BSC cho rằng giá ure có thể điều chỉnh giảm trong năm 2023 do giá các nguyên liệu sản xuất chính hạ nhiệt và các chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón của Nga và Trung Quốc tới hạn vào 31/12/2022.
Trong báo cáo ngành triển vọng ngành phân bón, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) giữ quan điểm trung lập với ngành này trong năm 2023 do dự báo giá ure sẽ điều chỉnh giảm và tạo áp lực lên tăng trưởng 2023, khi mức nền cả năm 2022 khá cao.
“Hiện chưa có động lực rõ ràng để giúp giá ure trong nước vượt qua mức đỉnh thiết lập trong nửa đầu năm 2022. Giá ure có thể điều chỉnh giảm trong năm 2023 do giá các nguyên liệu sản xuất chính hạ nhiệt; các chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón của Nga và Trung Quốc tới hạn vào 31/12/2022”, bộ phận phân tích của BSC nhận định.
Quay trở lại bảng kết quả kinh doanh quý III, BSC cho biết doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý III của các doanh nghiệp đạm khí lần lượt tăng trưởng 55% và 73% so với cùng kỳ 2021 nhờ sản lượng tiêu thụ ure tăng 20% so với quý III/2021 và giá bán duy trì mức cao hơn 32%.
BSC kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV/2022 của các doanh nghiệp phân bón sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sản lượng và giá bán phục hồi.
Thực tế, sản lượng tiêu thụ ure nội địa dự kiến cải thiện nhờ giá gạo đi lên, thúc đẩy nhu cầu sử dụng phân bón trong mùa cao điểm - vụ Đông Xuân.
Ngoài ra, nguồn cung ure nhập khẩu về Việt Nam được dự báo giảm do chênh lệch giá ure nội địa/nhập khẩu được thu hẹp, đồng thời tỷ giá USD/VND tăng khiến các thương nhân giảm nhập khẩu ure.
Ở một khía cạnh khác, giá ure trong nước hiện đã nhích lên 10% từ mức đáy 9 tháng đầu năm và đà phục hồi này có thể tiếp diễn trong quý IV nhờ nhu cầu nội địa cải thiện.
Mặt khác, giá ure thế giới neo ở mức cao vì giá than Trung Quốc duy trì ở mức cao, các nhà máy sản xuất phân bón ở châu Âu tiếp tục đóng cửa/hoạt động công suất thấp do lo ngại giá khí có thể neo cao trong mùa đông.
Tuy nhiên, BSC cũng lưu ý rằng trong trường hợp Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch và mở cửa trở lại sẽ tác động tiêu cực tới quan điểm khả quan nêu trên bởi Trung Quốc là nhà xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới.