Doanh nghiệp Cao su – Săm lốp trước cơn “bão giá”

03:37 CH @ Thứ Năm - 03 Tháng Ba, 2011

Tỷ giá tăng, các mặt hàng thiết yếu không ngừng leo thang khiến chi phí của doanh nghiệp bị đội lên cao. Với tỷ trọng xuất khẩu cao hơn nội địa, các doanh nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên đón nhận thông tin trên một cách khá nhẹ nhàng. Trong khi đó, trước áp lực trên, tăng giá đầu ra và ưu tiên bảo toàn vốn là lựa chọn hiện nay của doanh nghiệp ngành săm lốp.

Cao su thiên nhiên: Tăng tỷ trọng xuất khẩu.

Có thể thấy, các doanh nghiệp ngành cao su thiên nhiên trong năm qua đón mùa bội thu về giá, nay tỷ giá tăng cao càng kích thích các doanh nghiệp này đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thái Bình, người công bố thông tin của CTCP Cao su Tây Ninh (HOSE: TRC) cho biết, khi tỷ giá tăng, công ty sẽ cơ cấu lại phần bán hàng, xem lại tỷ trọng giữa xuât khẩu và nội địa. Đầu năm 2010, tỷ lệ giữa xuất khẩu so với nội địa của công ty là 6:4, cuối năm 2010 về 5: 5. Với thông tin tỷ giá điều chỉnh, công ty sẽ cân nhắc để tăng tỷ lệ xuất khẩu trở lại.

Được biết, tỷ trọng xuất khẩu thường chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp ngành cao su thiên nhiên. Trước đây, với quy định giới hạn tỷ giá cũ của NHNN, nhiều doanh nghiệp bán hàng chủ yếu bằng USD đã thất thoát khá nhiều. Việc điều chỉnh tỷ giá lần này đã góp phần kéo tỷ giá sát với thị trường, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong giao dịch ngoại tệ.

Khác với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu phải nhập nguyên liệu nên khi giá USD tăng thì giá thành tăng, nguồn nhập khẩu của các doanh nghiệp cao su thiên nhiên hiện nay là không đáng kể. Với TRC, nguồn nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu là hóa chất và phân bón. Nhờ dự báo trước giá cả sẽ tăng cao, ban lãnh đạo công ty đã chủ động tổ chức đấu giá và cho nhập khẩu về kho các nguồn vật tư, nguyên liệu thiết yếu này. Cách làm này đã giúp công ty quản lý tốt giá thành sản phẩm trước các biến động khôn lường như hiện tại.

Trong khi đó, đại diện CTCP Cao Su Phước Hòa (HOSE:PHR) cho biết, hiện công ty chỉ nhập một loại nguyên liệu duy nhất để phục vụ cho việc chế biến mũ CV nhưng giá trị không cao. Theo PHR, nhìn chung, việc tăng tỷ giá hiện nay là có lợi cho công ty khi giá bán vẫn còn ở mức cao, song nếu giá rớt xuống bất ngờ thì công ty sẽ rơi vào khó khăn trước áp lực lạm phát, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào (xăng, dầu, điện, hạt PE…) cao làm giá thành đội lên, dẫn đến lợi nhuận giảm.

Dù vậy, triển vọng ngành cao su thiên nhiên trong năm nay nhìn chung là khá sáng sủa. Theo PHR, dự kiến giá bán cao su thiên nhiên trong 6 tháng đầu năm sẽ tăng nhẹ hơn năm trước và nhu cầu về ngành cao su vẫn khả quan cho đến hết năm. Được biết, hiện giá cao su xuất khẩu của Việt Nam đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/tấn (khoảng 5,000 USD/tấn), cao gần gấp đôi so với cùng kỳ 2010.

Cùng chung nhận định, đại điện TRC cho rằng mặc dù giá bán cao su là khách quan do chịu sự chi phối của các nước sản xuất cao su nhiều như Malaysia, Thái Lan cũng như nhu cầu của quốc tế, nhưng do nhu cầu hiện thời của thế giới là rất lớn nên cũng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến cao su.

Đầu năm nay, tỉnh Tây Ninh đã đón cơn mưa đầu mùa, hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu sắp tới khi chỉ trong quý 1, TRC đã đạt 17% kế hoạch sản lượng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ ở mức 7-8% kế hoạch.

Ông Bình cho biết thêm, việc tăng giá xăng, dầu mới đây vô hình chung càng tạo thêm thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành cao su thiên nhiên. Trước đây, khi giá cao su thiên nhiên cao, người tiêu dùng đành chọn giải pháp độn thêm cao su tổng hợp vào trong các sản phẩm nhưng vẫn không thay thế được các đặc tính vốn có (độ dẻo, dai, đàn hồi…) của cao su thiên nhiên. Việc xăng tăng giá lần này làm giá thành của cao su tổng hợp lên cao. Do đó, người tiêu dùng nhiều khả năng quay về với sự chọn lựa cao su thiên nhiên.

Về định hướng hoạt động cho thời gian tới, đặc biệt là sau hàng loạt các biến động vĩ mô vừa được công bố, TRC cho biết sẽ chú trọng nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình quản lý đầu vào, tăng cường thỏa thuận với các nhà cung ứng sản phẩm có giá thấp để dung hòa lợi nhuận.

Riêng với PHR, công ty đã ký hợp đồng dài hạn với các khách hàng truyền thống nên nguồn đầu ra là tương đối ổn định.

Doanh nghiệp săm lốp: Tăng giá bán, bảo toàn vốn

Không được lạc quan như các doanh nghiệp ngành cao su, các công ty săm lốp lại đang phải đối mặt với không ít thách thức.

Trong một thời gian dài, ngành săm lốp đã phải gồng gánh với hiện tượng khan hiếm nguồn cung khiến giá nguyên liệu liên tục tăng cao và biến động không ngừng, nay lại đứng trước áp lực tăng tỷ giá cùng các mặt hàng phục vụ sản xuất như giá điện, nước, xăng, dầu đồng loạt tăng.

Trao đổi với Vietstock về tình hình hiện tại, ông Phạm Hồng Phú, Phó Tổng Giám đốc CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM) cho biết, giá vốn thời gian tới của công ty dự kiến tăng khoảng 20% khi hàng loạt các yếu tố trên đồng loạt tăng, chủ yếu là do giá cao su thiên nhiên tăng, còn các yếu tố khác như điện, nước… không ảnh hưởng nhiều.

Trong bối cảnh đó, CSM sẽ tăng giá bán sản phẩm thêm 10% kể từ ngày 1/3. Mặc dù việc tăng giá này chưa thể bù đắp hoàn toàn chi phí khi giá vốn đội lên cao nhưng sẽ giảm được phần nào khó khăn hiện tại.

Một bài toán nan giải mà doanh nghiệp ngành săm lốp đang phải đối mặt là mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ sẽ hạn chế phần nào mức độ tăng giá của doanh nghiệp. Về vấn đề này, ông Phú cho hay khi giá vốn tăng cao, doanh nghiệp buộc phải lựa chọn phương án tăng giá đầu ra để bảo toàn vốn chứ chưa có biện pháp nào khác. Năm 2010, không riêng gì CSM mà nhiều doanh nghiệp ngành săm lốp khác cũng đã điều chỉnh giá bán sản phẩm. Do vậy, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục điều chỉnh giá một cách hợp lý để thị trường có thể chấp nhận.

Nguồn: