"/>"/>

Doanh nghiệp phân bón thiệt thòi trong mua than

11:03 SA @ Thứ Năm - 14 Tháng Sáu, 2012

Sau thời gian dài hiệp thương giữa Tập đoàn Hoá chất VN (Vinachem) và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), giá bán than vẫn được Bộ Tài chính điều chỉnh tăng 10%. Đây là lần tăng giá thứ 3 của TKV trong năm qua, ảnh hưởng lớn tới thị trường phân bón trong nước.

TĂNG GIÁ ĐÚNG LÚC KHÓ KHĂN

Theo Công văn mà TKV gửi 3 nhóm ngành hàng tiêu thụ than lớn gồm xi măng, giấy, phân bón, giá bán than được điều chỉnh tăng thêm 10% so với giá hiện hành. Tuy nhiên, các DN SX phân bón trong nước không đồng tình cách tăng giá của TKV, bởi thời điểm tăng giá đúng lúc ngành phân bón đang gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế, lượng hàng tồn kho tại các Cty cao hơn mọi năm 1,5-2 lần, nếu tăng giá phân bón chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ phân bón của nông dân.

Mặt khác, các DN phân bón cho rằng, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm mà TKV tăng giá than tới 3 lần là điều hết sức vô lý. Trước đó, giá bán than đã 2 lần được TKV điều chỉnh tăng, lần thứ nhất vào tháng 4/2011 và lần thứ hai là tháng 8/2011, cộng thêm lần 3 này, giá than đã tăng tới 1,2 triệu đồng/tấn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Tại - Tổng giám đốc Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển bức xúc cho rằng, việc kiến nghị của các DN phân bón lần này là cực chẳng đã bởi bấy lâu nay, TKV dựa vào sự độc quyền tăng giá theo sắc lệnh mà bỏ qua giai đoạn hiệp thương. Theo Pháp lệnh Giá, trước khi tăng giá than, TKV và Vinachem phải có thời gian hiệp thương giá dưới sự chủ trì của Bộ Tài chính để thống nhất thời điểm, mức tăng. Trường hợp đã tổ chức hiệp thương mà các bên vẫn chưa thoả thuận được mức giá, cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giá là Bộ Tài chính quyết định giá tạm thời để các bên thi hành cho đến khi thỏa thuận được mức giá nhằm kịp thời phục vụ SX, KD. Đằng này, những lần tăng giá trước đây, TKV chỉ cần trình công văn lên Bộ Tài chính phê duyệt rồi yêu cầu các DN tiêu thụ than phải chấp hành, nếu không sẽ dùng áp lực độc quyền dọa cắt cung cấp than khiến các DN phân bón vô cùng bức xúc.

Là đơn vị tiêu thụ mỗi tháng hàng trăm tấn than, ông Phạm Mạnh Ninh - Giám đốc Cty CP Phân lân nung chảy Ninh Bình lo lắng việc TKV tăng giá than trong thời gian ngắn, lại đúng thời điểm các mặt hàng đầu vào khác là điện, quặng apatit cũng tăng khiến DN phân bón trở tay không kịp. Để điều chỉnh, DN buộc phải tăng giá bán để bù đắp chi phí vì than chiếm tới 40% giá thành SX phân bón. Theo ông Ninh, giá than tăng 10% so với giá hiện hành, mỗi tấn than đơn vị phải chi phí thêm gần 300.000 đồng, như vậy giá than từ 3,1 triệu đồng tăng lên xấp xỉ 3,4 triệu đồng/tấn. Mỗi tháng, chi phí dành cho than của Cty tăng thêm hàng trăm triệu đồng. Không ai khác, chính người nông dân phải gánh chịu chi phí này khi giá phân bón tăng trên 100.000 đồng/tấn.

Cuối tháng 6 này, theo dự kiến Nhà máy Đạm Ninh Bình sẽ hoàn thành giai đoạn chạy thử nghiệm và chính thức đi vào SX phân đạm thương mại cung cấp ra thị trường. Nhưng qua trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thiệu - Phó Giám đốc Nhà máy Đạm Ninh Bình không khỏi lo lắng trước việc tăng giá than của TKV bởi nó có thể ảnh hưởng tới tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường bởi thời điểm hiện tại Nhà máy Đạm Ninh Bình cũng đang gặp khó khăn về vốn!

