Doanh nghiệp phân bón: Nỗ lực kìm giá đầu ra

08:57 SA @ Thứ Hai - 07 Tháng Ba, 2011

Hiện miền Bắc đang bước vào vụ Đông Xuân nên nhu cầu phân bón tăng cao, tình hình tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang đau đầu trước bài toán giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 15%, trong khi giá bán ra vẫn chỉ tăng 4%.

- Áp lực giá "đầu vào"

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá nguyên liệu phân bón trên thị trường thế giới đang tăng rất mạnh, trong tháng 2/2011, với số lượng đạt khoảng 520.000 tấn, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng phân bón nhập khẩu chỉ tăng xấp xỉ 3%, nhưng giá trị lại tăng tới 40%.

Theo thông tin từ các công ty sản xuất phân bón, tại thời điểm này, giá các nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt: điện tăng 15,28%, xăng tăng 2.900đ/lít, các nguyên liệu phải nhập khẩu như SA, lưu huỳnh, kali… đều tăng từ 30%, thậm chí tăng gấp đôi. Thêm vào đó, tỷ giá USD/VND liên tục tăng trên thị trường tự do.

Trước đó, dự báo về cung- cầu một số mặt hàng thiết yếu năm 2011 của Bộ Công Thương cho thấy, nguồn cung phân bón đến tháng 12/2010 đáp ứng đủ nhu cầu cho vụ Đông Xuân 2010-2011, tuy nhiên giá bán ở mức cao. Trong khi một số loại phân như urê nước ta phải nhập 50%; SA, Kali nhập 100%, DAP trong nước mới đáp ứng được 20% nên giá phân bón trong nước phụ thuộc vào thị trường thế giới.

Ông Bùi Văn Việt- Giám đốc Cty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam- cho biết: sản lượng điện sử dụng một năm của công ty khoảng 115 triệu kWh, với giá điện năm 2010 trung bình khoảng 1.000đ/kWh, tương đương mỗi năm khoảng 115 tỷ tiền điện. Tiền điện chiếm khoảng 9% giá thành sản phẩm quặng apatit. Bắt đầu từ 1/3, giá điện tăng thêm 15,28%, giá trị tiền điện mỗi năm sẽ tăng thêm khoảng 17,5 tỷ đồng, kéo theo giá thành quặng apatit cũng tăng. Tuy nhiên, theo ông Việt thì từ thời điểm 1/4/2008 đến nay, công ty chưa một lần tăng giá quặng, trong khi mỗi năm chi phí đầu vào cho sản xuất đã tăng lên lhoảng 150 tỷ đồng. Chính vì thế công ty buộc phải tăng giá để bù đắp cho chi phí đầu vào.

Kiềm chế giá đầu ra

Giá quặng apatit tăng cao cũng ảnh hưởng tới giá thành sản xuất phân bón của nhiều đơn vị. Ông Nguyễn Duy Khuyến- Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao- tính toán: bắt đầu từ đầu năm 2011, tất cả các nguyên liệu đầu vào như SA, kali, lưu huỳnh, quặng apatit đều tăng: cụ thể giá lưu huỳnh tăng từ 189 USD/tấn lên 230 USD/tấn. Giá SA nhập khẩu vào khoảng 4,5 triệu/tấn, tăng gần gấp đôi so với thời điểm thấp nhất của 3 tháng trước, giá quặng apatit tăng lên 7%. Tất cả các nguyên liệu nhập khẩu đều phải chi trả bằng ngoại tệ, trong khi đồng USD đã tăng mạnh so với thời điểm trước Tết. Những chi phí này đã đẩy giá thành lên khoảng 14%. Chính vì thế, công ty cũng buộc phải tăng giá, nhưng việc tăng giá phải có lộ trình để không sẽ ảnh hưởng lớn tới người nông dân. Trước mắt, công ty sẽ chỉ tăng giá 4% để ổn định sản xuất. Con số tăng giá này mặc dù hiện chưa thể bù đắp được chi phí sản xuất nhưng nếu bán giá cao hơn thì người nông dân cũng không thể mua hàng.

Đồng quan điểm với ông Khuyến, ông Hoàng Văn Tại- Giám đốc Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển- cũng bày tỏ: Có quá nhiều áp lực đặt ra đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong thời điểm này. Không tăng giá thì không có lãi, cũng không thể tăng quá cao vì ảnh hưởng lớn tới người nông dân. Ông Tại cho biết: Ngoài việc giá điện tăng, công ty phải chịu thêm nhiều chi phí tăng cao như phí vận tải tăng lên khoảng 20%. Trong tháng 3 này, chi phí vận tải đường biển cũng sẽ tăng thêm phụ thu nhiên liệu vào khoảng 7% nữa. Giá hạt nhựa nhập khẩu cũng tăng khoảng 20% làm ảnh hưởng giá thành bao bì tăng theo. Cũng theo ông Tại , “nếu có tăng giá lên 15% thì cũng không thể đảm bảo lãi bằng năm ngoái”. Tuy nhiên, cũng như các đơn vị trong ngành, trước hết công ty sẽ khắc phục khó khăn, chỉ tăng giá khoảng 4% vào đầu tháng 3 này.

Như vậy có thể thấy, với tình hình giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như hiện nay, việc các đơn vị sản xuất chỉ tăng giá khoảng 4-5% cũng đã là một nỗ lực lớn, nhằm thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường.

Nguồn: