Doanh nghiệp sản xuất DAP cam kết ưu tiên tiêu thụ trong nước

11:39 SA @ Thứ Hai - 15 Tháng Ba, 2021

Làm việc với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) sáng 13/3, lãnh đạo 3 doanh nghiệp sản xuất DAP cam kết, ưu tiên tối đa sản phẩm làm ra cho thị trường nội địa.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Phân bón Việt Nam cùng các doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước sáng 13/3. Ảnh:Nguyên Huân.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Phân bón Việt Nam cùng các doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước sáng 13/3. Ảnh: Nguyên Huân.

DAP tăng giá không phải do thuế tự vệ

Với sự tham dự của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cùng các cơ quan báo chí, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam có văn bản gửi Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công thương, Chính phủ kiến nghị tạm thời dừng áp thuế tự vệ phân bón DAP nhập khẩu trước việc giá phân bón DAP thế giới tăng mạnh và có dấu hiệu khan hiếm.

Ngay sau đó, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương ngay lập tức làm việc với các đơn vị liên quan, Bộ NN-PTNT và có thông báo khách quan khẳng định, việc giá phân bón DAP cùng nhiều loại phân bón khác tăng do khách quan thị trường thế giới tăng. Việc giá DAP tăng không phải nguyên nhân do áp thuế phòng vệ, bởi các mặt hàng khác không áp thuế giá cũng tăng tương tự.

Làm rõ câu hỏi về công suất thiết kế và năng lực sản xuất thực tế của các nhà máy DAP trong nước, ông Vũ Văn Bằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP Vinachem (DAP Đình Vũ) cam đoan và chịu trách nhiệm với số liệu công bố như sau.

Năm 2020, DAP Đình Vũ sản xuất được trên 207.000 tấn DAP/tổng công suất thiết kế của nhà máy là 330.000 tấn. Nhưng riêng quý 1/2021, DAP Đình Vũ đã đạt sản lượng sản xuất bằng 150% cùng kỳ 2020, khi bình quân mỗi tháng cung ứng ra thị trường 25.000 tấn DAP các loại. Quý 2/2021, DAP Đình Vũ tiếp tục đặt mục tiêu duy trì sản lượng xung quanh 70.000 tấn.

Về giá bán, ông Vũ Văn Bằng cho biết, DAP Đình Vũ có hội đồng giá nên giá luôn được cập nhật công khai, minh bạch, khách quan. Trong đó, tháng 1/2021 giá DAP Đình Vũ tại nhà máy trên 8,2 triệu đồng/tấn, tháng 2 là trên 8,6 triệu đồng/tấn và dự kiến giá trung bình tháng 3 là 9,3 triệu đồng/tấn.

Nếu cộng thêm cước vận chuyển, bố xếp giá DAP Đình Vũ đến TP. HCM khoảng hơn 10 triệu đồng/tấn và đến tay bà con nông dân xuang quanh 11 triệu đồng/tấn. Việc giá DAP Đình Vũ tăng theo ông Vũ Văn Bằng là do khách quan bởi giá lưu huỳnh và ammoniac từ đầu năm 2021 đến nay tăng đột biến. Chỉ từ tháng 11/2020 đến tháng 2/2021, giá lưu huỳnh về đến các nhà máy sản xuất DAP đã tăng gấp hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn lên 208 USD/tấn, tương đương với mức tăng 113 USD/tấn. Giá amoniac tăng 31,4%, tương đương với mức tăng 102 USD/tấn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá phân bón DAP trong nước tăng mạnh do yếu tố khách quan gần đây, ông Vũ Văn Bằng cam kết, DAP Đình Vũ sẽ tăng công suất và năng lực sản xuất lên tối đa, giảm, hoãn tiến độ xuất khẩu để ưu tiên tối đa thị trường trong nước, đặc biệt là khu vực phía Nam.

