Doanh nghiệp phân bón trong “vòng xoáy” khó khăn của thị trường

04:56 CH @ Thứ Năm - 15 Tháng Mười Hai, 2022

Mặc dù đang có kết quả sản xuất kinh doanh tốt, song ngành phân bón trong nước vẫn đối mặt trước nhiều khó khăn, thách thức.

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, với dân số khu vực nông nghiệp chiếm trên 50%, đất canh tác, đất rừng chiếm 60% tổng diện tích cả nước. Vì thế nhu cầu tiêu thụ phân bón của Việt Nam vẫn tăng cao và đối với các doanh nghiệp đầu ngành tình hình kinh doanh vẫn tốt. Các kênh phân phối phổ biến nhất trong nước bao gồm hệ thống nhà phân phối, hệ thống công ty khu vực và các đại lý thu mua ủy quyền.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp phân bón nói chung vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cả về mặt khách quan lẫn chủ quan. Trong đó có cả khó khăn về quản lý, chính sách cần được tháo gỡ để ổn định thị trường, tạo sự bứt phá cho ngành phân bón nội nói chung và Phân bón Bình Điền nói riêng.

Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón.

Thực tế, phân bón là đặc thù ngành hàng vật tư nông nghiệp, sản lượng lớn, sử dụng nguồn nhân lực lớn, từ cung ứng nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra đều có tính liên kết chuỗi cao. Nên kể từ khi  dịch bệnh COVID-19 xảy ra, cũng như sự đứt gãy thị trường thế giới đã và đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón.

Theo đó, Việt Nam là đất nước hội nhập toàn diện nên cũng phải theo quy luật tất yếu của giá cả thị trường. Khi giá cả thế giới, trong đó có cả giá phân bón tăng hay giảm đều lập tức phản ánh vào thị trường trong nước và mức giá hiện nay trên thị trường nội địa được cho là vẫn còn rất cao so với giá của 2 năm trước.

Không chỉ dừng lại ở đó, bất kỳ sự phát triển nào cũng có hai mặt của nó và mặt trái của sự phát triển của thị trường phân bón đó là xuất hiện trên thị trường quá nhiều loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng hoặc vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa khiến nông dân cảm thấy hoang mang trong việc chọn mua phân về bón cho cây trồng.

Chính sự cạnh tranh thị phần phân bón trong nước ngày một tăng, thậm chí có sự cạnh tranh không lành mạnh, có sự lẫn lộn, mập mờ về chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm môi trường, mà còn gây thiệt hại nặng nề đến đời sống kinh tế của người nông dân. Người nông dân đang trong tình cảnh “một cổ hai tròng”, nghĩa là vừa phải chịu tác động từ việc giá phân bón tăng cao, vừa phải đối mặt với nạn phân bón giả.

Dây chuyền sản xuất phân bón Bình Điền.

Đáng chú ý, khoảng 2 năm qua, nông dân Việt luôn rơi vào khó khăn vì chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao như: Chi phí nhân công chiếm khoảng 25%, chi phí các loại thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 22% và chi phí về giống cùng các loại chi phí khác... Trong khi giá cả nông sản rớt thê thảm vì nhiều lý do khiến nhiều nông dân rơi vào khó khăn, thua lỗ, phải bỏ vụ. Đây cũng là một thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất phân bón nói riêng.

Đó là chưa kể, ngoài các vi phạm trên thị trường phân bón Việt Nam nói trên, còn có các vi phạm khác như vi phạm về Đăng ký kinh doanh, vi phạm về Hợp đồng, hóa đơn và vi phạm về giá, buôn lậu, trốn thuế…

Mặt khác, một số chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước đối với ngành phân bón không chỉ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mà cả nông nghiệp, nông dân vào thế khó khăn.

Vấn đề bất cập trong chính sách ở đây đó là: Vì sao các doanh nghiệp nhà nước bình ổn giá bán phân bón do mình sản xuất, thì giá phân bón đến tay nông dân vẫn không hề thấp?

Nguyên nhân là việc đưa mặt hàng phân bón từ đối tượng chịu thuế VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế (theo Luật Thuế 71, từ năm 2014) đã khiến giá phân bón tăng lên 5-8% do doanh nghiệp phải hạch toán chi phí vào giá bán. Điều này khiến chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên đáng kể, đồng thời khiến doanh nghiệp bị giảm sức cạnh tranh với phân bón ngoại ngay trên sân nhà. Và một khi chi phí sản xuất đầu vào đang ngày càng tăng cao, cầu trong nước thì giảm mạnh, lại kém cạnh tranh với sản phẩm ngoại thì hàng tồn kho sẽ càng nhiều.

Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, yếu tố quyết định đến biến động giá phân bón ở thị trường trong nước là phụ thuộc vào giá bán phân bón thế giới, mối quan hệ cung - cầu, cùng yếu tố đặc thù của phân bón là mùa vụ và chi phí để sản xuất phân bón. Thời gian qua, giá phân bón thế giới đã tăng cao lên mức kỷ lục, trong khi chi phí nguyên nhiên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển cũng tăng mạnh, doanh nghiệp buộc phải đẩy giá bán để bù lại chi phí. Mặt khác, nguồn cung thế giới hạn chế trong khi nhu cầu phân bón hầu như được giữ ổn định cũng đẩy giá phân bón tăng lên.

Lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng nhận định, diễn biến phức tạp của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đã khiến giá dầu tăng cao, dẫn đến giá các nguyên liệu đầu vào chính của các sản phẩm phân bón tăng đột biến, đặc biệt là lưu huỳnh (S) và ammoniac (NH3). Các chi phí đầu vào có tác động mạnh, đã đẩy giá thành sản xuất phân bón DAP, Ure, NPK tăng rất cao dẫn đến giá bán cao.

“Tuy giá phân bón trong nước vẫn đang cao hơn so với thời gian trước đây nhưng vẫn còn rẻ hơn rất nhiều so với mặt bằng chung thế giới, khi giá thế giới đang neo ở mức rất cao. Giá urê tại Việt Nam so với thế giới hiện đang chênh nhau khoảng 5 triệu đồng/tấn”, ông Bùi Thế Chuyên nói.

Trong khi đó, ông Ngô Văn Đông, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cũng khẳng định: “Việc áp dụng thuế xuất khẩu 0% hoặc 5% dành cho phân bón NPK không có sự khác biệt trong thủ tục hành chính về xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm, do tỷ lệ này trong sản phẩm NPK rất thấp chưa có sản phẩm nào vượt tỷ lệ 51%”.

Có thể nói, đây là những thực trạng, thách thức hiện nay của ngành phân bón trong nước đang phải đối diện và phải tìm cách vượt khó. Và để các chính sách về nông nghiệp, nhất là chính sách bình ổn giá phân bón của Chính phủ thực sự mang lại lợi ích cho người nông dân thì các cơ quan quản lý, nhà sản xuất còn rất nhiều việc phải làm.