Hiện nguồn cung phân bón vẫn dồi dào, nhưng giá phân bón khó có thể “hạ nhiệt” trong năm 2023 do đặc thù phụ thuộc phần lớn vào diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Nguồn cung đủ, giá dự kiến vẫn neo ở mức cao
Dự báo về thị trường phân bón 2023, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định: giá phân bón năm 2021-2022 đã tăng phi mã trong vòng 50 năm lại đây. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây giá phân bón đã có dấu hiệu hạ nhiệt với việc Trung Quốc bắt đầu mở cửa thị trường và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón. Điều này dẫn tới nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới không còn tình trạng khan hiếm cục bộ.
Tuy nhiên, ông Phùng Hà cũng cho rằng, hiện nay sản xuất phân bón vẫn còn phụ thuộc lớn vào giá gas và giá xăng dầu. Trong đó giá gas chiếm tới khoảng 80-90% giá thành sản xuất amoniac - đầu vào quan trọng để sản xuất phân đạm ure, DAP nên giá phân bón khó có thể hạ nhiệt trong năm nay. Mặc dù trong mấy tháng trở lại đây, giá phân bón đã có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng, theo dự đoán của nhiều chuyên gia phân bón và tài chính thì khả năng trong thời gian tới, giá phân bón vẫn neo ở mức cao và phụ thuộc lớn vào giá gas và đặc biệt là giá xăng dầu thế giới, trước diễn biến phức tạp của cuộc chiến Nga-Ukraine.
Về nguồn cung cho vụ Đông Xuân 2022-2023, ông Phùng Hà cho rằng hiện với năng lực sản xuất phân bón trong nước, nguồn cung không còn là vấn đề. Cụ thể, hiện công suất sản xuất phân đạm ure của 4 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã lên tới 2,5 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ ure trong nước chỉ ở ngưỡng 1,6-1,8 triệu tấn/năm.
Với phân bón chứa lân và phân tổng hợp NPK, công suất sản xuất trong nước cũng vượt xa nhu cầu. Tuy nhiên, với phân bón DAP, hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 40% và toàn bộ lượng phân kali để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) cũng đưa ra 3 kịch bản dự báo cho thị trường phân bón thế giới trong năm 2023.
Kịch bản thứ nhất, IFA dự đoán nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ giảm vào năm 2023 và đạt 194,6 triệu tấn vào năm 2026, nghĩa là nhiều hơn 2 triệu tấn so với năm 2019, nhưng thấp hơn 9 triệu tấn so với mức năm 2020.
Ở kịch bản trung bình, nhu cầu phân bón thế giới ở mức 202,1 triệu tấn vào năm 2026.
Ở kịch bản lạc quan, nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ đạt 211,1 triệu tấn vào năm 2026.
Tuy nhiên, trong cả ba kịch bản này, IFA cũng cho rằng rất ít khả năng giá phân bón sẽ giảm xuống thấp hơn vào năm 2023.
Doanh nghiệp trong nước chuẩn bị tốt nguồn cung phân bón
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, để đảm bảo nguồn cung và giá phân bón hợp lý tới tay nông dân, ngay từ trước Tết âm lịch, Supe Lâm Thao đã chuẩn bị những lô nguyên liệu rất lớn cho sản xuất phân bón của đơn vị như SA, lưu huỳnh, kali. Theo đó, lượng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón của Supe Lâm Thao đủ cho ít nhất 3 tháng và với giá nhập về hợp lý nhất.
Ông Hồng cũng cho rằng, vì sản xuất phân bón NPK phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên những đơn vị sản xuất phân bón trong nước như Supe Lâm Thao luôn phải chủ động nguồn nguyên liệu với giá tốt để có thể sản xuất phân bón đến tay người nông dân với giá thành hợp lý nhất.
Hiện kho hàng của Supe Lâm Thao luôn có trên 30.000 tấn phân bón các loại, cộng thêm sản lượng sản xuất gần 2.000 tấn phân bón/ngày, sẵn sàng xuất bán để không thiếu hàng cho vụ Đông Xuân 2022-2023, ông Hồng cho biết.
Về giá phân bón, ông Hồng cho biết, hiện các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón của Supe Lâm Thao như ure, kali hay SA trên thị trường đều có giá thấp hơn năm ngoái, trong đó ure chỉ khoảng 11.000 đồng/kg so với mức cao điểm 14-15.000 đồng/kg vào năm ngoái. Để giữ giá phân bón hợp lý tới tay nông dân, Supe Lâm Thao đang tìm kiếm các nguồn nhập khẩu SA giá tốt từ Trung Đông, châu Phi và ure từ các nhà máy trong nước.
Với các nỗ lực này, giá phân bón bán ra thị trường của Supe Lâm Thao được giữ ổn định so với quý 4/2022. Ông Hồng cũng hi vọng giá các loại nguyên liệu có thể ổn định để “hạ nhiệt” giá thành phân bón đến tay người nông dân.
Quay trở lại thời điểm quý II năm 2022, khi giá nguyên liệu phân bón đầu vào tăng phi mã, có những loại nguyên liệu như lưu huỳnh, SA, kali… tăng tới hơn 200%, nhưng Supe Lâm Thao vẫn nỗ lực tiết giảm tối đa chi phí sản xuất và không tăng giá bán phân bón bán ra tương ứng.
Bên cạnh đó, để giữ giá phân bón hợp lý đến tay nông dân, Supe Lâm Thao đang nỗ lực giảm giá vận chuyển phân bón trong bối cảnh giá xăng dầu, chi phí bốc vác tăng.
Không những thế, trong năm 2022 và những năm trước, để chia sẻ gánh nặng với bà con nông dân, Supe Lâm Thao thường xuyên thực hiện chương trình hỗ trợ bán hàng chậm trả cho bà con nông dân trên khắp cả nước. Năm 2022, Supe Lâm Thao đã thực hiện bán trả chậm 60 ngàn tấn phân bón cho bà con nông dân trên khắp cả nước. Số hàng bán chậm trả này có thể sau 4-6 tháng mới thu hồi lại được vốn. Trong khi hàng tuần, hàng tháng, công ty phải nhập nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Và tiền trả cho nguyên liệu đầu vào thì không được chậm một ngày – ông Hồng cho biết. Chính vì thế, doanh nghiệp phải “xoay xở” tối đa, vay vốn ngân hàng để nhập nguyên liệu trong bối cảnh nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá tăng cao.