Các DN sản xuất phân bón trong nước vì phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh số thuế VAT đầu vào đã làm cho giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng từ 5 - 8%, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại.
Khi được khấu trừ 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào, lợi nhuận của các DN sản xuất phân bón trong nước được dự báo tăng và giá phân bón nội địa được kỳ vọng giảm.
Theo ông Nguyễn Hạc Thuý, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, kể từ năm 2015 đến nay, việc áp dụng Luật 71/2014 của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế đã gây ra những hệ lụy bất lợi cho sản xuất phân bón trong nước.
Theo đó, chính sách chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế suất VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế, của Luật 71/2014 đã khiến cho toàn bộ số thuế VAT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ. Các DN sản xuất phân bón trong nước vì phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh số thuế VAT đầu vào đã làm cho giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng từ 5 - 8%, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại.
Nếu tính toán trên phạm vi cả nước, số tiền thuế mà các DN sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Tất cả chi phí này bị đẩy vào giá thành sản xuất và tính vào giá bán phân bón. Khi đó người nông dân chính là đối tượng chịu thiệt nhiều nhất khi tiêu thụ phân bón trên thị trường.
Bởi khi thuộc đối tượng không chịu thuế VAT tất cả tiền thuế đầu vào không được khấu trừ, giá bán phân bón sản xuất trong nước sẽ cao hơn giá nhập khẩu. Điều này kích thích các DN tăng cường nhập khẩu phân bón làm cho lượng phân bón nhập khẩu tăng đột biến. Chẳng hạn, năm 2017 lượng phân bón nhập khẩu đã tăng hơn 2 triệu tấn so với năm 2014, đạt mức hơn 5,6 triệu tấn. Khi không thể cạnh tranh trên thị trường, các DN phân bón sẽ có khuynh hướng sản xuất cầm chừng. Nhiều dự án nhà máy sản xuất phân bón đang đầu tư phải ngưng trệ, gây ra các thiệt hại, đội vốn đầu tư và các hệ lụy liên quan đến vốn ngân sách và vốn vay từ nước ngoài và các TCTD.
Tình trạng ảm đạm như vừa kể trên đối với ngành phân bón có thể được thay đổi trong thời gian tới. Bởi vừa qua, với đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế 5% trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế GTGT của Bộ Tài chính đã được các DN đồng loạt ủng hộ.
Trong báo cáo cập nhật cổ phiếu ngành phân bón mới đây, các công ty chứng khoán cũng đồng loạt nhận định rằng việc thay đổi cách tính thuế VAT sẽ khiến các DN phân bón lớn như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Hà Bắc, Phốt phát Lâm Thao, Phân lân Ninh Bình… gia tăng lợi nhuận từ việc tiết giảm giá vốn. Việc này kích thích thị trường chứng khoán trong lĩnh vực phân bón, khiến giá cổ phiếu của các DN nội địa tăng mạnh sau thời kỳ ảm đạm.
Quan sát thị trường trong hai tuần gần đây cho thấy, các mã cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau, VAF của Phân lân Văn Điển, BFC của Phân bón Bình Điền, SFG của Phân bón miền Nam… đều có sự tăng trưởng sau thông tin thay đổi chính sách thuế VAT.
Theo đó mã cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ được Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho rằng sẽ tiếp tục đà tăng trong dài hạn. Đến cuối 2018 mã cổ phiếu này có thể đạt mức trung bình 20.500 đồng/cổ phiếu và năm 2019 có thể đạt mức 26.000 đồng/cổ phiếu, ngang bằng với các phiên cuối quý I/2018. Bởi việc sửa đổi chính sách thuế VAT nếu được tiến hành trong quý III/2018 thì năm 2019 DPM có thể giảm được khoảng 200 tỷ đồng trong giá vốn và tăng trưởng lợi nhuận ở mức 43,6%.
Tương tự, cổ phiếu LAS của CTCP Hóa chất Phốt phát Lâm Thao được Công ty Chứng khoán FPT cho rằng rất có cơ hội tăng trưởng mạnh. Kết thúc năm 2018, mã cổ phiếu này có thể bật lên đạt mức 18.000 đồng. Bởi hiện nay số thuế LAS đang phải tính vào giá vốn là khoảng 160 - 200 tỷ đồng/năm. Nếu tiết giảm được chi phí từ khoản khấu trừ này, cộng thêm với việc có thêm 200 tỷ đồng doanh thu từ Nhà máy NPK số 4 trong năm 2019 thì lợi nhuận của LAS sẽ tăng trưởng đột biến và cổ phiếu được khuyến nghị nắm giữ và đầu tư lâu dài.
Các DN sản xuất phân bón trong nước vì phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh số thuế VAT đầu vào đã làm cho giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng từ 5 - 8%, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Nếu tính toán trên phạm vi cả nước, số tiền thuế mà các DN sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ lên tới gần 1.000 tỷ đồng.
Nguồn: Thời báo Ngân hàng