Các chuyên gia phân tích, việc sớm sửa đổi Luật 71/2014/QH13, đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT 0-5% là sự cộng sinh cần thiết giữa nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng để cùng tồn tại và phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay.
Nguy cơ phân bón sản xuất trong nước thua ngay trên sân nhà
Hiện tại, trong số các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết với các nước như ASEAN thì biểu thuế nhập khẩu ưu đãi cho mặt hàng phân bón (Urea) đều là 0% cho giai đoạn từ 2015 trở đi. Ngoài ra, các mức thuế khác cũng có tỷ lệ rất thấp. Theo đánh giá của các chuyên gia thì mức thuế quan áp dụng đối với các sản phẩm phân bón mà Việt Nam mở cửa cho nước khác là tương đối hấp dẫn, hầu như không có rào cản nào đối với phân bón nhập khẩu từ thị trường nước ngoài.
Số liệu thống kê trong giai đoạn 5 năm (2015-2019) cho thấy, bình quân hàng năm Việt Nam nhập khẩu hơn 4,2 triệu tấn phân bón các loại với giá trị bình quân 1,2 tỷ USD. Trừ năm 2019 là có sản lượng nhập khẩu dưới 4 triệu tấn, các năm còn lại lượng nhập khẩu giao động từ 4,2 triệu tấn đến 4,7 triệu tấn. Điều này cho thấy lượng nhập khẩu phân bón vào thị trường nội địa rất cao, chiếm hơn 40% tổng nhu cầu tiêu thụ cả nước.
Ngược lại, hiện nay, tỷ trọng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (SXKD) phân bón tại Việt Nam tập trung thị trường nội địa là chủ yếu và tỷ lệ dành xuất khẩu thấp hơn nhiều so với nhập khẩu (trong 4-5 phần nhập khẩu chỉ có 1 phần xuất khẩu). Từ số liệu của kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) cho thấy, nhập khẩu ròng hàng năm đối với phân bón là khoảng 750-800 triệu USD. Và với việc áp dụng mức thuế XNK ở mức 0% thì việc khấu trừ thuế GTGT (thuế VAT) của ngành cũng không đáng kể.
Ngoài ra, về bản chất, các mức thuế như thuế tự vệ, thuế XNK đều là thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng nên khi gặp khó khăn về kinh doanh, các đơn vị kinh doanh XNK phân phải chuyển bù vào chi phí của đơn vị. Đây là thông lệ phổ biến trong hoạt động kinh doanh nói chung trên thế giới và Việt Nam. Và nhiều chuyên gia nhận định, các khoản thu ngân sách nhà nước không đáng kể xét trên phương diện áp dụng thuế XNK này.
Và vì tỷ trọng giá trị các mặt hàng phân bón chủ yếu tập trung trong nước, do đó, thuế GTGT có ý nghĩa lớn đối với các đơn vị trong ngành. Ước tính, với quy mô ngành phân bón trên 100.000 tỷ đồng hàng năm và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5% (từ năm 2015, theo Luật Thuế 71/2014/QH13, mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT) thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu 3.000-4.000 tỷ đồng/năm. Đây là con số lớn nếu xem xét đến lợi nhuận sau thuế của các đơn vị trong ngành trong giai đoạn 5 năm qua.
Theo số liệu thống kê kết quả kinh doanh cốt lõi, nhất là chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (LNST) từ 10 đơn vị của ngành phân bón trong nước cho thấy, LNST tuyệt đối có xu hướng giảm mạnh. Theo đó, năm 2015, LNST của các đơn vị là 1.792 tỷ đồng nhưng đến năm 2019 giảm còn 1.161 tỷ đồng (tương đương mức giảm 35% so với năm 2015) và theo kế hoạch SXKD công bố của các đơn vị thì LNST của 10 đơn vị năm 2020 chỉ còn 620 tỷ đồng (tương đương mức giảm 65% so với năm 2015).
Đại diện một đơn vị SXKD phân bón cho biết, khi không được khấu trừ thuế, các đơn vị sẽ suy giảm khả năng cạnh tranh và về lâu dài sẽ lâm vào tình trạng giải thể, phá sản và trên hết, thị phần phân bón trong nước sẽ giảm và rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài.
Cấp thiết đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT 0-5%
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động ảnh hưởng từ chính sách thuế đến triển vọng phát triển của ngành, của đơn vị, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã đề xuất với các bộ, ngành kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Luật thuế 71. Theo đó sớm đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT từ 0% đến 5% là điều hết sức cấp thiết đối với các đơn vị trong ngành.
Nhiều chuyên gia ước tính, đánh giá hiệu quả từ lợi ích mà nhà nước thu được từ việc áp dụng dụng mức thuế XNK, thuế tự vệ và không áp thuế VAT phân bón so với thiệt hại của doanh nghiệp và nông dân đang phải chịu cho thấy, ngân sách nhà nước sẽ được lợi hơn nhiều thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành phân bón.
Đặc biệt, bà con nông dân cả nước sẽ được lợi hơn nhờ việc mua các sản phẩm phân bón thấp hơn, giảm giá trị vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể của ngành nông nghiệp cả nước.
Một khi việc sửa đổi Luật thuế 71 đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT từ 0% đến 5% được thông qua sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho các đơn vị trong ngành SXKD trong nước, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành; giảm lượng phân bón nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường nội địa.
Hơn hết là khi các đơn vị ngành SXKD phân bón giảm giá thành, hạ giá bán sản phẩm sẽ giúp chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng trên cơ sở các bên cùng có lợi, qua đó, tiếp tục góp phần bình ổn thị trường phân bón nội địa; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Có thể nói, đây là sự cộng sinh cần thiết giữa nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng để cùng tồn tại và phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng cao như hiện nay.
Nguồn: Petrovietnam.petrotimes.vn