Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Trồng trọt tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu cho rằng, cần quy định chặt chẽ hơn nữa một số nội dung về quản lý nhập khẩu phân bón; chưa đề cập đến quản lý giống cây trồng biến đổi gen,…
Quy định về giống cây trồng còn chung chung
Chương 2 của Dự thảo Luật Trồng trọt quy định về giống cây trồng vẫn chưa đề cập đến cây trồng biến đổi gen, trong khi hiện nay giống cây trồng này đang phát triển mạnh, có thể ảnh hưởng đến con người, vật nuôi, môi trường tự nhiên và hệ sinh thái. Nhiều ý kiến đề nghị cần phải đưa nội dung này vào Dự thảo luật để đánh giá tác động sinh học của giống cây trồng này đối với môi trường.
Theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP. Hồ Chí Minh), hiện công nghệ chuyển gen ảnh hưởng nhiều chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong nước. Đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn về nội dung này theo hướng loại giống chuyển gen cho sử dụng và không cho sử dụng, loại giống chuyển gen đang nghiên cứu thí điểm. Đối với một số loại sản phẩm chuyển gen cho sử dụng, cần bổ sung quy định về dán nhãn GMO đối với sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gen theo thông lệ quốc tế để người dùng có thể có thông tin để cân nhắc trong sử dụng và lựa chọn sản phẩm. Bên cạnh đó, chúng ta cần xem giống là một ngành hàng hóa đặc biệt có giá trị cao. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật các quy định cụ thể nhằm khuyến khích sản xuất giống, hạt giống, củ giống và cây giống.
Cùng ý kiến, đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) cho rằng, Dự thảo luật quy định về giống cây trồng vẫn chưa đề cập đến cây trồng biến đổi gen, trong khi hiện nay giống cây trồng này đang phát triển mạnh, có thể ảnh hưởng đến con người, vật nuôi, môi trường tự nhiên và hệ sinh thái.
Nhất trí cao với đại biểu Thúy, đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị, tại mục 4, Chương 2 về giống cây trồng, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung vào mục này một điều về mua bán giống cây trồng công nghiệp, cây ăn quả lâu năm phải có hợp đồng bảo lãnh giữa tổ chức, cá nhân cung ứng giống với tổ chức và người sử dụng giống. Có như vậy mới quy định chặt chẽ hơn khi xảy ra sự cố hoặc hậu quả xấu do giống cây trồng gây ra để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
“Việc quyết định công nhận lưu hành ở khoản 1, Điều 13 giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính chỉ được phép sản xuất sau khi được cấp quyết định công nhận lưu hành, trừ trường hợp sản xuất hạt giống phục vụ xuất khẩu. Vậy, nếu loại giống cây trồng là chất gây nghiện có được sản xuất hạt giống phục vụ xuất khẩu mà không cần quyết định lưu hành hay không? Tôi khẳng định không được. Để đảm bảo mọi hoạt động trồng trọt đều phải quản lý nhà nước theo luật, nên sản xuất hạt giống phục vụ xuất khẩu phải được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận lưu hành. Đề nghị sửa nội dung này cho đúng phạm vi điều chỉnh của luật như Điều 1 đã quy định”, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) đề nghị.
Cần quy định chặt chẽ hơn về quản lý phân bón
Bày tỏ sự quan tâm đến các quy định về quản lý phân bón (Chương III), đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.Hồ Chí Minh) đánh giá, nội dung các quy định về nhập khẩu mua bán phân bón còn khá sơ sài, chưa có cơ sở để giải quyết một số vấn đề thực tiễn đặt ra được dư luận quan tâm như: tình trạng nhập khẩu phân bón kém chất lượng, phân bón không đảm bảo vệ sinh môi trường, nhập khẩu phân bón tràn lan..., ảnh hưởng lớn đến nền nông nghiệp của nước ta. Đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định về tính nguyên tắc xuất khẩu, nhập khẩu phân bón như kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phân bón, cụ thể: nhập khẩu phải đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường; ưu tiên sử dụng phân bón trong nước, chỉ nhập khẩu phân bón khi nguồn cung trong nước không đáp ứng; ưu tiên việc nhập khẩu phân bón hữu cơ.
Liên quan đến vấn đề kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu, quy định tại Điều 46, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu), chỉ rõ, khoản 1 quy định: Phân bón nhập khẩu phải được Nhà nước kiểm tra về chất lượng, trừ các trường hợp sau đây: “Phân bón nhập khẩu quy định tại điểm a, điểm d, điểm đ, điểm e, khoản 2, Điều 44 của luật này, nghĩa là phân bón để khảo nghiệm; phân bón làm quà tặng, hàng mẫu; phân bón tham gia hội trợ, triển lãm; phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học là các loại phân bón không cần kiểm tra nhà nước về chất lượng khi nhập khẩu. Phân bón làm quà tặng nếu với số lượng ít, vài kilôgam để trưng bày thì không sao. Nhưng với số lượng lớn, dùng để bón cho cây trồng mà không kiểm tra chất lượng trước khi sử dụng, bón nhầm phân kém chất lượng hay có yếu tố gây hại đến cây trồng, thiệt hại là không nhỏ. Còn phân bón tham gia hội chợ, triểm lãm là để giới thiệu, quảng bá sản phẩm để người dân mua về sử dụng. Nếu không kiểm tra chất lượng trước khi tham gia các hội chợ, khi người dân mua về sử dụng phân bón không đạt chuẩn, kém chất lượng, gây ảnh hưởng thì gây thiệt hại cho người dân. Đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, trình độ kiến thức có giới hạn nên rất khó phân biệt được phân chất lượng hay kém chất lượng. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại nội dung quy định tài Điều 46 này cho phù hợp hơn”.
Về quản lý chất lượng nhãn, đặt tên, quảng cáo phân bón mục 4, Chương III, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) đánh giá, Dự thảo luật vẫn đặt nặng về quản lý cơ học trong cả đầu vào và đầu ra của sản xuất, nhập khẩu phân bón, song công tác hậu kiểm vẫn lơ là. Xuyên suốt dự thảo chưa thấy quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng trong quản lý, sử dụng phân bón, chưa có quy định về cơ chế kiểm soát, phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong quản lý phân bón. Nếu khâu tiền kiểm làm tốt nhưng hậu kiểm chưa sát sao, liệu có thể quản lý được không? Do đó, đề nghị dự thảo quy định rõ cơ chế phối hợp quản lý và kiểm soát phân bón, thực hiện thanh tra, kiểm tra đồng bộ, hiệu quả và có chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm. Có như vậy, bài toán phân bón giả, phân bón kém chất lượng mới được giải quyết triệt để.
Theo đại biểu Trần Thị Hằng, việc giữ quy định khảo nhiệm phân bón tại Dự thảo luật sẽ giải quyết được bài toán quản lý chất lượng phân bón. Tuy nhiên, cần tính toán quy định này sao cho phù hợp với sản xuất trong nước và xu hướng phát triển của thế giới bởi nhiều nước như Mỹ, EU, Italia, Thái Lan đã bỏ khảo nhiệm phân bón. Đại biểu cho rằng, cần quy định cụ thể và nới rộng phạm vi phân bón, không phải khảo nghiệm theo tiêu chí khảo nghiệm đối với phân bón có chứa yếu tố gây hại cho cây trồng và môi trường; nhanh chóng hoàn thiện hành lang quy chuẩn kỹ thuật phân bón làm cơ sở quản lý vì thực tế, chúng ta chưa có hàng rào này. Đồng thời, thực hiện giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm, kèm theo chế tài phạt nghiêm khắc, tạo sân chơi bình đẳng và điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết vấn đề môi trường.
Nỗi lo an toàn thực phẩm
“Tôi không rõ vì sao trong Dự thảo luật lần này không đề cập đến chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất dưới các hình thức đa dạng, phù hợp với thực tiễn để phát triển sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đồng thời cũng là điều kiện cơ bản để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong khi, đây là chính sách lớn, rất quan trọng, có tính tất yếu để nông nghiệp nước ta nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng phát triển hiệu quả, bền vững, tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) phát biểu.
Ông Cảnh cũng bày tỏ bức xúc về về an toàn thực phẩm trong trồng trọt. Đây là nỗi lo của xã hội, lương thực, thực phẩm tạo ra từ trồng trọt mà mọi người sử dụng hàng ngày chưa biết đâu là sạch, đâu là mất an toàn. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để ngành trồng trọt phát triển một cách hiệu quả và bền vững. Với ý nghĩa như vậy nhưng dự thảo luật đề cập vấn đề an toàn thực phẩm trong trồng trọt rất sơ sài, tản mạn, trong khi đó, vấn đề bảo vệ môi trường trong canh tác được thiết kế một điều riêng ở Điều 72, tôi cho rất thỏa đáng.
Do vậy, tiếp theo ý kiến phát biểu của mình tại kỳ họp thứ năm, đại biểu Cảnh đề nghị cần xây dựng một điều riêng về an toàn thực phẩm trong trồng trọt, quy định rõ những việc được làm, những việc cấm, trách nhiệm của các bên liên quan để tạo ra hành lang pháp lý cùng với Luật An toàn thực phẩm, nhằm nâng cao ý thức của các tổ chức và cá nhân, tạo chuyển biến về chấp hành pháp luật và an toàn thực phẩm nói chung cũng như trong trồng trọt nói riêng trong thời gian tới.
Giải trình những băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trồng trọt có vai trò rất quan trọng. Trong nông nghiệp, số đối tượng người dân tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt là rất đông. Hiện, riêng GDP của khu vực trồng trọt chiếm 57% tỷ trọng nông nghiệp. Xuất khẩu nông sản đạt 40 tỷ USD thì khoảng 20,5 tỷ là sản phẩm từ trồng trọt. Đó là chưa kể gỗ và sản phẩm đồ gỗ.
“Cùng Dự thảo luật này, chúng tôi có chuẩn bị 4 nghị định và 4 nghị định này đã chuyển cho cơ quan thẩm định để nay mai trình Quốc hội. 4 nghị định đó gắn với 6 thông tư cùng một loạt tiêu chuẩn, quy chuẩn, sẽ giải quyết được những vấn đề một số đại biểu Quốc hội quan tâm”, Bộ trưởng Cường cho biết.
Dự kiến, Dự thảo Luật Trồng trọt sẽ được xem xét thông qua vào ngày 20/11.
Nguồn: Kinhtenongthon.vn