTGT cũng chỉ còn 6%).
Đóng thuế để có động lực tăng trưởng
Không ít doanh nghiệp lo ngại, chính sách thuế VAT như hiện tại sẽ khiến ngành phân bón kinh doanh đi giật lùi, vì doanh nghiệp không muốn đầu tư; càng đầu tư hiện đại, giá thành càng cao, khả năng thu hồi vốn thấp, trong khi chi phí đầu tư tính vào giá thành sản phẩm, doanh nghiệp gặp khó trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Chính sách thuế GTGT hiện nay lại khiến chi phí doanh nghiệp tăng lên, nhưng nguồn thu Nhà nước lại giảm đi, không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới trong sản xuất, dễ dẫn tới bị lạc hậu trong thời cách mạng công nghiệp 4.0.
Trên thế giới, rất nhiều nước quy định thuế VAT ở mức cao đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón. Chẳng hạn, tại Pháp đang áp dụng thuế VAT với phân bón là 20%, còn Na Uy là 25%... Những kiến nghị sửa đổi Luật 71 cho phù hợp với tình hình thực tế là việc làm cần thiết để gỡ khó chính sách thuế VAT cho phân bón. Đây cũng là yếu tố quan trọng để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đầu tư công nghệ mới, sản xuất các loại phân bón chất lượng cao, chủ động nguồn cung trong nước với giá thành hợp lý.
Mới đây, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ thay đổi chính sách thuế VAT với phân bón là áp mức 5%, thay vì phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế như hiện tại. Việc thay đổi này sẽ giúp cho nhiều bên có lợi: doanh nghiệp có động lực thúc đẩy sản xuất phân bón chất lượng cao, phân bón hữu cơ, giảm giá thành sản phẩm; nông dân được sử dụng sản phẩm chất lượng tốt, giá thành phải chăng; ngân sách nhà nước có thêm khoản thu thuế từ khối doanh nghiệp phân bón.
Nghịch lý xin được đóng thuế VAT của doanh nghiệp phân bón Việt Nam thực chất là nhu cầu thiết thực để doanh nghiệp ngành này có thêm động lực tăng trưởng trong dài hạn, đầu tư công nghệ để phát triển tốt hơn, đem lại lợi ích cho nông dân. Thực tế, từ tháng 8.2017, Bộ Tài chính từng đưa ra định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và dự thảo Luật sau đó đã quy định thuế suất cho sản phẩm phân bón là 5%, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua do còn một số vướng mắc. Trong bối cảnh khó khăn của ngành phân bón, việc sửa đổi Luật Thuế GTGT được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp sản xuất và quyền lợi của người nông dân trước sức ép cạnh tranh từ phân bón nhập khẩu.
Nguồn: Daibieunhandan.vn