Đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT 5%: Lợi ích cho “3 nhà”

09:21 SA @ Thứ Sáu - 18 Tháng Mười, 2024

Chiều 17/10, tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Toạ đàm tham vấn ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đến ngành phân bón.

Tham dự toạ đàm có bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Nguyễn Khánh Cẩm Châu - Trưởng Nhóm tăng trưởng kinh tế, Cố vấn Gắn kết khu vực tư nhân của USAID/Việt Nam; TS Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam; TS Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; TS Nguyễn Thu Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo và Sáng tạo FTU - Trường Đại học Ngoại thương; ông Nguyễn Đình Cư - Phó Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam.

Nhiều ảnh hưởng khi phân bón không chịu thuế VAT

Tọa đàm được tổ chức nhằm cung cấp các phân tích về ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT - VAT) 5% đến ngành phân bón; hướng đến phục vụ thông tin cho đại biểu Quốc hội trước thềm khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ 8, Quốc hội khóa XV vào ngày 21/10/2024 sắp tới.

TS. Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam: Số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón theo Luật Thuế 71 từ năm 2015 đến nay đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại toạ đàm, TS Phùng Hà cho biết, thời gian qua, việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT theo Luật số 71 đã dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón sẽ không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón sụt giảm đáng kể. Thí dụ, theo thống kê của Bộ Tài chính, số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón theo Luật Thuế 71 từ năm 2015 đến nay đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Cư, Phó chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam: % VAT đầu vào càng lớn thì giá vốn hàng bán ra càng cao. Từ đó, không khuyến khích doanh nghiệp hạch toán phấn đấu giảm giá thành, đồng thời gây ra bất lợi trong cạnh tranh với hàng nhập khẩu về giá vốn hàng bán

Đồng ý kiến, ông Nguyễn Đình Cư chia sẻ, việc phân bón không được xếp vào các mặt hàng chịu thuế VAT khiến nhà sản xuất không được tính thuế, không phải nộp VAT đầu ra, đồng thời cũng không được khấu trừ VAT đầu vào. Do đó, giá bán sản phẩm phải gồm chi phí sản xuất bao gồm VAT đầu vào khiến chi phí sản xuất tăng. % VAT đầu vào càng lớn thì giá vốn hàng bán ra càng cao. Từ đó, không khuyến khích doanh nghiệp hạch toán phấn đấu giảm giá thành, đồng thời gây ra bất lợi trong cạnh tranh với hàng nhập khẩu về giá vốn hàng bán.

Theo tính toán, trong 9 năm vừa rồi (2015-2023), các đơn vị sản xuất phân bón của Vinachem có số thuế GTGT không được khấu trừ phải tính vào giá thành là 7000 tỷ đồng. Số tiền này thực chất là nhà nước đã thu thuế GTGT từ trước chứ không phải là đưa vào tính thuế GTGT thì người nông dân phải chịu toàn bộ số chi phí này. Nếu ước tính của cả năm 2024 thì trong 10 năm, số thuế không được khấu trừ là 8000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Cư phân tích thêm, bên cạnh đó, người nông dân cũng phải mua sản phẩm phân bón không có VAT. Trường hợp là cơ sở sản xuất kê khai thuế thì không có VAT đầu vào được khấu trừ gây ra tăng chi phí sản xuất.

“Đối với ngân sách nhà nước cũng không có nguồn thu VAT từ sản phẩm sản xuất nội địa bán ra và từ hàng nhập khẩu, không có số thuế thực thu hình thành từ các khâu đầu vào của sản xuất phân bón” – ông Nguyễn Đình Cư chia sẻ.

Việc áp thuế GTGT với phân bón ban đầu có thể khiến giá phân bón cao hơn, song khi doanh nghiệp được khấu trừ phần thuế này, sẽ có điều kiện giảm giá thành sản xuất, giảm giá bán. Đại diện cho người nông dân tham dự toạ đàm, bà Nguyễn Thị Anh Đào – Phó Chủ tịch Liên hiệp HTX tiêu dùng Việt Nam (VCCU) bày tỏ: “Người nông dân tin tưởng vào Chính phủ, nếu giá phân bón tăng thì chính phủ sẽ có những giải pháp bình ổn giá bán phân bón”.

Ông Lê Anh Tuấn - Kế toán trưởng Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc:  khi không chịu thuế, thì doanh nghiệp không dám đầu tư vì toàn bộ phần thuế GTGT hạch toán vào tổng mức đầu tư. Khi doanh nghiệp được khấu trừ thuế sẽ có nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng phân bón

Ông Lê Anh Tuấn - Kế toán trưởng Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc thông tin thêm, tác động quan trọng nhất của việc đưa doanh nghiệp phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT là tác động đến người nông dân. Theo đó, khi không chịu thuế, thì doanh nghiệp không dám đầu tư vì toàn bộ phần thuế GTGT hạch toán vào tổng mức đầu tư. Khi doanh nghiệp được khấu trừ thuế sẽ có nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng phân bón. Nói cách khác, nếu như người nông dân trước đây phải dùng 2 nắm đạm thì với đạm chất lượng cao chỉ cần 1 nắm.

Hơn nữa, doanh nghiệp sản xuất trong nước vững mạnh, làm chủ thị trường sẽ giúp giá phân bón ổn định, không phụ thuộc vào nhập khẩu. “Trong giai đoạn Covid-19, khi nước ta đi ngoại giao vắc xin thì nước ngoài đến nước ta ngoại giao phân bón, đại sứ Hàn Quốc đến công ty xin mua đạm ure. Công ty có thể xuất khẩu với giá 1000 USD/tấn nhưng đã hạn chế xuất khẩu để phục vụ người nông dân trong nước, bình ổn giá bán. Như vậy là bà con nông dân được những điều không thể định lượng được. Doanh nghiệp càng phát triển, càng giảm được giá thành sản xuất phân bón sẽ giảm giá phân bón và người nông dân sẽ được lợi” – ông Lê Anh Tuấn nói.

TS. Trần Thị Hồng Thủy - Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC): Kịch bản áp thuế GTGT 5% sẽ có thể dẫn đến thay đổi giá các sản phẩm phân bón. Trong đó, phân bón sản xuất trong nước sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về giá so với các sản phẩm nhập khẩu

TS. Trần Thị Hồng Thủy - Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) phân tích thêm, khi đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT, giá bán thành phẩm của doanh nghiệp sản xuất Ure có dư địa giảm 2%; giá bán thành phẩm của doanh nghiệp sản xuất DAP có dư địa giảm 1,13%; giá bán thành phẩm của doanh nghiệp sản xuất lân có dư địa giảm 0,87%. Nhà nước có thể tăng thu ngân sách 1.541 tỷ đồng. 

“Kịch bản áp thuế GTGT 5% sẽ có thể dẫn đến thay đổi giá các sản phẩm phân bón. Trong đó, phân bón sản xuất trong nước sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về giá so với các sản phẩm nhập khẩu” - TS. Trần Thị Hồng Thủy chia sẻ.

Khi được áp thuế GTGT đầu ra, doanh nghiệp cũng sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giúp giảm áp lực khi đầu tư/sửa chữa máy móc thiết bị, đầu tư công nghệ mới, xanh hóa sản xuất.

Chia sẻ về kinh nghiệm của một số quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển ngành phân bón, bà Nguyễn Thu Hằng cho biết, hiện Trung Quốc đã miễn hoặc giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón. Chính phủ Trung Quốc áp dụng các chính sách thuế ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón, đặc biệt là các loại phân bón hữu cơ, để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đồng thời, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đối với một số loại nguyên liệu cần thiết để sản xuất phân bón nhưng không có sẵn trong nước, giảm thuế nhập khẩu nhằm giảm chi phí sản xuất và khuyến khích tăng cường sản lượng.

Hoặc tại Nga, các doanh nghiệp sản xuất phân bón nằm trong các khu vực kinh tế đặc biệt có thể được hưởng ưu đãi thuế như miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài sản và các khoản đóng góp xã hội trong một khoảng thời gian nhất định. Các công ty đầu tư vào công nghệ sản xuất phân bón thân thiện với môi trường có thể được hưởng ưu đãi thuế. Chính phủ Nga khuyến khích việc sử dụng công nghệ xanh để giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao hiệu suất sản xuất, thông qua việc hỗ trợ miễn hoặc giảm thuế cho các dự án đầu tư vào công nghệ mới.

Đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT

Trong bối cảnh đó, TS Phùng Hà kiến nghị Sửa đổi Luật số 71 phần liên quan đến phân bón theo hướng chuyển phân bón từ mặt hàng chịu thuế GTGT sang mặt hàng chịu thuế GTGT ở mức 5%. Bên cạnh đó, xem xét sửa đổi Nghị định 26 về thuế suất thuế xuất khẩu phân bón theo nguyên tắc: Áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu, phải giữ lại cho tiêu dùng trong nước và mức thuế suất thuế xuất khẩu 0% đối với loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ hoặc dư thừa.

“Đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT sẽ mang lại lợi ích cho “3 nhà”: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông” - TS Nguyễn Trí Ngọc bổ sung.

Cho ý kiến rằng phân bón là ngành quan trọng đối với phát triển kinh tế Việt Nam, TS Nguyễn Thu Hằng nêu quan điểm, về chính sách thuế, cần có các chính sách thuế hỗ trợ phát triển ngành phân bón theo hướng phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa các sắc thuế: Thuế VAT, Thuế bảo vệ môi trường, Thuế xuất nhập khẩu, Thuế thu nhập doanh nghiệp. Song song với đó, khuyến khích phát triển và sử dụng các loại phân bón ít gây ảnh hưởng đến môi trường: phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh. Tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển, hợp tác quốc tế về KHCN trong lĩnh vực phân bón để tiếp thu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm phân bón.

Ông Nguyễn Đình Cư kiến nghị, bên cạnh việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT, các cơ quan nhà nước (Ngân sách nhà nước và Cơ quan thuế) cần tăng thu thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu, tăng cường quản lý thuế, tạo môi trường thuế bình đẳng, tăng khối lượng công việc để giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa tất cả các bên.