ƯU ĐÃI CHƯA TƯƠNG XỨNG

Phân bón là nguyên liệu đầu vào quan trọng bậc nhất với nền SX nông nghiệp của nước ta. Bối cảnh chung của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong khi một số DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, vận tải, thương mại được ưu đãi hết mức vẫn làm ăn thua lỗ, thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng thì nông nghiệp, cứu cánh cho nền kinh tế lại bị Nhà nước thờ ơ. Việc ưu đãi cho nông nghiệp, cụ thể là ngành SX phân bón, mặt hàng liên quan mật thiết tới SX nông nghiệp hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí còn bị o ép về giá mua nhiên liệu.

Tại buổi làm việc mới đây giữa TKV cùng nhiều DN phân bón lớn trực thuộc Vinachem như Cty Phân lân Văn Điển, Cty Phân lân Ninh Bình, Cty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Cty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc… giải thích việc tăng giá than, TKV cho rằng đó cách vận hành theo cơ chế thị trường thông qua quy định mới của Bộ Tài chính, tức là giá bán than trong nước bằng 80% giá XK. Song, nhiều DN phân bón cho câu trả lời của TKV là chưa thoả đáng.

Bởi hiện nay, loại than mà TKV XK là than chất lượng tốt nhất đã qua tuyển chọn, sàng lọc trong khi than bán cho các DN phân bón là than thô nên việc áp giá có sự khập khiễng. Ngoài ra, TKV đưa ra bảng số liệu giá than XK rất mập mờ, không có gì làm bằng chứng, căn cứ, phía Tập đoàn Hoá chất VN đề nghị được làm quan sát viên nhưng TKV không đồng ý với lý do... bí mật (?!).

Trao đổi với chúng tôi, bản thân các DN SX phân bón đều đồng tình, nhất trí với việc tăng giá than theo cơ chế thị trường, song yêu cầu Bộ Tài chính cần phân ra thị trường trong nước - XK và quan trọng phải có một lộ trình rõ ràng chứ không phải cứ thích là tăng bằng sắc lệnh như hiện nay. Bên cạnh đó, giá than trong nước phải là giá than XK trừ đi 20% thuế XK và trừ thêm 10% giá ưu đãi dành cho DN phân bón, chứ hiện nay TKV đang lấy giá XK cả thuế để áp giá cho thị trường trong nước là vô cùng thiệt thòi cho các DN SX phân bón.

Việc tăng giá than của TKV giờ là chuyện đã rồi, song qua sự việc bất hợp lý trên, các cơ quan quản lý Nhà nước mà trực tiếp ở đây là Bộ Tài chính cần xem xét thấu đáo thắc mắc, kiến nghị của các DN SX phân bón trong nước, để các lần tăng giá than sau này có sự minh bạch công bằng cho cả bên bán và bên mua. Vì không chỉ có TKV mới đem ngoại tệ về cho đất nước mà các DN phân bón cũng gián tiếp góp phần lớn thu về cho quốc gia hàng tỷ USD mỗi năm thông qua XK nông sản.

“Than là tài nguyên Quốc gia chứ không phải của ngành than nên phải ưu tiên phục vụ lợi ích đất nước trước tiên. TKV XK than thu lợi nhuận cao hơn được 1 đồng so với bán trong nước thì sau phải bỏ ra 3 đồng để NK than. Còn nếu TKV bán than cho DN trong nước SX phân bón, vừa phục vụ nông nghiệp vừa giúp giảm NK phân bón lại tăng giá trị than lên nhiều lần do giải quyết được công ăn việc làm cho hàng triệu lao động SX phân bón và nông nghiệp, thu về cho đất nước nhiều tỷ USD từ XK nông sản và phân bón”. Tổng giám đốc Cty Phân lân Văn Điển Hoàng Văn Tại chia sẻ.

Nguồn: