Từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật Thuế số 71) có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 có quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu VAT, tưởng được ưu đãi, ai ngờ các doanh nghiệp phân bón lại lâm vào thế khó, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm, nhập khẩu tăng mạnh.
Ngay từ khi Luật có hiệu lực từ đầu năm đến nay, theo các doanh nghiệp (DN) phân bón, do trong luật quy định là DN phân bón được miễn VAT. Song với quy định mới này, các DN phân bón khi mua nguyên vật liệu và các dịch vụ đầu vào khác đều phải mua với giá có VAT, còn khi bán sản phẩm lại không được khấu trừ VAT. Điều này có nghĩa là DN sẽ phải tính phần không được hoàn VAT vào giá thành sản phẩm.
Chuyển sang thuế suất 0%?
Các DN sản xuất phân bón lại đang đồng loạt kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật 71/1014/QH 13 với nội dung, thay vì miễn VAT đối với phân bón thì chuyển sang đối tượng chịu VAT với mức thuế suất bằng 0%.
Ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Tổng giám đốc công ty Đạm Hà Bắc, chia sẻ: "Do không được khấu trừ thuế đầu vào nên năm 2015 chi phí sản xuất tăng thêm 250 tỷ đồng, chi phí tăng, giá thành tăng, sản phẩm ứ đọng, tồn kho".
Ông Phạm Quang Tuyến, Tổng Giám đốc công ty Super Phốt Phát Lâm Thao, cũng đưa ra dẫn chứng về tác động của việc miễn VAT như sau: "Theo tính toán, hàng năm công ty sản xuất 280.000 tấn hóa chất và 1,6 triệu tấn phân bón. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, vật tư nguyên liệu nhập vào là nguyên liệu thô, phải chịu thuế đầu vào từ 5% đến 10%, với tổng giá trị tiền thuê đầu vào trên 180 tỷ đồng mỗi năm. Nhưng do được miễn VAT nên số tiền này không được khấu trừ đầu ra. Do đó, công ty phải tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm phân bón của công ty lên 3,6%".
Theo ông Tuyến, riêng 9 tháng đầu năm, sản lượng phân bón tiêu thụ của công ty Super Phốt Phát và hóa chất Lâm Thao giảm 16%, sản lượng phân bón sản xuất giảm 4%, hiệu quả kinh doanh dự kiến giảm 18% so với 9 tháng đầu năm 2014.
Trước đó, ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), cũng khẳng định: "Với quy định miễn VAT như hiện nay, DN sản xuất phân bón trong nước sẽ bị ảnh hưởng kép bởi không được khấu trừ đầu vào, trong khi lại phải giảm giá đầu ra để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Với phân bón nhập khẩu, do không phải chịu 5% VAT đầu vào, thì chỉ cần giảm giá 1-2% đã đủ sức cạnh tranh với sản phẩm phân bón trong nước. Như vậy, chính sách này chỉ có lợi cho phân bón nhập khẩu".
Ông Phạm Quang Tuyến cũng cho rằng: "Bên cạnh sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm trong nước là sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm ngoại nhập. Sản phẩm phân bón nhập khẩu giảm 5% thuế giá trị gia tăng, họ có lợi thế về giá, dẫn đến sản xuất trong nước ứ đọng, không bán được hàng, mất thị trường".
"Ngoại" lấn át "nội"
Trong khi sức cạnh tranh của DN sản xuất phân bón trong nước suy giảm thì nhập khẩu phân bón của nước ta từ đầu năm đến nay được đánh giá là tăng mạnh. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, khối lượng phân bón nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2015 đạt 2,81 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 881 triệu USD, tăng 13,2% về khối lượng và 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng đối với mặt hàng phân Urê, trong thời gian này, khối lượng nhập khẩu đạt 215.000 tấn, trị giá đạt 68 triệu USD, tăng đến 81% về khối lượng và 87,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu như khối lượng phân bón nhập khẩu trong tháng 2 và 3 năm 2015 lần lượt đạt khoảng 225.000 và 281.000 tấn, thì bước sang tháng 5 và 6/2015, con số này đã tăng lên rất mạnh, lần lượt đạt khoảng 373.000 và 433.000 tấn, tức tăng khoảng 150.000 tấn so với thời điểm trước đó.
Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nếu như trước đây, phân bón nhập khẩu chịu thuế 11% (gồm 6% thuế nhập khẩu và 5% VAT) thì nay giảm chỉ còn 6%. Do vậy, 6 tháng đầu năm 2014, nhập khẩu NPK chỉ khoảng 180.000 nhưng 6 tháng đầu năm 2015, lượng nhập khẩu đã tăng lên 260.000 tấn, tức tăng gần 45%.
Ngoài ra, trong khi thị trường trong nước đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của phân bón nhập khẩu thì thị trường xuất khẩu của các DN phân bón trong nước cũng đang suy giảm. 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu phân bón đều giảm ở hầu hết các thị trường, trong đó xuất khẩu sang thị trường Thái Lan là giảm mạnh nhất.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan Việt Nam, tháng 8/2015, cả nước đã xuất khẩu 57,7 nghìn tấn phân bón các loại, trị giá 21,5 triệu USD, giảm 22,7% về lượng và giảm 24,7% về trị giá so với tháng 7 – đây là tháng thứ hai giảm liên tiếp. Tính chung 8 tháng đầu năm 2015, cả nước đã xuất khẩu 578 nghìn tấn, trị giá 208,2 triệu USD, giảm 25,37% về lượng và giảm 24,12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014.
Mặt hàng phân bón của Việt Nam có mặt trên 8 quốc gia trên thế giới, trong đó Campuchia là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 32,7% tổng lượng xuất khẩu, với 189,2 nghìn tấn, trị giá 72,5 triệu USD, song đã giảm 38,8% về lượng và giảm 38,89% về trị giá.
Đặc biệt, theo đánh giá chung, 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu phân bón đều giảm ở hầu hết các thị trường, trong đó xuất khẩu sang thị trường Thái Lan là giảm mạnh nhất, giảm 64,57% về lượng và giảm 67,7% về trị giá so với 8 tháng 2014, với 15,2 nghìn tấn, trị giá 4,6 triệu USD. Thị trường giảm mạnh đứng thứ hai là Đài Loan, giảm 53,81% về lượng và giảm 64,04% về trị giá, tương đương với 2,6 nghìn tấn, trị giá 672,9 nghìn USD.
Điều này cho thấy tình trạng đáng báo động về hoạt động sản xuất và kinh doanh của các DN phân bón trong nước đang có vấn đề, trong đó có nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp từ việc "miễn VAT", dù DN, Hiệp hội đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.