Ông Vũ Văn Bằng (đứng), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP Vinachem cam kết sản xuất hết công suất và ưu tiên tối đa sản phẩm DAP Đình Vũ cho thị trường nội địa. Ảnh:Nguyên Huân.
Ông Vũ Văn Bằng (đứng), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP Vinachem cam kết sản xuất hết công suất và ưu tiên tối đa sản phẩm DAP Đình Vũ cho thị trường nội địa.

Giá bán DAP Lào Cai tại kho nhà máy hiện 9,7 triệu đồng/tấn với hàng không màu và 9,9 triệu đồng/tấn với hàng có màu. Cộng thêm chi phí vận chuyển, giá DAP Lào Cai vào miền Nam cũng tương tự DAP Đình Vũ khi đến tay nông dân.

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, kinh nghiệm các năm trước cho thấy, do sản xuất phân bón tại Việt Nam mang tính thời vụ, từ tháng 5 trở đi nhu cầu suy giảm mạnh. Thực tế, DAP Lào Cai mới chỉ có đơn hàng đến tháng 4, từ tháng 5 trở đi chưa có. Hơn nữa, tỷ trọng xuất khẩu của DAP Lào Cai hàng năm chiếm khoảng 17 -18%/tổng lượng sản xuất, nhưng đến thời điểm này doanh nghiệp đã tạm dừng tất cả các đơn hàng xuất khẩu mới để ưu tiên phục vụ thị trường trong nước.

Còn ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cho biết, DAP và MAP của Đức Giang hiện có sản lượng 100.000 tấn/năm và đang phấn đấu nâng công suất lên 150.000 tấn trong thời gian tới. Từ năm 2020, Đức Giang đã tạm dừng toàn bộ mọi đơn hàng xuất khẩu axit để giữ lại sản xuất DAP, MAP phục vụ thị trường nội địa.

Ông Đào Hữu Duy Anh khẳng định, DAP tăng giá không phải do áp thuế tự vệ mà chủ yếu do thị trường DAP thế giới tăng. Đặc biệt, Trung Quốc đang đẩy mạnh trồng ngô để phục vụ nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho tái đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi nên nhu cầu phân bón cho cây ngô tăng mạnh đột biến.

Ủng hộ duy trì thuế phòng vệ

Theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện có hai luồng quan điểm về chính sách thuế tự vệ DAP và MAP, trong đó một bên đề nghị tạm hủy và một bên đề nghị tiếp tục duy trì.

Cũng theo ông Phùng Hà, các căn cứ để áp thuế hoặc bỏ thuế tự vệ theo quy định và thông lệ quốc tế là mặt hàng đang áp thuế các doanh nghiệp trong nước sản xuất có vượt quá 50% trên tổng nhu cầu tiêu thụ. Từ khi áp thuế tự vệ doanh nghiệp có lãi chưa. Bản thân doanh nghiệp có chủ động cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất để hạ giá thành sản phẩm cạnh tranh với hàng nhập khẩu hay không?.

Với số liệu 3 doanh nghiệp sản xuất DAP cung cấp, có thể khẳng định sản lượng DAP trong nước sản xuất ra năm 2021 sẽ dao động 500.000 - 600.000 tấn, tức tối thiểu đều trên 50% tổng sản lượng nhu cầu DAP tiêu thụ hàng năm của Việt Nam (800.000 - 1 triệu tấn/năm).

Sau khi áp thuế tự vệ, ông Vũ Văn Bằng cho biết, DAP Đình Vũ đã có lợi nhuận, nhưng rất thấp, chỉ trung bình 10 - 20 tỷ đồng/năm. Còn phía DAP Lào Cai vì lí do chi phí tài chính cao, giá DAP từ năm 2020 trở về trước xuống thấp nhất trong lịch sử nên DAP lào Cai chưa khi nào có lãi từ khi đi vào hoạt động đến nay.

Tuy nhiên, năm 2021 này DAP Lào Cai cho biết đã tiết giảm chi phí sản xuất nên giá thành sản xuất giảm được từ 600.000 - 1 triệu đồng/tấn DAP, dự kiến năm 2021 sẽ giảm lỗ so với năm 2020 được trên 100 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước đồng lòng cam kết ưu tiên tối đa sản phẩm làm ra phục vụ thị trường nội địa. Ảnh:DDV.

Đứng trên quan điểm quản lí nhà nước, ông Hoàng Trung nhấn mạnh, không chỉ Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng vậy, khi một mặt hàng trong nước tự sản xuất được, đều phải có chính sách bảo vệ hợp lí để duy trì sự chủ động, ổn định và thực tế hiện nay cho thấy DAP trong nước đang làm rất tốt vai trò điều tiết khi giá đang thấp hơn rất nhiều giá DAP nhập khẩu.

“Cục Bảo vệ thực vật và Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục ủng hộ việc duy trì thuế tự vệ DAP và coi đây là cơ hội để nâng cao năng suất, năng lực và chất lượng mặt hàng DAP trong nước. Không có lí do gì mà chúng ta đầu tư nhà máy hàng trăm tỷ từ thuế của dân để sản xuất phục vụ người dân giờ lại không cố gắng để nhà máy hoạt động hiệu quả”. Cục trưởng Hoàng Trung chia sẻ.

Không chỉ DAP mà theo Cục trưởng Hoàng Trung, tới đây nhiều mặt hàng khác cũng cần phải xem xét để có chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Một đất nước nông nghiệp lớn như Việt Nam không được để phụ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp nhập khẩu.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, sẽ có báo cáo Bộ NN-PTNT để kiến nghị Chính phủ một loạt giải pháp bình ổn thị trường phân bón trong nước. Trong đó, đầu tiên là tăng cường năng lực sản xuất lên lên mức tối đa. Nếu có thể, đề nghị tạm dừng xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước. Đặc biệt ưu tiên DAP cho miền Nam và ĐBSCL bởi đây là thị trường tiêu thụ trọng điểm của mặt hàng DAP.

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng yêu cầu các doanh nghiệp DAP cần chủ động cung cấp thông tin, giá bán chuẩn xác, minh bạch, kịp thời tránh thông tin bị bóp méo, sai lệch, tạo điều kiện cho việc đầu cơ tích trữ, đẩy giá lên, té nước theo mưa.

Về góc độ chuyên môn, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản đề nghị các địa phương, Sở NN-PTNT hướng dẫn sử dụng phân bón hiệu quả tiết kiệm. Tăng cường thay thế sử dụng các loại phân bón khác, đặc biệt là phân hữu cơ để giảm áp lực cho phân bón DAP.

Trả lời câu hỏi về việc phía Vinacam có đề nghị mua 15.000 tấn DAP Đình Vũ và 15.000 tấn DAP Lào Cai đầu tháng 3/2021 nhưng không được đáp ứng, ông Vũ Văn Bằng cho biết doanh nghiệp chỉ đáp ứng được cho phía Vinacam 2.000 tấn/tháng, bởi vẫn phải chia sẻ hàng cho các đại lí cấp 1 truyền thống gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp từ hàng chục năm qua. Ngoài ra, phía DAP Đình Vũ cũng tránh việc bán lượng lớn DAP cho một đối tác đề phòng nguy cơ găm hàng, thổi giá.

Đồng tình với quan điểm này, lãnh đạo DAP Lào Cai rất hoan nghênh một khách hàng mới và tiềm năng như Vinacam. Tuy nhiên, do Vinacam là đối tác mới, trong quá khứ chưa từng tiêu thụ bất cứ một tấn phân bón DAP nào cho Lào Cai nên DAP Lào Cai phải sau khi cân đối, hài hòa lợi ích các đại lí truyền thống mới có thể cung cấp hàng cho Vinacam từ tháng 4 tới.

Nguồn: