Doanh nghiệp cao su: Kẻ cười, người khóc

11:13 SA @ Thứ Năm - 18 Tháng Mười Một, 2010

Nhiều DN cao su thiên nhiên đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm và đang dự định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2010. Ở chiều ngược lại, nhiều DN săm lốp đang "khóc dở, mếu dở" do giá nguyên liệu đầu vào quá đắt đỏ, lại không dễ mua.

Giá cao su thiên nhiên tăng cao từ đầu năm và hiện tiếp tục đứng ở mức cao đã giúp nhiều DN cao su thiên nhiên như DPR, HRC, TRC… đạt lợi nhuận cao. Nhiều DN đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm và đang dự định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2010, trong đó thông tin đáng chú ý là tăng tỷ lệ cổ tức.

Ở chiều ngược lại, nhiều DN săm lốp: DRC, SRC, CSM đang "khóc dở, mếu dở" do giá nguyên liệu đầu vào quá đắt đỏ, lại không dễ mua. Tình trạng khó khăn này không chỉ trong trước mắt, mà nhiều DN cho biết, đầu năm 2011, nếu tình hình giá nguyên liệu cao su không "hạ nhiệt", họ có nguy cơ phải "tạm nghỉ" sản xuất.

Kẻ cười…

Theo đại diện nhiều DN cao su thiên nhiên, tính đến hết tháng 10, các DN đều vượt khá xa kế hoạch lợi nhuận năm. Nguyên nhân chủ yếu là do giá cao su thiên nhiên tăng cao, trong khi sản lượng khai thác và tiêu thụ của các DN không có biến động đáng kể. Dự báo, giá cao su thiên nhiên nhiều khả năng tiếp tục đứng ở mức cao trong thời gian tới do cầu vẫn cao, trong khi nguồn cung hạn chế.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) cho biết, tính đến hết tháng 10, Công ty đạt khoảng 813 tỷ đồng doanh thu, 270 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tương đương 116% kế hoạch năm). Quý IV/2010, DPR đặt mục tiêu đạt hơn 60 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Con số này, theo ông Hải là hoàn toàn khả thi, khi riêng tháng 10, Công ty ước đạt lợi nhuận trước thuế trên 37,2 tỷ đồng. Thậm chí, nếu giá các loại mủ cao su tiếp tục đứng ở mức cao từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho quý IV/2010. Do lợi nhuận khả quan, nên DPR đang xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ chi trả cổ tức từ 20% lên 30% bằng tiền mặt trong năm nay.

Một trường hợp "được mùa" lớn nữa là CTCP Cao su Hoà Bình (HRC), khi hết quý III/2010, Công ty đạt 73,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 32% so với kế hoạch năm. Theo ông Bành Mạnh Đức, người công bố thông tin của HRC, quý IV/2010, Công ty đặt mục tiêu đạt 130 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 31 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 28,7 tỷ đồng. Ông Đức cho biết, tháng 10, tuy sản lượng khai thác không đạt so với kế hoạch, nhưng bù lại giá tiêu thụ vẫn ở mức cao, nên doanh thu ước đạt hơn 37 tỷ đồng. Với kết quả này, HRC sẽ hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh trong quý cuối cùng của năm, nên Công ty dự kiến sẽ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2010, trong đó dự kiến sẽ tăng tỷ lệ trả cổ tức.

Hết tháng 10/2010, CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) ước đạt 192,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 15% kế hoạch cả năm, EPS đạt 6.420 đồng. 2 tháng còn lại của năm, TRC đặt mục tiêu sản lượng khai thác 3.629 tấn, tiêu thụ 2.939 tấn. Trả lời câu hỏi mà nhiều cổ đông quan tâm là với mức lợi nhuận đạt được khá cao trong năm nay, TRC có điều chỉnh tăng tỷ lệ trả cổ tức, ông Nguyễn Thái Bình, người công bố thông tin của TRC cho biết, tuy Công ty không có dự định điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2010, nhưng đang xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ trả cổ tức trên 20%, thay vì mức tối thiểu 20% như kế hoạch đã đề ra.

… và người khóc

Theo BCTC quý III/2010, lợi nhuận sau thuế trong quý này của CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) giảm tới 69,01% so với cùng kỳ năm 2009, chỉ đạt gần 38 tỷ đồng. Nguyên nhân sự suy giảm này, theo DRC là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, chủ yếu là giá cao su đầu vào tăng khiến lợi nhuận giảm. Tuy nhiên, đây không phải là cú sốc duy nhất đối với DRC. Bất ngờ hơn, trong nội dung phát biểu tại Hội thảo người Việt Nam dùng hàng Việt Nam cuối tuần trước, Phó tổng giám đốc DRC, ông Hà Phước Lộc, còn đưa ra một cảnh báo: DRC có nguy cơ phải đóng cửa trong quý I/2011 vì không có nguyên liệu để sản xuất.

Nguyên nhân chính của việc này, theo ông Lộc là tình trạng DN sản xuất trong nước chỉ mua được một lượng nhỏ cao su để sản xuất, phần còn lại thì Tập đoàn Cao su Việt Nam ưu tiên cho xuất khẩu, nên Công ty phải mua cao su của tư nhân hoặc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch từ Campuchia. Cũng theo ông Lộc, dù 3 đơn vị là Cao su Đà Nẵng, Cao su Sao vàng, Cao su Miền Nam chỉ sử dụng không quá 10% sản lượng cao su của Tập đoàn Cao su Việt Nam và các đơn vị này đã sẵn sàng mua theo giá Tập đoàn công bố, nhưng vẫn không được giải quyết.

Không chỉ DRC, việc giảm hiệu quả kinh doanh do giá cao su tăng cao cũng là tình trạng chung của các DN sản xuất săm lốp. Ông Nguyễn Công An, Tổng giám đốc CTCP Cao su Sao vàng (SRC) cho biết, khi giá mủ cao su tự nhiên lên cao, DN cũng gặp khó vì các đơn vị khai thác cao su tự nhiên "thích" xuất khẩu hơn là bán trong nước. Trong quý III năm nay, dù doanh thu bán hàng của SRC tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2009, nhưng do giá cao su nguyên liệu tăng mạnh nên lợi nhuận gộp của Công ty giảm đến 52,77% so với cùng kỳ. Dù vậy, SRC cũng có được một may mắn là: chưa phải nhập khẩu nguyên liệu cao su tự nhiên, dù theo ông An, nếu tình hình giá cả cao su tiếp tục diễn biến như hiện tại, việc thu mua nguyên vật liệu của Công ty cũng sẽ có trở ngại.

Riêng với CTCP Cao su Miền Nam (CSM), ông Phạm Hồng Phú, thành viên HĐQT Công ty cho biết, tình trạng khó mua cao su tự nhiên khi giá tăng cũng xảy ra với CSM, nhưng hiện tại, CSM đã ký được hợp đồng nguyên liệu đến tháng 1/2011.

Nguồn: